Tin khoa học - công nghệ nổi bật tuần qua: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 2 bậc
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các doanh nghiệp trong nước đang phát triển 4 trợ lý ảo phục vụ người Việt Nam. Đây là 4 trợ lý ảo sẽ thay đổi căn bản cách sống và làm việc của người Việt.
Thứ nhất, trợ lý ảo hỗ trợ lĩnh vực lập pháp, thông qua việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Thứ hai, trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp. Trợ lý này hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định. Cán bộ công chức đặt câu hỏi về công việc và trợ lý ảo sẽ tìm câu trả lời từ các quy định pháp luật liên quan.
Thứ ba, trợ lý ảo ngành tư pháp, hỗ trợ thẩm phán tra cứu pháp luật. Trợ lý ảo này đã được đưa vào hoạt động và giúp giảm thời gian xử lý của thẩm phán tới 30%.
Thứ tư, trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân. Trợ lý này sẽ trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, đến các quy định của Nhà nước.
Tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước Quý 3/2023 của Bộ TT&TT, sáng ngày 9/10, Báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT, đại diện nhóm phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và trợ lý ảo dùng cho công chức, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel Cyberspace cho biết, đơn vị đã phát triển xong phiên bản trợ lý ảo đầu tiên.
Hình minh họa. |
Trợ lý ảo Viettel có khả năng cung cấp câu trả lời về 20.000 văn bản pháp luật còn hiệu lực. Các văn bản pháp luật đã được cập nhật vào trợ lý ảo bao gồm luật, nghị định, thông tư của các bộ, ban, ngành.Trợ lý ảo cần phải được triển khai trên diện rộng để qua đó thu thập hành vi, phản hồi từ người dùng nhằm nâng cao hiệu suất.
Do vậy, Viettel Cyberspace đề xuất Bộ TT&TT có chính sách hỗ trợ để việc triển khai trợ lý ảo công chức được thuận lợi.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023
Sáng 10/10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) tổ chức. Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp, chúng ta tổ chức sự kiện quan trọng này, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp của Ngày Chuyển đổi số quốc gia là "Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia".
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và đã trở thành phong trào, là xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Nhiều văn kiện và Nghị quyết của Đảng đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia. Với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng của sự phát triển, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Sự kiện "Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023" thể hiện sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương; sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Chúng ta đã đạt được một số thành quả bước đầu rất đáng trân trọng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, trong đó nỗ lực giải quyết nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số, nhất là dữ liệu số. Nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức đã được nhận diện như: Kết nối, chia sẻ dữ liệu; số hóa dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số; hạ tầng dữ liệu số; an toàn thông tin, an ninh mạng và nguồn nhân lực.
Hiện nay, Việt Nam đã bước vào năm thứ 4 chuyển đổi số. Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, nhấn mạnh nhận thức về chuyển đổi số. Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022 là năm hành động, đưa mọi hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.
Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu, tạo ra các kết quả thiết thực. Đây cũng là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.
Bộ Công Thương và USAID ký biên bản ghi nhớ hoạt động thương mại số
Ngày 13/10, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hoạt động thương mại số. Hai bên sẽ phối hợp phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Đại diện Bộ Công Thương và USAID ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai "Hoạt động thương mại số Việt Nam". (Ảnh: moit.gov.vn) |
Hoạt động này với tên gọi "Hoạt động Thương mại số Việt Nam" là một phần trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được công bố trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9 vừa qua.
Biên bản ghi nhớ về hoạt động thương mại số tại Việt Nam được xây dựng và triển khai nhằm góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại số của Việt Nam đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp hai nước.
Đồng thời nâng cao năng lực trong công tác xây dựng khung chính sách và pháp luật về thương mại số, đáp ứng nhu cầu phát triển về thương mại số tại Việt Nam; tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động thương mại số thông qua các nền tảng, công cụ phát triển thương mại số, các hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Biên bản ghi nhớ ký kết giữa hai Bên, Bộ Công Thương và USAID cùng hợp tác, nhưng không giới hạn trong việc hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại; thúc đẩy đối thoại công tư nhằm tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia và đóng góp vào quá trình xây dựng khung khổ chính sách và pháp luật về thương mại số; và tăng cường áp dụng các nền tảng thương mại số, bao gồm hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.
Nâng thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Chiều 10/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cùng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc tổ chức Hội thảo giới thiệu Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023 và kết quả của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết vừa qua, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII) năm 2023.
Hình minh họa. |
Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về Đổi mới Sáng tạo trong thập kỷ qua.
Về thứ hạng đầu vào Đổi mới Sáng tạo, Báo cáo GII 2023 cho thấy Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu ra Đổi mới Sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 36) và Thái Lan (hạng 43).
Khai mạc Techfest Hà Nội 2023
Techfest Hanoi 2023 có chủ đề "Hà Nội kết nối Vùng Thủ đô - sáng tạo và phát triển" được kỳ vọng kết nối công nghệ, kiến tạo và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo sức mạnh liên kết vùng.
Techfest Hanoi 2023 diễn ra từ ngày 12-14/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Trong khuôn khổ chương trình còn có diễn đàn kết nối công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở theo định hướng ESG thành phố Hà Nội, Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp sáng tạo, cùng hai hội thảo khoa học với chủ đề doanh nghiệp với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh logistics và liên kết, phát triển Vùng Thủ đô.
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghệ tại sự kiện. (ẢNh: hust.edu.vn) |
Sự kiện còn có trình diễn công nghệ và kết nối cung cầu với hơn 120 gian hàng sản phẩm khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực tiêu biểu của Hà Nội và các địa phương trong Vùng Thủ đô (gồm Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ).
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội diễn ra khá sôi nổi và mạnh mẽ. Địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước (chiếm 26,32%). Đến nay, địa bàn thành phố đã có 32 vườn ươm doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước); 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước). Các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, kết nối đầu tư, các khóa đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thường xuyên được tổ chức. Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố đã huy động được 1 tỷ USD với 100 thương vụ gọi vốn thành công. Những con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái. Thành phố có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, qua đó thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.