ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ sáu, 11h07 22/12/2023

Tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

(KDPT) - Nguồn năng lượng mặt trời dồi dào cùng với nhu cầu sử dụng điện trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp đang gia tăng là những yếu tố chính minh chứng cho tiềm năng rất lớn về điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Việt Nam.
Giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam

Tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn để phát triển các hệ thống ĐMTMN. Tại Việt Nam, mức bức xạ mặt trời trung bình được tạo ra ở hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ là 4-5 kWh/m2/ngày. Con số này thấp hơn một chút ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và cao nhất ở một số vùng thuộc khu vực Nam Bộ.

Đối với sản lượng thực tế có thể đạt được tại các hệ thống ĐMTMN, mức bức xạ mặt trời này tương ứng khoảng 900-1.100 kWh điện mặt trời trên một ki-lô-oát công suất lắp đặt của hệ thống (kWh/kWp) tại miền Bắc, 1.100-1.400 kWh/kWp tại miền Trung và 1.400-1.600 kWp/kWp miền Nam của Việt Nam. Các mức bức xạ mặt trời này có thể so sánh với phần còn lại của khu vực ASEAN và các thị trường năng điện mặt trời có truyền thống như Tây Ban Nha và California.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp trên nóc một trụ sở doanh nghiệp tại TP.HCM (Ảnh: EVNHCM)

Khi so sánh với Đức - một trong những thị trường điện mặt trời mái nhà lớn nhất thế giới với hơn 1,5 triệu hệ thống điện mặt trời mái nhà đang hoạt động và có sản lượng hệ thống trung bình hàng năm đạt 950 kWh/kWp, có thể thấy rằng nhìn chung, không có vùng nào ở Việt Nam "không có đủ ánh nắng mặt trời" để vận hành được một hệ thống điện mặt trời. Kể cả ở miền Bắc, một hệ thống ĐMTMN được thiết kế chuẩn và hoạt động hiệu quả có thể giảm nhu cầu sử dụng năng lượng của một tòa nhà hoặc một cơ sở công nghiệp một cách hiệu quả, qua đó tiết kiệm chi phí dành cho năng lượng.

Tiềm năng về thị trường dành cho ĐMTMN tại Việt Nam là rất lớn. Việt Nam có rất nhiều công xưởng cỡ vừa tại các nhà máy đang được xây dựng trong các khu công nghiệp quanh những thành phố lớn nhất; các cơ sở công nghiệp đang phát triển này cho thấy tiềm năng đang kể về không gian dành cho các hệ thống ĐMTMN cũng như nhà ở của người mua điện tiềm năng. Ngoài ra, các trung tâm đô thị của Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng cũng cho thấy tiềm năng ngày càng lớn dành cho điện mặt trời mái nhà với số lượng cửa hàng, siêu thị, kho bãi, tòa nhà văn phòng và chung cư gia tăng đều đặn.

Một dự án nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM sẽ lên đến 6.400 MW và tại TP. Đà Nẵng sẽ lên đến 1.100 MW. Đối với toàn bộ Việt Nam, có thể giả định tiềm năng ĐMTMN của cả đất nước lớn gấp nhiều lần tiềm năng của hai thành phố gộp lại.

Phát triển thị trường ĐMTMN tại Việt Nam

Cho đến đầu năm 2019, thị trường ĐMTMN tại Việt Nam chỉ có khoảng 1.800 hệ thống với khoảng 30 MWp công suất được nối lưới. Quy định mới về FIT cho điện mặt trời được ban hành vào tháng 4/2017 chưa huy động được nhiều sự đầu tư do các vấn đề trong thực hiện và thuế khóa. Sau khi có sự điều chỉnh về mặt quy định trong Quyết định số 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ vào đầu năm 2019, các khoản đầu tư vào hệ thống ĐMTMN đã phát triển mạnh mẽ.

Theo số liệu của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), tính đến tháng 6/2023, tổng công suất sản xuất của các hệ thống năng lượng mặt trời/năng lượng trên mái nhà đã đạt khoảng 8GWp, so với 1GW giờ vào tháng 12/2020.

Cần thêm nhiều những chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường ĐMTMN tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Báo cáo của Savills năm 2022 cũng nêu số liệu, tổng diện tích mái nhà công nghiệp và thương mại là khoảng 80 nghìn ha và tốc độ tăng trưởng ước tính là 10%, trong khi tổng diện tích mái nhà được sử dụng để sản xuất năng lượng mặt trời chỉ chiếm 8%.

Do đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường năng lượng mặt trời áp mái tại Việt Nam được đánh giá là một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất về công suất lắp đặt mới trong 10 năm tới.

Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối…

Điện mặt trời mái nhà tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày nen sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống. Không những thế, việc phát triển điện mặt trời còn mang ý nghĩa về xã hội và môi trường. Đồng thời, giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao.

Đặc biệt, việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện.

Sau khi có thêm những quy định mới được thực hiện, các bên liên quan trên thị trường đều kỳ vọng sẽ có một sự đầu tư mạnh mẽ trong suốt năm 2023 và xa hơn nữa./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024