Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP. Invest.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP. Invest.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, phạm trù đề cập của Luật đất đai sửa đổi rất rộng với 236 điều, tuy nhiên, cần tập trung vào vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất cùng các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất...

Để đảm bảo lợi ích quốc gia nhưng cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong việc khai thác, tận dụng quỹ đất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam mong muốn cơ quan soạn thảo tiếp tục sàng lọc để Luật Đất đai (sửa đổi) được ứng dụng một cách bền vững, có hiệu quả trên thực tế.

Ông Hiệp cũng cho rằng, quy định về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo như nội dung dự thảo có thể gây nhiều ách tắc. Bởi, thông thường kế hoạch sử dụng đất hàng năm được tỉnh thông qua ngay sau kỳ họp đầu của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh nên nếu sau đó do nhu cầu phát triển kinh tế hoặc yêu cầu của địa phương bổ sung dự án đều phải chờ lại kế hoạch sử dụng đất năm sau. Kể cả các doanh nghiệp nếu các thủ tục chuẩn bị đầu tư không kịp kỳ họp đầu của HĐND đều phải chờ mặc dù thực hiện đúng theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt.

Do đó, hiệp hội đề nghị nên bỏ khâu lập kế hoạch sử dụng đất ở phạm vi cấp huyện để các địa phương và doanh nghiệp chủ động tiết kiệm được thời gian và cũng bớt đi một thủ tục hành chính cho việc triển khai đầu tư dự án đồng thời cũng tạo điều kiện cho các địa phương linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất cũng chưa có sự phân định rõ rệt giữa các loại đất bị thu hồi và bồi thường nên rất cần phải phân định rõ ràng, tách bạch khái niệm đền bù giữa đất nông nghiệp và đất ở, đất thương mại.

Cũng tại hội thảo, đại diện Công ty TNHH VSIP Hải Phòng cho biết, liên quan tới quy định tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trên thực tế, quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà không phải do yếu tố chủ quan từ chủ đầu tư.

Trường hợp, chủ đầu tư trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Điều 127 hoặc dự án thuộc vào trường hợp phải thực hiện thỏa thuận về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 128 mà việc thu hồi đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bị hủy bỏ hoặc điều chỉnh theo quy định thì vấn đề là giải quyết quyền lợi của nhà đầu tư. Do vậy, doanh nghiệp đề nghị xem xét, cân nhắc bỏ quy định này khỏi dự thảo hoặc có quy định hướng dẫn chi tiết hơn theo hướng đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư trong các trường hợp này.

Dự thảo bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất hàng năm thay vì 5 năm như quy định cũ và bảng giá đất được quy định áp dụng để tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Theo doanh nghiệp, quy định này có thể giúp cho giá đất tiệm cận với giá thị trường, minh bạch hóa thị trường giao dịch bất động sản nhà ở riêng lẻ…

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp… được nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm sẽ phải chịu rủi ro và gánh nặng về chi phí thực hiện dự án khi giá đất trên thị trường biến động liên tục hoặc có sự thay đổi lớn qua từng năm.

Vì thế, cần có cơ chế xác định tiền thuê đất đối với hình thức được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm phù hợp hơn, đảm bảo tính ổn định của thị trường bất động sản và quyền lợi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quy định về giá đất cụ thể được giữ nguyên theo tinh thần của Luật Đất Đai 2013, áp dụng làm cơ sở tính tiền thuê đất trả tiền một lần, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.