ISSN-2815-5823

Chuyển đổi số sẽ là "trụ đỡ" cho việc phát triển kinh tế, tạo thu nhập cao

(KDPT) - Chuyển đổi số sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế đất nước trong bối cảnh số hóa hiện nay. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, bắt buộc phải chuyển đổi số.

Muốn có thu nhập cao, phải chuyển đổi số

Sáng 10/10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) tổ chức. Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn, lại sinh ra và nhân mới dữ liệu. Vì vậy, kinh tế số sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Nền kinh tế của nước ta đang thoát khỏi nền kinh tế sơ khai sang nền kinh tế công nghiệp, đầu vào của sản xuất: lao động, đất đai, vốn, công nghệ, thiết bị, đầu ra của sản xuất: lương thực, của cải, hàng hóa tiêu dùng, cơ cấu xã hội chủ yếu là nông dân và công nhân. Trong đó, GDP phụ thuộc lớn vào nguồn vốn nước ngoài vào khai thác tài nguyên. Theo đó, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây chính là cơ hội để đưa đất nước thoát bẫy thu nhập trung bình, vươn tới nước có thu nhập cao vào 2045.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số không khoảng cách, không tiếp xúc. Chuyển đổi số là phát triển bao trùm, dù bất kỳ ai, bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh thì đều tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.

Đòn bẩy tăng năng suất, trụ cột của nền kinh tế

Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mặc dù có mức tăng trưởng năng suất lao động cao trong 10 năm qua (bình quân hơn 5%/năm) nhưng Việt Nam vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực. Theo ước tính của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore.

Chuyển đổi số là chìa khóa giúp kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, muốn đạt mức tăng trưởng GDP hàng năm cao thì phải dựa vào sự gia tăng năng suất lao động, thay vì thâm dụng vốn như hiện nay. Và chuyển đổi số sẽ tạo nguồn lực tăng trưởng mới và đây là cơ hội cho Việt Nam bứt phá vươn lên. Nếu không chuyển đổi số thì tăng năng suất lao động trung bình trong những năm tới vẫn chỉ từ 5 - 6%/năm, nhưng nhờ chuyển đổi số mà chúng ta có thể tăng năng suất lên 8 -10%/năm. Khi năng suất lao động tăng lên từ 8 - 10%/năm, sẽ giúp nâng cao tăng trưởng GDP và chính là cơ hội thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Những năm gần đây tốc độ số hoá của Việt Nam rất nhanh. Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế số như: Dân số trẻ, tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao và có nền kinh tế internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động.

Triển khai phát triển 4 trợ lý ảo quan trọng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, năm 2023 cũng là năm bùng nổ trong lĩnh vực AI. Ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức một trợ lý riêng. Ước mơ trao thêm quyền năng chính cho con người, cho gần 3 triệu công nhân, viên chức, cho hàng trăm triệu người dân Việt Nam đã trở thành hiện thực.

Ngành TTTT đang triển khai 4 trợ lý ảo quan trọng. Một là trợ lý ảo hỗ trợ cho lĩnh vực lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo giữa những văn bản pháp luật vốn hiện nay đã nhiều đến mức quá sức phát hiện của con người. Hai là trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp. Trợ lý này hỗ trợ cán bộ công chức thực hiện công việc theo quy định. Cán bộ, công chức đặt câu hỏi về công việc và trợ lý ảo sẽ tìm ra câu trả lời từ những quy định pháp luật liên quan. Ba là trợ lý ảo ngành tư pháp. Trợ lý ảo này hỗ trợ thẩm phán, cụ thể là hỗ trợ tra cứu lập pháp, án lệ... Bốn là trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân, trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, quy định của Nhà nước...

Nền tảng số Việt Nam là lời giải chính và đột phá cho chuyển đổi số Việt Nam. Chuyển đổi số của Việt Nam đã trở thành toàn dân và toàn diện. Mục tiêu phổ cập số luôn được xác định là trọng tâm. Nước ta đã có gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, bản để hướng dẫn người dân chuyển đổi số.

Muốn chuyển đổi số nhanh và bền vững, chúng ta phải đi đều hai chân. Một là phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc. Hai là đi nhanh về cái mới thông qua thử nghiệm. Bộ trưởng nhấn mạnh.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024