ISSN-2815-5823
Việt Anh - Thúy Khang
Thứ tư, 07h08 11/09/2024

Thúc đẩy dòng vốn xanh tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu Net-Zero

(KDPT) - Việt Nam cần nguồn lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Thúc đẩy dòng vốn xanh tại Việt Nam

Việt Nam đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. 

Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” diễn ra sáng 10/9, bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, Việt Nam cần nguồn lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ước tính, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD cho đến 2050, trong đó riêng nhu cầu tài chính đến 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.

Bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo. (Ảnh:VA)
Bà Đỗ Thị Phương Lan - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo. (Ảnh:VA)

Bà Lan cũng nêu rõ, các nguồn lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được xác định trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, khu vực tư nhân, hỗ trợ quốc tế và các nguồn vốn cộng đồng khác.

Đặc biệt, Việt Nam cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia. Do đó, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững. 

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính nhận định, tài chính xanh đóng vai trò then chốt trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng xanh và Việt Nam đã có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tài chính xanh. Trong bối cảnh hiện tại, cần xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng và giải pháp tài chính xanh để đổi mới mô hình tài chính xanh. Đặc biệt, cần tập trung vào việc nâng cao khả năng huy động và sử dụng các công cụ tài chính xanh, đồng thời đảm bảo đầu tư hiệu quả.

Còn nhiều rào cản trong huy động dòng vốn xanh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà Lan cũng cho biết, việc huy động và phát triển dòng vốn xanh cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: Hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ; Chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, các lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; Hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết về cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường nhằm bao phủ được các nguồn gây tổn hại cho môi trường; tăng chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường vì mục tiêu tài chính xanh, rà soát đầu tư công làm nền tảng, cơ sở cho huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư tài chính xanh; hoàn thiện các quy định về mua sắm công xanh, chẳng hạn hoàn thiện các quy định ưu tiên mua sắm sản phẩm dán nhãn sinh thái, nhãn năng lượng trong Luật Đấu thầu, Luật đầu tư công hoặc ban hành quy chế mua sắm công xanh đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ các cấu phần của thị trường chứng khoán xanh phát triển; hỗ trợ thị trường bảo hiểm xanh phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, và đạt được mục tiêu phát triển bảo hiểm xanh như đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030; hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển thị trường tín chỉ carbon…

Dưới góc độ phát triển các công cụ tài chính xanh nhìn từ Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, ông Tô Trần Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu phát triển các công cụ tài chính xanh và bền vững.

Những công cụ này sẽ là trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, hỗ trợ huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ, ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.

Giải pháp khắc phục những vướng mắc

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy hoạt động tài chính xanh ở Việt Nam, ông Lê Hoàng Lân - Đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi ý 3 nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính:

Ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh:Hương Lan)
Ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh:Hương Lan)

Thứ nhất, đối với nhóm tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh. Sớm xây dựng có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho cả nước.

Thứ hai, đối với nhóm trái phiếu xanh, cần tăng cường minh bạch công bố thông tin của các doanh phát hành trái phiếu xanh, các báo cáo về sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh cần được đánh giá một cách minh bạch, khách quan từ tổ chức có chuyên môn và được công khai để bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong từng dự án xanh.

Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán cần xây dựng lộ trình hoàn chỉnh và thống nhất cho các doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch, các bước chuẩn bị cho việc phát hành, nguyên tắc phát hành, cách hạch toán, thanh toán trái phiếu đến ngày đáo hạn và sử dụng nguồn thu từ việc phát hành. Nâng cao năng lực để phát triển sàn giao dịch trái phiếu xanh.

Thứ ba, xây dựng định hướng cho doanh nghiệp các danh mục dự án xanh ưu tiên, ưu đãi theo lộ trình từ nay đến 2050. Để huy động được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức tín dụng tham gia vào tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam phải khuyến khích thúc đẩy môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chủ yếu gây phát thải như: năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn, doanh nghiệp có áp dụng quy trình tái chế trong quá trình sản xuất, bao gồm: nguyên liệu đầu vào, nhiên liệu trong sản xuất, sản phẩm đầu ra có khả năng tái chế tuần hoàn.

Xây dựng các nhóm ngành khuyến khích, ưu đãi đầu tư như: các ngành sản xuất năng lượng tái tạo mới; nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng hydro sạch; giao thông vận tải xanh và logistic xanh; nghiên cứu ứng dụng các ngành sản xuất nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch cho phương tiện giao thông vận tải; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ lưu trữ carbon; nghiên cứu ứng dụng các ngành sản xuất nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sinh khối./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/10/2024