ISSN-2815-5823
Việt Anh
Chủ nhật, 17h32 22/09/2024

Thủ tướng: Hệ thống ngân hàng cần thực hiện 6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá

(KDPT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng các ngân hàng sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cần giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát

Chiều 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị này nhằm tiếp tục đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là trong ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến đánh giá chính xác, công bằng về chính sách chính sách tiền tệ, điều hành vĩ mô của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có các vấn đề liên quan thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, room tín dụng, tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp về chính sách tiền tệ thời gian tới.

Thủ tướng cho biết, đến nay, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tuy nhiên, vừa qua, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề do cường độ cao, tốc độ nhanh, gió giật mạnh, hoành hành lâu trên đất liền, hoàn lưu bão gây mưa lũ trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hơn nữa bão lũ cũng làm đình trệ sản xuất, kinh doanh tại một số địa bàn, doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các ngân hàng chia sẻ trong lúc đất nước khó khăn, nhất là về vấn đề lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Lãi suất luôn được công khai

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Quang Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai lãi suất trên website. Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, đến tháng 8/2024 giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023. Trong đó, lãi suất cho vay khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân giảm khoảng 0,96%; hiện ở mức 9,17%, cao hơn toàn hệ thống và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.

Trong những giai đoạn áp lực tăng cao, Ngân hàng Nhà nước bán can thiệp ngoại tệ hỗ trợ thanh khoản thị trường, phục vụ nền kinh tế, bình ổn thị trường ngoại tệ. Khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chiếm khoảng 66% tổng giao dịch ngoại tệ toàn hệ thống và 30% thị phần giao dịch với khách hàng.

Tính đến ngày 17/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm 2023, trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống; cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Theo ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho biết nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chưa được như kỳ vọng là do tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới cầu tín dụng cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn sau COVID-19 cùng với ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế nên cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB tham luận tại hội nghị.
Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB tham luận tại hội nghị.

“Cầu tiêu dùng trong nước có xu hướng thắt chặt, đặc biệt các chi tiêu không thiết yếu. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… dẫn tới sụt giảm cầu tiêu dùng cũng như cầu tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống,” ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực bất động sản, theo ông Thái, mặc dù có nhiều chính sách mới hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản nhưng quá trình giải quyết vướng mắc pháp lý tại các dự án bất động sản vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến khả năng thu xếp nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Nhất trí với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chung sức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đại diện NHTM cổ phần Quân đội (MB) mong muốn Chính phủ có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản; thúc đẩy và tạo điều kiện hơn nữa cho ngành ngân hàng tăng cường kết nối, tiếp cận Cơ sở Dữ liệu quốc gia để phát triển công nghệ, thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng…

Thực hiện “6 tăng,” “6 giảm,” “6 tăng tốc, bứt phá.”

Thủ tướng yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện “6 tăng,” “6 giảm,” “6 tăng tốc, bứt phá.”

Theo đó, "6 tăng" gồm: tăng năng lực của tổ chức tín dụng ngân hàng, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

"6 giảm" gồm giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau" và giảm nợ xấu…

Cùng với đó là "6 tăng tốc, bứt phá" gồm: tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế; tăng tốc, bứt phá về vươn ra thị trường quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng các ngân hàng sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra đưa nước ta vươn lên tầm cao mới, cùng toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/09/2024