ISSN-2815-5823

TP.HCM phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ xanh

(KDPT) - Theo quy hoạch các khu công nghiệp TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP.HCM định hướng phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ xanh, công nghệ số, công nghiệp sinh thái.
TP.HCM sẽ có thêm 14 khu công nghiệp mới trong giai đoạn quy hoạch mới.
TP.HCM sẽ có thêm 14 khu công nghiệp mới trong giai đoạn quy hoạch mới.

Vừa qua, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) đã phối hợp với UBND huyện Bình Chánh tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch các khu công nghiệp TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giải pháp thu hút đầu tư năm 2025.  

Thông tin về Quy hoạch Khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý HEPZA cho hay, Quy hoạch Khu công nghiệp TP.HCM với tổng diện tích 2.095km2 bao gồm Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện cùng với không gian biển trực thuộc Thành phố theo quy định của pháp luật. 

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1711/QĐ-TTg, TP.HCM sẽ phát triển thêm 14 khu công nghiệp (KCN) mới với tổng diện tích 3.833 ha, nâng tổng số khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn lên 36 khu với quy mô hơn 8.369 ha. 

Đại diện Ban Quản lý HEPZA thông tin, 14 khu công nghiệp mới được phân kỳ theo 3 giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2033. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2025-2027 sẽ triển khai đầu tư xây dựng 4 khu công nghiệp gồm Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379ha), Khu công nghiệp Phạm Văn Hai II (289ha), Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3 (200ha) và Khu công nghiệp Nhị Xuân (199ha). 

Giai đoạn từ năm 2027-2030 triển khai đầu tư 5 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp An Phú (328ha), Khu công nghiệp Trung An (300ha), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 4 (200ha), Khu công nghiệp Phạm Văn Hai III (238ha) và Khu công nghiệp Hiệp Phước 3 (500ha). 

5 khu công nghiệp tiếp theo được đầu tư trong giai đoạn năm 2030-2033 gồm: Khu công nghiệp Tân Phú Trung 2, Khu công nghiệp Tân Phú Trung 3, Khu công nghiệp Tân Phú Trung 4 có tổng diện tích 600ha, Khu công nghiệp Bình Khánh 1 (300ha) và Bình Khánh 2 (300ha). 

Về định hướng pháp triển các khu công nghiệp trong thời gian tới, đại diện Ban Quản lý HEPZA cho biết, đối với các khu công nghiệp hiện hữu, TP.HCM định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp, đồng thời chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cùng đó, chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. 

Các khu công nghiệp tại TP.HCM được định hướng phát triển theo hướng xanh, thân thiện với môi trường.
Các khu công nghiệp tại TP.HCM được định hướng phát triển theo hướng xanh, thân thiện với môi trường.

Hiện Ban Quản lý HEPZA đã phối hợp các Công ty phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp nghiên cứu lập đề án chuyển đổi thí điểm tại 5 khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu (Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Cát Lái, Khu công nghiệp Bình Chiểu) với định hướng chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp sinh thái; khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ; trung tâm logistics. 

Để đẩy nhanh việc đầu tư các khu công nghiệp mới, Ban Quản lý HEPZA cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào các Khu chế xuất mới hình thành, trong đó bảo đảm rút ngắn thủ tục hành chính và chuyển đổi số, thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, tăng cường xúc tiến và quảng bá đầu tư... 

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đã chia sẻ ý kiến đóng góp như: Cần sớm có bộ tiêu chí rõ ràng để phân loại ngành nghề, xác định ưu đãi khi vào các khu công nghiệp và minh định vai trò của các đơn vị quản lý như ban quản lý các khu; việc tính toán quỹ đất (triển khai nhà máy cùng với cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, tiện ích xã hội) trong việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình sinh thái hoặc công nghệ cao...; phát triển dự án quy mô lớn phải đảm bảo nguồn điện 4.500 MW, khối lượng nước từ 15.000-20.000 m3/ngày... 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó tổng giám đốc Khu chế xuất Tân Thuận nhận định, các nhà đầu tư tiềm năng muốn đầu tư vào các ngành công nghệ cao đặt ra yêu cầu cao về đảm bảo nguồn điện, nguồn nước, ổn định để đầu tư các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, một số vướng mắc, khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và diện tích hạn chế khiến việc tích hợp tiện ích như nhà ở công nhân hay trung tâm logistics gặp khó. 

Còn theo ông Phan Minh Toàn Thư, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc thông tin, doanh nghiệp hiện có đơn đặt hàng phát triển dự án trung tâm dữ liệu quy mô 20ha, tổng vốn đầu tư từ 300-500 triệu USD nhưng phía đối tác yêu cầu phải đảm bảo nguồn điện 4.500 MW, khối lượng nước từ 15-20.000 m3/ngày. Chính vì vậy, ông Thư kiến nghị TP.HCM có giải pháp giải quyết vấn đề hạ tầng năng lượng để doanh nghiệp có thể phát triển trung tâm dữ liệu tại TP.HCM. 

Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý HEPZA cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai quy hoạch và thu hút đầu tư các Khu công nghiệp. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý, 17 khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu phải chủ động xây dựng đề án chuyển đổi công nghệ, kích thích cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu từng bước chuyển đổi công nghệ sạch, xanh, thân thiện với môi trường. 

“Phát triển công nghiệp TP.HCM sẽ tạo ra động lực và lan tỏa cho vùng Đông Nam bộ. Việc phát triển trên tinh thần cùng nhau chia sẻ, hợp tác và lan tỏa giữa các địa phương. Phát triển công nghiệp Thành phố phải hướng tới công nghệ xanh, công nghệ số, công nghiệp sinh thái”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định./. 



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/06/2025