ISSN-2815-5823

Tìm cách "phá băng" dòng tiền gửi ngân hàng chảy ra nền kinh tế

Dù lãi suất tiền gửi đã xuống đáy nhưng nhiều người vẫn để tiền vào ngân hàng, nhà đầu tư chứng khoán có tâm lý chờ cơ hội khiến số dư tiền gửi và tiền chờ tăng kỷ lục. Giới phân tích cho rằng, cần sớm đưa ra các giải pháp nhằm "phá băng" dòng tiền chảy ra nền kinh tế.

Lượng tiền gửi lập kỷ lục

Dòng tiền có xu hướng duy trì sự thận trọng, tâm lý này khiến người dân e dè khi chuyển dịch dòng tiền đầu tư sang những kênh khác như bất động sản, chứng khoán, kim loại quý…

Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu năm 2023, cho thấy tiền gửi của người dân và doanh nghiệp đạt mức cao nhất từ trước tới nay, khi đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022.

Kỷ lục về tiền gửi và tiền chờ trên tài khoản chứng khoán cũng được xác lập tại các công ty chứng khoán.

Tính đến cuối năm 2023, dẫn đần lượng tiền của khách hàng vẫn là Chứng khoán VPS với hơn 16.500 tỷ đồng. Tiếp theo lần lượt là VNDirect (số dư tiền gửi hơn 6.366 tỷ đồng, tăng 35% so với cuối năm 2022), TCBS (5.774 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần), SSI (5.274 tỷ đồng, tăng gần 12%).

Lượng tiền gửi trên tài khoản chứng khoán cũng lập kỷ lục trong năm 2023

Ngoài ra, trong nhóm nắm cả nghìn tỷ đồng tiền gửi khách hàng còn có VCBS, Mirae Asset, MBS, VCI, HCM, FPTS, BVS, BSI, VPBanks, KIS… Trong đó chủ yếu là tiền gửi của các nhà đầu tư theo phương thức công ty chứng khoán quản lý.

Để lý giải, các nhà đầu tư trông chờ, lạc quan vào cơ hội trên thị trường, sẵn sàng xuống tiền và chuẩn bị giao dịch, nhưng sau đó chưa đẩy mạnh giải ngân do chưa tìm được thời điểm phù hợp, lựa chọn cổ phiếu tốt…

Trong khi, một lượng tiền gửi lớn vẫn đang duy trì tại hệ thống ngân hàng bất chấp lãi suất tiền gửi đã xuống đáy. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở nhiều ngân hàng đang niêm yết ở mức 5%/năm, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Chị Minh Phương (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ bản thân rất tiếc vì nhìn lãi suất tiền gửi liên tục giảm, số tiền nhận được từ khoản tiết kiệm tại Vietcombank hơn 1 tỷ đồng không đáng kể.

Lượng tiền gửi lớn vẫn đang duy trì tại hệ thống ngân hàng bất chấp lãi suất tiền gửi đã xuống đáy.

“Nhiều lúc muốn rút tiền ra để đầu tư vào vàng, ngoại tệ vì đang tăng giá, nhưng lại sợ rủi ro lúc mua thì cao, bán ra lại giảm nên thôi” - Chị Phương chia sẻ và nói thêm, không chỉ bản thân mà nhiều người bạn của chị cũng không có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về biến động thị trường nên rất ngại đầu tư vào những kênh rủi ro.

Đây cũng là một trong những lý do chính khiến dòng tiền vẫn ở lại hệ thống ngân hàng dù lãi suất đã giảm rất thấp, dẫn tới các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản chưa nhận được nguồn tiền đáng kể.

Tìm cách thúc đẩy dòng tiền

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng và tiền mặt trong tài khoản chứng khoán năm 2023 cao kỷ lục là do triển vọng đầu tư kinh doanh, thị trường chứng khoán không mấy khả quan, không đủ hấp dẫn người dân đưa ra quyết định giải ngân.

Chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thực trạng lượng tiền gửi ngân hàng tăng đột biến trong thời gian gần đây khi lãi suất đã giảm thấp kỷ lục không phải điều hiếm gặp, đây được gọi là nghịch lý của tiết kiệm trong kinh tế học.

Cụ thể, khi người dân lo lắng tình hình kinh tế có thể xấu hơn trong tương lai, họ có tâm lý siết chặt chi tiêu, tăng tỷ lệ tiết kiệm. Kéo theo là tiêu dùng giảm, tăng trưởng tổng cầu cũng giảm và ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lượng tiền gửi ngân hàng tăng cao thể hiện tâm lý chung của nhiều người là thận trọng và chờ đợi cơ hội đầu tư vào những kênh khác. Điều này cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn và thách thức thì yếu tố an toàn được ưu tiên hàng đầu.

Tâm lý chung của nhiều người là thận trọng và chờ đợi cơ hội đầu tư vào những kênh khác

Bất động sản và chứng khoán vốn là hai kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng hiện vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Với thị trường chứng khoán, sau khi ghi nhận nhịp tăng giá ấn tượng vào quý II, III/2023, VN-Index đã sụt giảm trong các tháng cuối năm. Đáng chú ý, chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường ghi nhận diễn biến tiêu cực nhất trên toàn cầu vào tháng 10.

Với bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng việc người dân có xu hướng gửi tiết kiệm và giữ tiền trong tài khoản chứng khoán sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế.

Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã nhấn mạnh về việc “tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”.

Xét về định hướng tín dụng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% so với năm 2023, điều chỉnh phù hợp với từng diễn biến, tình hình thực tế. Theo ước tính của ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15% thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng chảy vào nền kinh tế.

Như vậy, để có thể “phá băng” dòng tiền chảy vào nền kinh tế, giới chuyên gia cho rằng “sức khỏe” của doanh nghiệp trong năm nay tựu trung vẫn nằm ở hai yếu tố lớn là “kinh doanh” và “tài chính”.

Đây luôn là hai yếu tố thường trực và ảnh hưởng lẫn nhau. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, điều mà người dân và doanh nghiệp cần bên cạnh sự hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, là có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cung ứng hàng hóa, sản phẩm.

Nhất là với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ rất cần có sự quan tâm về cơ chế chính sách, công nghệ mới, hạ tầng đất đai sản xuất.../.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024