Tìm giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ số tại các tòa soạn báo chí
Thực trạng các nền tảng công cụ tại các tòa soạn hiện nay
Nghiên cứu hoạt động và định hướng của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước cho thấy các tòa soạn đều đang hướng tới ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí.
Một số cơ quan báo chí hiện nay đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng. Cụ thể, các thuật toán học máy (ML) có thể hỗ trợ các nhà báo trong việc sàng lọc, khám phá nội dung từ các nguồn thông tin khác nhau.
Bên cạnh đó, ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói (Text to Speech) của công nghệ AI cũng đang là xu hướng của các tòa soạn khi cho phép tự động chuyển các tin bài dưới dạng văn bản thành tập tin âm thanh để đọc bài đó lên giống như báo nói. Giải pháp này rất hữu ích cho các đối tượng công chúng là người già, người khiếm thị, người lái xe hoặc những người không có nhiều thời gian để đọc báo.
Ông Bùi Công Duyến - Giám đốc sản phẩm ONECMS cho biết, hầu hết các cơ quan báo chí tại Việt Nam đều có đồng thời nhiều loại hình báo chí, như báo in, báo điện tử, video clip, podcast… Tuy nhiên, mỗi loại hình báo chí lại sử dụng các phần mềm quản lý nội dung (CMS) riêng rẽ hoặc chưa có CMS quản lý. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí cũng chưa có các phần mềm phục vụ hành chính trị sự như quản lý công việc, trang thiết bị, văn bản…
Thời đại công nghệ số và mạng xã hội mang đến cho các cơ quan báo chí cả cơ hội lẫn thách thức. Nếu giải quyết được các thách thức thì cơ hội sẽ rộng mở. Tuy vậy, theo ông Bùi Công Duyến, thực trạng hiện nay của nhiều tòa soạn báo vẫn đang gặp nhiều khó khăn về mặt công nghệ như thiếu công cụ hỗ trợ sản xuất nhanh các tác phẩm báo chí đa phương tiện như emagazine, longform, megastory; thiếu công cụ quản lý nội dung tập trung trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, YouTube, Zalo…
Để vượt qua những khó khăn hiện tại, ông Duyến đã đề xuất một giải pháp mới là tòa soạn hội tụ dành cho các tổ chức báo chí. Trong giải pháp này, có nhiều công cụ hiện đại được tích hợp, cho phép thiết kế trực tiếp các ấn phẩm đặc biệt như eMagazine, longform; quản lý cả báo in và báo điện tử; và cung cấp các tính năng như gợi ý từ khóa và kiểm tra lỗi chính tả. Điều đặc biệt là giải pháp này còn cho phép dễ dàng điều hướng bài viết qua các loại ấn phẩm và loại hình truyền thông khác nhau.
Mô hình tòa soạn hội tụ cung cấp một quy trình xuất bản toàn diện, giúp quản lý bảng tiến độ tin tức, dàn trang và biên tập một cách hiệu quả. Nó cũng cho phép sao chép nội dung và chuyển đổi sang các định dạng phông chữ khác nhau mà không gặp vấn đề về lỗi phông.
Tìm lời giải cho bài toán đầu tư công nghệ
Theo Báo cáo Triển vọng 2023-2024 của Hiệp hội các nhà xuất bản Tin tức thế giới (WAN-IFRA), trọng tâm đầu tư phát triển của các tòa soạn trên thế giới những năm tới sẽ nhắm vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Đối với các cơ quan báo chí Việt Nam, đây là bài toán hóc búa khi phần lớn các tòa soạn đều không chủ động được về mặt công nghệ, lại đang đối mặt với tình trạng các nguồn thu truyền thống đang ngày một sụt giảm.
Tại hội thảo với chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn” diễn ra mới đây, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus cho biết, trong kỷ nguyên số, báo chí không thể tách rời khỏi công nghệ. Một số cơ quan báo chí lớn đã phát triển theo hướng trở thành các công ty công nghệ báo chí, theo mô hình media-tech.
Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí hiện nay cũng lo lắng rằng, liệu đầu tư vào hạ tầng công nghệ có đem lại nguồn thu tương xứng hay không và liệu đầu tư vào các nền tảng số có bù đắp được phần doanh thu sụt giảm của các mô hình báo chí truyền thống hay không.
“Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành nhân tố có thể làm thay đổi cuộc chơi, không chỉ với báo chí mà còn trên bình diện rộng hơn. CEO của tập đoàn truyền thông Ringier, Ladina Heimgartner gần đây có nói rằng, báo chí đã để lỡ tàu trong cuộc cách mạng công nghệ, kết quả là đã bị các nền tảng xuyên biên giới bỏ xa. Vì vậy, báo chí hãy tranh thủ “cưỡi sóng” trong cuộc cách mạng AI”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc thiếu hành lang pháp lý cho đến công nghệ lõi để bước vào sân chơi này.
Hiện nay việc đầu tư công nghệ, AI cho các cơ quan báo chí vẫn còn nhiều bất cập nhất định, khi vẫn còn bị chi phối nhiều bởi các quy định cũ và các quy định về đấu thầu, nhất là quy định phải chứng minh tính hiệu quả của dự án để trình cho các cơ quan phê duyệt.
Thu hút độc giả và có thêm doanh thu là những băn khăn của nhiều tòa soạn báo. Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thùy Dương - chuyên gia chương trình Google News Initiative (GNI) đã chia sẻ phương pháp giúp các tòa soạn báo có thể tiếp cận, phát triển tệp độc giả, với các bước theo tuần tự là: Hiểu độc giả, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, mở rộng phân phối, phát triển doanh thu, xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo.
Trong đó, hiểu hành vi và phân loại độc giả là các bước quan trọng để phát triển độc giả. Vì thế, có 3 bước mà các tòa soạn cần tiến hành để hiểu độc giả.
Bước thứ nhất là phân tích, bao gồm phân tích hành vi đọc của độc giả; phân tích tương quan giữa nội dung và hành vi đọc; phân tích tác động của UX (trải nghiệm người dùng - user experience) và UI (giao diện người dùng - user interface).
Bước thứ hai là để hiểu độc giả là tối ưu, phân loại độc giả theo hành vi, xác định các tập độc giả có giá trị cao.
Bước thứ ba là tương tác hiệu quả với độc giả bằng cách tùy chỉnh trải nghiệm cho từng tập độc giả khác nhau, khảo sát độc giả và tiếp nhận phản hồi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Trong đó, Bộ trưởng chỉ rõ không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. “Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.
- Ứng dụng công nghệ số trong việc tạo nên tòa soạn hội tụ đa phương tiện
- Trí tuệ nhân tạo (AI) đem đến cơ hội cũng như rủi ro cho tương lai báo chí
- Đẩy mạnh mô hình "tòa soạn số" tại các cơ quan báo chí