ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 07h14 28/08/2024

Tin giả làm bóp méo sự thật, nguy hại đến lĩnh vực truyền thông

(KDPT) - Tin giả trong thời đại công nghệ 4.0 đang trở thành vấn nạn, ung nhọt cần được loại bỏ. Công nghệ ngày càng tiên tiến thì thông tin thật - giả càng khó phân biệt.

Tin giả trở thành vấn nạn của mọi quốc gia

Theo nghiên cứu của Google DeepMind, việc tạo ra hình ảnh, video và âm thanh giả mạo con người phổ biến gần gấp đôi so với hành vi tạo thông tin sai lệch bằng các công cụ như chatbot AI.

Tại cuộc Hội đàm giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Thái Lan diễn ra mới đây, Ths. Lương Đông Sơn - Giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, sản phẩm của sự kết hợp giữa AI và thông tin sai lệch còn gọi là tin giả siêu thực có thể bóp méo nhận thức của công chúng về các sự kiện và vấn đề xã hội, từ đó tác động đến cách họ đánh giá tình hình và đưa ra quyết định. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ các quyết định cá nhân nhỏ nhặt đến những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cộng đồng và quốc gia.

Tin giả siêu thực có thể được sử dụng như một công cụ để thao túng dư luận, kích thích bạo lực, gieo rắc sự chia rẽ và phá hoại sự ổn định xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, tin giả siêu thực có thể làm xói mòn niềm tin vào các thể chế dân chủ, gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và thậm chí là kích động xung đột.

Tin giả trở thành vấn nạn của mọi quốc gia (Ảnh minh họa)
Tin giả trở thành vấn nạn của mọi quốc gia (Ảnh minh họa)

Về thách thức đối với nhà báo và các tổ chức báo chí, Ths. Lương Đông Sơn cho biết, sự tinh vi của tin giả siêu thực, đặc biệt là deepfake, khiến việc phân biệt giữa thật và giả trở nên ngày càng khó khăn, ngay cả đối với những nhà báo giàu kinh nghiệm.

Ths. Lương Đông Sơn cho rằng, trong thời đại thông tin bùng nổ, công chúng ngày càng đòi hỏi các nhà báo và tổ chức báo chí phải cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, áp lực này có thể dẫn đến việc các nhà báo vội vàng công bố thông tin mà chưa kiểm chứng kỹ lưỡng, tạo cơ hội cho tin giả siêu thực lan truyền. Bên cạnh đó, các nhà báo và tổ chức báo chí phải đối mặt với những rủi ro pháp lý và đạo đức nếu không thận trọng trong việc kiểm chứng và công bố thông tin.

Ứng dụng công nghệ trong việc ngăn chặn tin giả

Giải pháp công nghệ là "liều thuốc" để đẩy lùi vấn nạn tin giả, tin độc hại. Theo Ths. Sơn, sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo để phát hiện tin giả siêu thực là một trong những công nghệ quan trọng hiện nay. Các hệ thống AI hiện đại có khả năng phân tích ngữ cảnh, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn và phát hiện những điểm bất thường trong nội dung thông tin. Một ví dụ tiêu biểu là việc sử dụng AI để phân tích video và hình ảnh nhằm phát hiện các dấu hiệu chỉnh sửa hoặc sản xuất bằng công nghệ deepfake.

Các nền tảng truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm cũng đang tích cực triển khai các thuật toán học máy (machine learning) để tự động phân loại và lọc bỏ các nội dung tin giả trước khi chúng lan truyền rộng rãi. Các thuật toán này được thiết kế để nhận diện các dấu hiệu bất thường trong mẫu chia sẻ, tốc độ lan truyền, hoặc thậm chí cả ngữ điệu của các bài viết, từ đó đánh giá khả năng thông tin đó là giả mạo.

Việc sử dụng công nghệ blockchain để quản lý nguồn gốc thông tin cũng là một giải pháp tiềm năng. Blockchain có khả năng tạo ra một hệ thống xác thực minh bạch và không thể thay đổi, từ đó giúp theo dõi nguồn gốc và lịch sử của mọi thông tin, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy.

Cũng đồng quan điểm với ông Sơn, ông Phan Văn Tú - Chủ nhiệm bộ môn Báo chí - Khoa báo chí và truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM nhấn mạnh, bên cạnh việc cung cấp kỹ năng khai thác thế mạnh AI để tác nghiệp báo chí, chúng ta còn cần dùng chính các công cụ AI để thẩm định thông tin.

Xác thực nguồn tin mà cơ bản là việc đánh giá độ tin cậy của nguồn tin là một kỹ năng quan trọng, bao gồm việc xác thực nguồn gốc của thông tin, so sánh với các nguồn khác, và sử dụng công cụ fact-checking để kiểm tra độ tin cậy. Điểm thú vị là hiện nay có khá nhiều công cụ tích hợp AI hỗ trợ cho nhà báo trong quá trình thẩm định bên cạnh các công cụ truyền thống vốn đang hỗ trợ cho các fact-checkers như Google Image, Tineye reverse image search, Whopostedwhat.com, Waybackmachine, Webarchive.org, InVID, WeVerify, ExifTool, Metapicz... 

Tin giả (tiếng Anh gọi là fake news) trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.

Để hạn chế thông tin xấu độc trên môi trường mạng làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của công nhân lao động, thời gian qua các cơ quan chức năng, đặc biệt là báo chí đã luôn tiên phong trong việc cung cấp những thông tin chính thức liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách nhanh nhất, chính xác nhất đến bạn đọc, trong đó có công nhân lao động. Tuy nhiên, để mặt trận chống thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt hiệu quả cao hơn nữa rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/09/2024