TP Hà Nội dẫn đầu tổng vốn đầu tư FDI
Sản xuất cánh tà máy bay dân dụng tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. |
Nếu xét về số dự án, TPHCM là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,6%), số lượt dự án điều chỉnh (23,4%) và góp vốn mua cổ phần (67%). Tính tới ngày 20/8/2023, ước tính các dự án ĐTNN đã giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,5% so với 7 tháng năm 2023.
Trong 8 tháng năm 2023, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2022. Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 90,8% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,58 tỷ USD, chiếm hơn 14,2% tổng vốn đầu tư, tăng 73,1% so với cùng kỳ... Nếu xét về số dự án, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 20,7%), còn Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 27,6%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,7%).
Đánh giá về dòng vốn đầu tư từ Singapore vào Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2022 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021. Singapore là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với gần 3.274 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 73,5 tỷ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) chính là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước (sử dụng trên 2.600 hecta đất, thu hút 17 tỷ USD vốn đầu tư, 880 công ty trong và ngoài nước hoạt động và tạo hơn 300 nghìn lao động).
“Kể từ Biên Bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam - Singapore được ký kết, hai bên đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm hướng đến phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Trong thời gian tới, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đề xuất Singapore phát triển và chuyển đổi các khu VSIP truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái; mở rộng và đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt và thuộc nhóm ưu tiên của Việt Nam như điện tử chế tạo chíp, vật liệu bán dẫn, chế tạo thông minh, kỹ thuật số, cơ sở dữ liệu lớn, công nghệ cao, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, thành phố thông minh… Về thương mại, phía Việt Nam tiếp tục đề nghị Singapore xem xét mở rộng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
Tính đến ngày 20/8/2023, đã có 1.924 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) (tăng 69,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỷ USD (tăng 39,7% so với cùng kỳ); có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 22,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỷ USD (giảm 39,7% so với cùng kỳ); 2.268 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 6,5% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,47 tỷ USD (tăng 62,8% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,7 lần) và gần 800 triệu USD (tăng 28,9%)…
Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu (chiếm 31,2%) và điều chỉnh vốn (chiếm 56,5%). Còn bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch GVMCP (chiếm 42,4%).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 8 tháng năm 2023, trong đó, TP Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 72,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TPHCM, Bắc Giang, Bình Dương,…
Nếu xét về số dự án, TPHCM là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,6%), số lượt dự án điều chỉnh (23,4%) và góp vốn mua cổ phần (67%). Tính tới ngày 20/8/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,5% so với 7 tháng năm 2023.