ISSN-2815-5823

Thuế thuốc lá và phát triển bền vững

(KDPT) - Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, giảm bất bình đẳng và xây dựng một xã hội khỏe mạnh, công bằng, thì tăng thuế thuốc lá không phải là lựa chọn, mà là một đòi hỏi cấp thiết.

Đây là thời điểm để các nhà hoạch định chính sách thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, đồng thời củng cố nguồn lực cho phát triển.

Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phát biểu khai mạc hội thảo.

Nhằm triển khai thực hiện công tác truyền thông chính sách năm 2025, đồng thời cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế và phát triển bền vững, cũng như thảo luận về vai trò quan trọng của chính sách thuế trong kiểm soát thuốc lá, sáng 3/6, tại Hà Nội, Cục Báo chí phối hợp Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thuế thuốc lá và Phát triển bền vững".

Gánh nặng do sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và kinh tế

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người, trong đó có gần 7 triệu người đang và đã từng hút thuốc và 1,3 triệu người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. 

“Với hơn 15 triệu người hút thuốc, Việt Nam đang phải chịu gánh nặng y tế và kinh tế khổng lồ, với hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm do hút thuốc lá chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Đồng thời, chi phí y tế và thiệt hại kinh tế do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hàng năm ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP mỗi năm”, ông Lợi chia sẻ.

Ngoài khía cạnh y tế, thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao ở nam giới, và tập trung trong nhóm tuổi từ 15 - 55 tuổi, làm suy yếu lực lượng lao động, dẫn đến tổn thất về năng suất và sản lượng của nền kinh tế, và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng kinh tế mà một số nhóm nghèo và thiệt thòi nhất đang phải gánh chịu.

Theo nghiên cứu của Hội Khoa học Kinh tế Y tế, hàng năm, chi phí gián tiếp do bệnh tật, tử vong gây ra từ việc sử dụng thuốc lá tại Việt Nam làm mất đi tổng cộng 21,7 triệu giờ lao động. Vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong 10 - 20 năm tới khi đa số những người hút thuốc hiện nay bắt đầu hứng chịu những tác động bất lợi đối với sức khỏe của hành vi sử dụng thuốc lá.

Trong thời gian qua, mặc dù tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam đã giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 41,1% năm 2021, nhưng mức giảm này vẫn còn khiêm tốn. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao nhất thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Một trong những nguyên nhân chính là giá thuốc lá quá rẻ, do thuế thuốc lá còn thấp. Năm 2022, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá của nước ta chỉ đạt 36%, thấp hơn so với trung bình của nhóm quốc gia có thu nhập trung bình (59%), và thuộc nhóm có mức thuế thấp nhất trong khu vực ASEAN, thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Thái Lan (78,6%), Philippines (71,3%), Singapore (67,5%).

Chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng ở mức thấp. Theo báo cáo của WHO, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Điều tra về giá bán lẻ thuốc lá do Trường Đại học Y tế Công cộng và Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện năm 2023 cho thấy trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên rất dễ tiếp cận với thuốc lá.  

Hành động ngay để bảo vệ tương lai

Tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật, và tử vong mà còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách, để tái đầu tư vào các ưu tiên của đất nước.

Theo Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Việt Nam đang đứng trước những quyết định quan trọng để bảo vệ người dân khỏi những tác hại của việc sử dụng thuốc lá và kêu gọi các nhà lập pháp hãy hành động thật mạnh mẽ vì sức khỏe và sự phát triển của Việt Nam. Mức tăng thuế càng cao thì tác động tích cực tới sức khỏe càng lớn, càng tạo ra nhiều doanh thu thuế để tái đầu tư vào các ưu tiên của Chính phủ để thúc đẩy phát triển bền vững.

Để đạt được các mục tiêu đã nêu của Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với thuốc lá, bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối thêm vào mức thuế theo tỷ lệ hiện có. Mức thuế tuyệt đối nên được áp ở mức khởi điểm 5.000 đồng/bao thuốc vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh mức thuế tỷ lệ hiện hành, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Phương án khuyến nghị của WHO sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Phương án này, sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Đồng thời, giúp tăng doanh thu thuế thêm 29.000 tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/06/2025