Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một hiền tài của dân tộc ta
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát to lớn của không chỉ người dân và đất nước Việt Nam, mà của cả những người cộng sản, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
1
Đúng như khẳng định của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo lỗi lạc trọn đời vì nước vì dân”: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Trên 55 năm hoạt động liên tục, được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, với tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc bén, gắn kết chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; bổ sung, hoàn thiện và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay”.
Quả thật, từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, đất nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về kinh tế-xã hội và chính trị trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi khó lường. Đây là công lao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có đóng góp rất lớn của người đứng đầu Đảng ta, đặc biệt trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
2
Với đội ngũ trí thức, các nhà khoa học Việt Nam luôn nhận được sự trân trọng và đánh giá đúng vai trò trong tiến trình phát triển đất nước. Trong bài phát biểu quan trọng của mình khi tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức Việt Nam (18/5/1963-18/5/2023) và 40 năm ngày thành lập Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 – 26/3/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Chúng ta đều đã biết, trải qua quá trình lịch sử lâu dài của Dân tộc, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cũng chính vì vậy mà cha ông ta đã luôn luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức. Hơn 500 năm về trước, Đông các Đại học sĩ Triều Lê Thân Nhân Trung vâng mệnh của vua Lê Thánh Tông đã soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử Giám, trong đó đã khẳng định vai trò đặc biệt cao cả và quan trọng của nhân tài trong công cuộc làm hưng thịnh cho Đất nước: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì Đất nước mạnh và càng lớn lao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp".
Trong thời đại Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức nước nhà đã không ngừng phấn đấu, hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: "Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài"; "Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc...". Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 06/8/2008 đã khẳng định: "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của Dân tộc, sức mạnh của Đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững". Trong nửa đầu của thế kỷ XX, nhiều tổ chức của trí thức Việt Nam đã được thành lập và phát triển rộng khắp, như: Hội Truyền bá Quốc ngữ (năm 1938), Hội Văn hoá cứu quốc (năm 1943), Hội Văn nghệ Việt Nam (năm 1948),... đã góp phần tích cực vào việc mở mang dân trí, giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tầm quan trọng vai trò to lớn của đội ngũ trí thức Việt Nam với tiến trình phát triển đất nước trước những xu thế phát triển của thời đại. Tổng Bí thư đã khẳng định mạnh mẽ: "Chúng ta đều đã biết, trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, đề cao vai trò của tri thức và đội ngũ trí thức. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, Người đã nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức"; "... Trí thức là vốn quý của Dân tộc. Ở các nước như thế, ở Việt Nam càng như thế". Và "... Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức cũng phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân".
Trí thức vừa là một bộ phận của nguồn nhân lực, vừa là nguồn lực khoa học, kỹ thuật, trực tiếp tham gia vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước. Nối tiếp truyền thống của Dân tộc, vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn luôn quan tâm lãnh đạo công tác vận động, tập hợp và phát triển trí thức. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo công tác vận động đội ngũ trí thức.
Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo công tác vận động đội ngũ trí thức. Dự báo, trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục còn có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia. Tình hình đó đòi hỏi các tổ chức khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước ta, đặc biệt là trí thức, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của Đất nước.
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, trong quá trình điều hành và cống hiến cho đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có công lao to lớn góp phần mở ra những bước phát triển mới cho đất nước Việt Nam ngày càng hưng thịnh. Tổng Bí thư đã từng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Để có được nhận định mạnh mẽ về tầm vóc Việt Nam như vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Đảng ta đi đúng và làm đúng những điều đất nước đang cần, nhân dân đang mong muốn cho một Việt Nam hưng thịnh và hạnh phúc. Đơn cử, ngay trong nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị khóa XI ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết số 09-NQ/TW đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nhân. Cho đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới hơn 800.000 doanh nghiệp, với khoảng 7 triệu doanh nhân, tạo thành lực lượng hùng hậu góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam có những bước phát triển nhảy vọt.
Tiếp nối thành công từ Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị khóa XIII ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”, với nhiều nội dung mới trong quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp.
Cũng như Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW tiếp tục xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, nhưng có bổ sung thêm “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đảng ta và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt nhiệm vụ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Đây cũng là lần đầu tiên, yếu tố “an toàn, bình đẳng” được đưa vào yêu cầu trong xây dựng môi trường kinh doanh, được giới doanh nhân chào đón.
Đặc biệt là giải pháp “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...” cho thấy tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị, khi đã thấu suốt yêu cầu thực tế đặt ra hiện nay, cũng như phù hợp nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Việc ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia. Đây được xem là tiền đề, tạo động lực quan trọng để hình thành, phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc có quy mô, năng lực và trình độ, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới (ngày 30/01/2023). Đây là một nghị quyết có tính lịch sử không chỉ là định hướng mà là những biện pháp, đòn bẩy thúc đẩy ngành công nghệ sinh học cho phát triển bền vững đất nước trong xu thế của thời đại. Nhiều nhà khoa học đánh giá cao nghị quyết đã rộng mở cho con đường nghiên cứu khoa học, để cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước ta. Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2030: Nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đến năm 2045: Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP....
Những nghị quyết trên chỉ là một trong nhiều quyết sách, chủ trương lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký để khơi dậy những quyết tâm mạnh mẽ để các ngành khoa học Việt Nam, giới trí thức, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có thêm những bệ phóng mạnh mẽ góp phần cống hiến vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định. "Ta là con cháu cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác. Chúng ta phải xác định quyết tâm ý chí như vậy".
Dự và phát biểu tại các Hội nghị Chính phủ với địa phương thường được tổ chức vào đầu năm để triển khai nhiệm vụ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều mong muốn và chúc Chính phủ, chính quyền các cấp cố gắng, nỗ lực phấn đấu để năm sau nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm trước. "Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang kỳ vọng, đòi hỏi và trông chờ ở chúng ta, ở các đồng chí". Với khát vọng cháy bỏng “Đất nước này nhất định phải phát triển đi lên không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm nên những kỳ tích lịch sử.
Chủ tịch nước Tô Lâm đã viết: "Khi tình trạng tham nhũng, tiêu cực khiến Đảng ta lo lắng, lòng dân bất an, thì đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện đúng thời điểm lịch sử. Ở ông hội đủ trí tuệ, dũng khí cũng như sự tín nhiệm và sự ủng hộ để làm người phất cờ, người đánh trống lệnh tấn công vào “sào huyệt” tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết chiến với “giặc nội xâm”. Vì thế, không phải ngẫu nhiên là nhân dân gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “người đốt lò vĩ đại” và cái “lò” mà ông đốt, đã nóng lên thì “củi tươi vào cũng phải cháy” ấy đã củng cố, tăng thêm lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước, để người dân hiểu rằng Nhà nước này là của dân, do dân và vì dân. Tài năng lãnh đạo, chỉ đạo, tinh thần tiên phong của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, điều khiến người dân sẽ nhớ mãi về ông, chính là vẻ đẹp nhân phẩm của một con người ở đỉnh cao quyền lực, nhưng vẫn khiêm cung, giản dị và vô cùng liêm chính. Tới dự gặp mặt lớp cũ, ông nhờ người chở mình đi xe máy. Gặp thầy cô, bạn bè, ông nói: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn… Chức tước như phù vân!”.
Trong bài viết:” 6 đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng trong phát triển kinh tế đất nước” trên Tạp chí Thanh niên Việt của PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) đã nêu rõ: "Với cương vị là người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, trong các nhiệm kỳ từ năm 2011 đến năm 2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tư duy đầy đủ cũng như nền tảng nhận thức sâu sắc về các quan điểm, chỉ đạo chiến lược cho phát triển. Đó là những mạch nguồn cho phát triển bền vững kinh tế Việt Nam: Kiên định quan điểm phát triển kinh tế là trọng tâm trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa từng có trong tiền lệ. Quán triệt nguyên tắc gắn mục tiêu tăng trưởng với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội trong từng bước đi và giai đoạn phát triển. Xác định lộ trình mới phát triển đất nước: Trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và nước công nghiệp có thu nhập cao năm 2045. Tăng cường động lực phát triển kinh tế tư nhân là một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy tiềm năng địa phương thông qua thúc đẩy liên kết vùng và áp dụng cơ chế đặc thù. Chủ động, tích cực gia tang vị thế kinh tế quốc tế đất nước trong điều kiện thế giới bất định bằng chính sách đối ngoại “cây tre Việt Nam”. Trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết nhất là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do với diện bao phủ tới trên 80% GDP thế giới (khoảng 80 nghìn tỷ USD). Nhiều hiệp định mới đang được đàm phán và ký kết sẽ mở ra nhiều không gian phát triển mới để nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Tư tưởng ngoại giao “cây tre Việt Nam’ sẽ tạo nền tảng của các quyết sách ngoại giao mới, khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài nhất là nguồn lực về thương mại, đầu tư, thị trường thế giới quy mô rộng lớn, tiến bộ công nghệ phát triển nhanh chóng để cải thiện nhanh chóng vị thế quốc gia. "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" - đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đó là sự minh chứng cho chính sách hay học thuyết đối ngoại độc đáo “cây tre Việt Nam” mà Tổng Bí thư là tác giả duy nhất của quan điểm".
3
Bài viết này chỉ nêu ra được phần nào trong sự nghiệp vẻ vang vì dân, vì nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Câu nói nổi tiếng luôn sống mãi với lịch sử của nhân sĩ là Thân Nhân Trung, người được giao soạn văn bia cho khóa thi đầu tiên (1442): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thinh, nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài kến chọn kẻ sĩ vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.
Câu nói của Thân Nhân Trung thủa ấy luôn luôn được nhân dân ta coi trọng và khắc ghi.
Với “một sự nghiệp vĩ đại được dẫn dắt bởi một con người bình dị” (GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang), dường như đã khắc họa đầy đủ về Con Người, Tầm Vóc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã khẳng định ông là một hiền tài cho nguyên khí tỏa sáng của dân tộc Việt Nam chúng ta hôm nay và ngày mai./.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần