ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Chủ nhật, 06h00 04/02/2024

Đẩy mạnh tăng trưởng xanh, kiến tạo không gian phát triển bền vững

(KDPT) - Quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong việc bảo đảm tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của quá trình này là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quan điểm về tăng trưởng xanh đã được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đề cập tới. Mỗi quốc gia, mỗi tổ chức có cách hiểu về tăng trưởng xanh khác nhau, nhưng có một quan điểm chung nhất là: Tăng trưởng xanh là phát triển kinh tế trong khi vẫn bảo đảm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng chống chịu với thảm họa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và chia sẻ thành tựu tăng trưởng đến mọi người dân thông qua bảo vệ môi trường và tạo ra việc làm mới.

Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Chìa khóa then chốt

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đang hướng tới. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp Quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Năm 2023, thông qua báo cáo Quốc gia tự nguyện lần thứ 2, Việt Nam một lần nữa cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Được nhận định như chìa khóa đạt được phát triển bền vững, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường. Đây là lựa chọn dài hạn để bảo đảm cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách".

Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và từng bước được hỗ trợ bởi khung pháp lý, định hướng, dẫn dắt từ chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng, quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc đảm bảo tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển. Trong khi các số liệu vĩ mô chỉ ra bức tranh tươi sáng của tương lai xanh, thì một số nhóm cộng đồng có nguy cơ đối mặt với tác động tiêu cực của quá trình chuyển dịch và trở thành những đối tượng bị bỏ lại phía sau.

Nói về vấn đề này, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số. Quá trình này dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực, từ đó đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động - một vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.

“Trái tim” của phát triển doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng, về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển dịch, khi khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp. Trong khi đó, về phía địa phương, sự khác biệt về đặc điểm tự nhiên cố hữu, dân số, xã hội dẫn tới sự chênh lệch trong phát triển kinh tế, trình độ lao động, khả năng chuyển dịch trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế.

Chuyển đổi xanh giúp ngành nông nghiệp gia tăng giá trị, phát triển bền vững. (Ảnh: ICT Việt Nam)

TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết “Trong quá trình chuyển đổi, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhận thức chuyển đổi xanh như “trái tim” của phát triển doanh nghiệp hiện nay và tương lai. Hy vọng trên các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tới đây sẽ có dấu chỉ xanh để nói lên thực tế vào cuộc và trách nhiệm cụ thể trong góp sức phát triển xanh, định vị tương lai cho mình và thực thi tầm nhìn chiến lược của đất nước”.

Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động giải quyết nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn, nhưng phải bảo đảm tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển này.

Đẩy mạnh tăng trưởng xanh,  kiến tạo không gian phát triển bền vững
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quyết định đến sự thành bại của chuyển đổi xanh. (Ảnh: Hồ Long/Báo Đại biểu Nhân dân)

Cũng liên quan đến vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thực hiện tăng trưởng xanh, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp ngành sản xuất phần lớn chưa nhận thức được khái niệm và sự quan trọng của chuyển đổi xanh. Đâu đó còn cho rằng, đó là sự xa xỉ, là sự kêu gọi có tính chất đạo đức nhiều hơn là về thương mại và hiệu quả kinh tế. Thực tế là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải tập trung lo cơm áo gạo tiền, do đó cần thay đổi nhận thức chuyển đổi xanh là con đường độc đạo là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chứ không chỉ là doanh nghiệp lớn. Đây là “hộ chiếu” để tham gia thị trường trong nước và thế giới, tiếp cận mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, trong quá trình chuyển đổi, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhận thức chuyển đổi xanh như “trái tim” của phát triển doanh nghiệp hiện nay và tương lai. Hy vọng trên các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tới đây sẽ có dấu chỉ xanh để nói lên thực tế vào cuộc và trách nhiệm cụ thể trong góp sức phát triển xanh, định vị tương lai cho mình và thực thi tầm nhìn chiến lược của đất nước”, ông Lộc chia sẻ.

Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ

Theo các nhà chuyên môn, để đẩy mạnh tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững, cần chú trọng liên kết phát triển khoa học công nghệ của địa phương với phát triển khoa học công nghệ của vùng và khu vực; thay đổi, cải tiến các mô hình tăng trưởng cũ, lỗi thời bằng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với xu thế toàn cầu hướng tới nền kinh tế tăng trưởng xanh; nâng cao hiệu suất, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên năng lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.

TS. Bùi Thị Thu Trang của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, với ngành công nghiệp và năng lượng cần giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ tài nguyên và nhiên liệu bằng việc hiện đại hóa công nghệ, tái chế và quay vòng sản phẩm. Để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, cần áp dụng các công nghệ carbon thấp, tăng cường việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, sóng biển, gió…) và nhiên liệu sinh học; lồng ghép các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu với chiến lược tăng trưởng xanh trong các cụm ngành kinh tế trọng điểm; mở rộng giao thương và hợp tác quốc tế về cả khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực, phát triển kinh tế đa ngành và chất lượng.

Đối với ngành nông nghiệp, TS. Bùi Thị Thu Trang nhấn mạnh, cần phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao song song với việc áp dụng các phương thức canh tác giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; lồng ghép các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu vào dự án cải tiến phương thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng, sử dụng các giống chịu hạn, chịu lũ lụt, chịu mặn.

Đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ đến lĩnh vực lâm nghiệp, TS. Phạm Thị Hồng Phương của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong việc quản lý và bảo vệ rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý trong việc xây dựng các phần mềm cảnh báo và truyền tin, giám sát và dự báo suy thoái rừng. Đồng thời, đầu tư xây dựng các mô hình điều tra, đánh giá, kiểm kê rừng theo khu vực và toàn quốc; giám sát công tác trồng mới, bảo vệ và phát triển rừng, mở rộng diện tích rừng để tạo thành bể hấp thụ carbon; bảo vệ và tái tạo diện tích rừng; ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường rừng, bảo vệ diện tích các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển hệ thống quản lý thông tin đối với ngành lâm nghiệp.

Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, TS. Phạm Thị Hồng Phương nêu ra giải pháp tập trung công nghệ cho việc xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm; nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ và bảo đảm được việc kết nối các tỉnh, thành phố, các vùng, các khu vực, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Phát triển ngành thương mại và dịch vụ theo hướng đa dạng và nâng tầm giá trị các sản phẩm Việt Nam.

Các chuyên gia khoa học công nghệ cho rằng, tăng trưởng xanh là xu thế phát triển chung của thế giới, là điều kiện tất yếu, cũng như cơ hội để Việt Nam khẳng định mình và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, muốn thực sự phát triển theo hướng tăng trưởng này, Việt Nam cần thiết phải triển khai thực hiện các giải pháp khoa học công nghệ thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong đó, cần sự đồng lòng của toàn dân và các cấp chính quyền trong việc thực hiện cũng như giám sát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024