Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố báo cáo Top 3 ngành sản xuất kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới.

Top 3 ngành tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2024. (Nguồn: Vietnam Report)

Theo đó, ngành công nghệ thông tin - viễn thông tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu trong Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng. Trong 12 tháng vừa qua, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do mảng xuất khẩu phần mềm duy trì kết quả tích cực.

Ngành công nghệ thông tin - viễn thông đã có năm thứ 2 liên tiếp được bình chọn là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất. (Ảnh minh họa)

Mặc dù xuất khẩu phần cứng điện tử có sự suy giảm nhưng số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng đều. Nguồn động lực chủ yếu đến từ nhu cầu ngày càng cao từ thị trường nội địa và quốc tế. Dự kiến, sự phục hồi toàn cầu và làn sóng chuyển đổi số sẽ đẩy mạnh tiềm năng tăng trưởng của ngành này trong 12 tháng tới.

Đứng ở vị trí thứ 2 trong Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng là ngành điện - năng lượng. Thị trường phân phối xăng dầu trong nước đã trở lại hoạt động bình thường sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Quy hoạch điện VIII được phê duyệt trong năm nay cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành điện, đặc biệt trong việc đảm bảo năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng.

Chính sách đầu tư và khuyến khích của Nhà nước đối với ngành điện, cùng với việc giải ngân nhanh chóng các gói đầu tư công về năng lượng và dầu khí, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành này.

Ngành tài chính - ngân hàng đứng ở vị trí cuối cùng trong Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022, mặc dù chậm hơn so với chỉ tiêu đặt ra là 14%. Lãi suất huy động đã giảm và dự kiến duy trì xu hướng này đến năm 2024.

Tình hình khó khăn chi phối nhiều ngành trong năm 2023 song các doanh nghiệp trong ngành tài chính - ngân hàng vẫn nhận định rằng, tình hình có thể phục hồi theo đà phục hồi của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Việc tăng cường trích lập và xử lý nợ xấu trong 2023 sẽ giảm bớt áp lực chi phí tín dụng trong 2024 cũng như khả năng lợi nhuận từ thu hồi nợ tăng lên. Bên cạnh đó, NIM có dư địa phục hồi khi môi trường lãi suất thấp được dự báo duy trì sang năm 2024, qua đó giúp kết quả kinh doanh của ngành trong 12 tháng tới khởi sắc hơn.

Vietnam Report nhận định, năm 2023 là một năm đầy thử thách để kiểm chứng sức bền của các doanh nghiệp. Hướng tới năm 2024 - năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội đặt ra là 6 - 6,5%, các doanh nghiệp đứng trước thời điểm để phục hồi và đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện.

Những nỗ lực kiên trì và khả năng thích nghi là yếu tố then chốt doanh nghiệp đảm bảo nguồn doanh thu ổn định, bền vững trong giai đoạn khó khăn vừa qua, đồng thời sẽ là nền tảng cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp trong năm 2024, khi tình hình kinh tế dự kiến nhiều khả năng đi theo hướng tích cực hơn và môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo đà vững chắc cho sự thành công lâu dài và bền vững của doanh nghiệp trong thời gian tới./.