ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 07h00 13/02/2025

Tiết kiệm năng lượng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển

(KDPT) - Tiệt kiệm năng lượng để phù hợp với xu thế phát triển lĩnh vực công nghiệp đang được nhiều tổ chức, doanh nghiệp hướng đến hiện nay.

Tiết kiệm năng lượng là trụ cột quan trọng

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững phát biểu tại tọa đàm “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam" diễn ra mới đây, trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.

Năm 2020, Nghị quyết số 55/NQ-BTC ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ: Tiết kiệm năng lượng (TKNL) phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội.

Cường độ sử dụng năng lượng trên GDP ở nước ta rất cao so với mức bình quân trên thế giới. Và nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì lượng năng lượng nhập khẩu chắc chắc sẽ ngày càng cao.

Vì vậy, đã đến lúc phải chấm dứt việc sử dụng năng lượng lãng phí và cải thiện chất lượng “cầu” của năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững.

Bênh cạnh đó, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc) và ngày càng tăng cao. Lượng phát thải khí nhà kính của các ngành công nghiệp cũng cao tương ứng. Vì vậy các doanh nghiệp công nghiệp cần được hỗ trợ để nâng cao hiệu quả năng lượng.

“Ngành công nghiệp hiện đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng của Việt Nam, là một trong những lĩnh vực tiêu tốn năng lượng nhiều nhất. Trong bối cảnh đó, Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) ra đời nhằm mục đích thúc đẩy cải thiện hiệu suất năng lượng và khuyến khích đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam”, bà Giang nhấn mạnh.

Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, đồng thời góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện triển khai các nhiệm vụ, hành động giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng hiệu quả, phù hợp

Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh các thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường diễn biến phức tạp và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có nguy cơ không đạt được đúng hạn vào năm 2030.

Xu hướng tăng cường kiểm soát phát thải khí nhà kính diễn ra trên toàn cầu đang gia tăng, có thể thấy các chính sách về môi trường của các thị trường Châu Âu, Mỹ… như quy định đánh thuế carbon của Liên minh Châu Âu áp dụng vào 2026, các quy định về hộ chiếu xanh đối với hàng dệt may, hay các quy định về truy vết cacbon (Carbon Footprint) đối với sản phẩm hàng hóa khi vào thị trường các nước Châu Á - Thái Bình Dương và thị trường Mỹ là các hàng rào kỹ thuật về môi trường của các thị trường.

Các quy định trên ngày càng dày đặc, tạo ra sức ép lớn lên các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện, điện tử chế biến thủy sản… khi tham gia vào các thị trường Châu Âu và thị trường Mỹ, Trung Quốc… Các quy định này trực tiếp tác động lên lực lượng lao động trực tiếp của Việt Nam ước khoảng 20/52 triệu lao động trực tiếp (2023) và ảnh hưởng trực tiếp lên GDP của Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp như dệt may, nhựa, thép, điện, điện tử,... đang đối mặt với bài toán tiết kiệm năng lượng. (Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp như dệt may, nhựa, thép, điện, điện tử,... đang đối mặt với bài toán tiết kiệm năng lượng. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ Điện toán đám mây (Icloud) hay công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động một cách toàn diện lên quá trình quản lý sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh đem lại tiềm năng lớn trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, nguyên vật liệu trong sản xuất và kinh doanh. Theo đó, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổi cũng cần thiết phải tạo ra hành lang để thúc đẩy các quá trình chuyển đổi phù hợp với trình độ công nghệ mới.   

Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/03/2025