Thị trường ESG rất cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp
ESG với doanh nghiệp không chỉ là áp lực mà còn là động lực
Mới đây, tại Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2024, ông Hà Anh Trường, CEO của Ecoka cho biết doanh nghiệp từ khi hoạt động đã gắn liền với sứ mệnh ESG vì vậy mỗi bước tiến của Ecoka đều gắn liền với mỗi bước chân trong hành trình thực hành ESG của doanh nghiệp. ESG với doanh nghiệp không chỉ là áp lực mà còn là động lực, là cơ hội để doanh nghiệp tìm được vị thế cho mình ở thị trường trong và ngoài nước.
Theo đại diện Ecoka, cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang rất tốt song để nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp phải củng cố năng lực sản xuất, hoàn thiện chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của đối tác.
“Theo đó, doanh nghiệp phải thực sự xanh, thực sự ESG chứ không phải “làm màu”. CEO của Ecoka nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền), tính cạnh tranh trong phát triển là vấn đề quan trọng đối với tất cả doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, khi thu hút các doanh nghiệp FDI vào đầu tư, các doanh nghiệp này sẽ theo dõi rất sát các tiêu chuẩn ESG từ phía đối tác nên nếu doanh nghiệp Việt không quan tâm, không thực hiện ESG thì tính cạnh tranh sẽ rất thấp.
Ông Điệp nhìn nhận rằng với ESG, tính cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được nâng lên, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội để xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường phát triển. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội để đón dòng vốn đầu tư từ các đối tác nước ngoài”.
Cần khung tiêu chuẩn và hỗ trợ doanh nghiệp thực hành ESG
ESG là một khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp. Trong đó E - Environmental (môi trường) đánh giá cách doanh nghiệp quản lý các tác động đến môi trường; S - Social (xã hội) là xem xét mối quan hệ của doanh nghiệp với các bên liên quan như nhân viên, khách hàng, cộng đồng và nhà cung cấp; G - Governance (quản trị), đánh giá cách doanh nghiệp quản lý và điều hành dựa trên các tiêu chí như cấu trúc lãnh đạo, quy trình ra quyết định, chính sách về quản lý rủi ro, tuân thủ quy định pháp luật…
Vì vậy, việc thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng xu thế mới là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp năm 2024 vừa được khảo sát cho thấy ESG vẫn là một khái niệm mới với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Cụ thể, trong số 1.019 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có đến 39% chưa từng nghe nói đến ESG và 62% hiện chưa nắm rõ các quy định và chính sách của Việt Nam liên quan đến ESG và kinh doanh bền vững như Quyết định số 167/QĐ-TTg năm 2022, Thông tư số 13/2023/TT-BKHĐT, Thông tư số 96/2020/TT-BTC.
Mặc dù các doanh nghiệp lớn vượt trội hơn hẳn trong việc tiếp cận thông tin, xây dựng chiến lược và thực hiện các hoạt động liên quan đến ESG nhưng có đến 26 - 30% doanh nghiệp ở từng quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng đang có những bước đi đầu tiên trong việc tìm hiểu và áp dụng các tiêu chí ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như phát triển giao thông công cộng và giao thông thông minh, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, quản lý tài nguyên nước hiệu quả và bảo vệ nguồn nước, đồng thời xử lý chất thải hiệu quả và giảm thiểu lượng chất thải. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này./.
- Xanh SM cam kết dịch vụ “5 Xanh Tốt”, không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng
- Công trình xanh tại Việt Nam: Chi phí đầu tư vẫn là rào cản