TP Hồ Chí Minh triển khai "60 ngày đêm" giải ngân vốn đầu tư công
Chiều 30/10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2023.
Tính đến hết tháng 10/2023, tổng số vốn đầu tư đã được giải ngân là 24.199 tỷ đồng, đạt 35,3% so với kế hoạch vốn năm 2023 được UBND Thành phố giao, đạt 34,3% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy tỷ lệ này vẫn đang thấp nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2022 (29%).
“Để đạt được tỷ lệ giải ngân khoảng 80 - 90% vào cuối năm thì các tháng còn lại thành phố phải đạt trung bình 20 - 30%”, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết, đồng thời nhấn mạnh đây là áp lực rất lớn.
Ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài Chính TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng các sở, ngành cần cố gắng giải ngân vốn đầu tư công để đẩy thêm phần thuế đi vào trong tiêu dùng, các hoạt động của doanh nghiệp; thúc chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên. Đến nay thu dự toán đạt 97% nhưng mức chi chỉ mới đạt gần 60%, tức là trong hai tháng cuối năm tiêu tốn thêm 40% so với cả năm.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết quan điểm của thành phố là vẫn kiên trì với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%, và đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà hai tháng cuối năm thành phố phải thực hiện được.
Theo ông Mãi, qua thông kê có 479 dự án giải ngân trên 95% và trong đó có 320 dự án đã giải ngân được 100%. Nhưng tổng vốn của 479 dự án này không lớn với hơn 1.100 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án đang trong giai đoạn hoàn thành, quyết toán.
Người đứng đầu UBND thành phố cho biết còn 19 đơn vị chưa gửi cam kết tiến độ giải ngân các dự án. "Chiều nay, đơn vị nào không gửi thì lập danh sách xác định rõ nguyên nhân, tiến hành xem xét, đề xuất xử lý kỷ luật nếu cố tình hay lý do chủ quan, không phê bình nữa", ông Mãi nói.
Theo Chủ tịch TP Hồ Chí Minh, có tình trạng ban bồi thường giải phóng mặt bằng một số địa phương chưa làm hết sức, tối đa có thể làm được 10 thì đăng ký chỉ tiêu thực hiện chỉ 6-7. Ông yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư và Văn phòng Ủy ban đề xuất kế hoạch điều hòa vốn, tức chuyển vốn đầu tư công nội bộ nhằm tối đa hóa khả năng giải ngân. Trong tuần này, hai đơn vị trên phải xác định được địa chỉ giải ngân cho khoảng 12.000 tỷ đồng theo phương thức này.
Đánh giá tình hình kinh tế TP HCM nói chung, ông Phan Văn Mãi cho rằng có tăng trưởng và cải thiện dần. Các chỉ số như sản xuất công nghiệp, doanh thu thương mại, du lịch, đầu tư nước ngoài, thành lập doanh nghiệp tuy không cao nhưng tốt lên qua các tháng. Kể cả xuất nhập khẩu vốn là khó khăn hàng đầu cũng ghi nhận đà suy giảm chậm lại.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, nếu như một số chủ đầu tư, dự án có khó khăn khách quan thì tập trung giải quyết với mục tiêu là cương quyết không để giải ngân dưới 85%. “Về mặt chỉ tiêu là phấn đấu đạt 95% và một số dự án có lý do chính đáng quyết tâm đạt không dưới 80%”, ông nói.
Do đó, người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị các chủ đầu tư tổ chức quán triệt, phân công lực lượng, rà soát thi đua 60 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công. Cái này không phải làm vì phong trào nhưng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra để hoàn thành”, ông nói.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu chiều 30/10. Ảnh: Trung tâm báo chí thành phố. |
Thông tin trước đó về tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm, Cục thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dù đã thi công xây dựng và tiến hành chạy thử trên toàn tuyến vào quý IV/2023, song theo kế hoạch vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân quan trọng là việc nhà thầu Hitachi (gói thầu số 3) vẫn chưa thực hiện các các công tác đào tạo, bồi dưỡng và bảo trì, phối hợp với tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, công tác phối hợp với các nhà thầu thi công của dự án, các công việc phối hợp liên quan đến đẩy nhanh tiến độ thi công cầu bộ hành các nhà ga trên cao thuộc gói thầu số 2.
Theo kế hoạch, thời điểm hoàn thành thi công tuyến Metro 1 vào cuối quý IV/2023, thời gian bảo hành dự án từ 2024 - 2028.
Đối với dự án mở rộng Quốc lộ 50 tại huyện Bình Chánh, Cục thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết dự án đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Đã khởi công tại các gói thầu xây lắp số 1, 2, 4 (xây dựng mới đoạn song hành); gói 3 (cầu Bà Lớn) với tổng khối lượng 4 gói thầu đạt khoảng 24%.
Dự án có 9 gói thầu xây lắp cùng các gói thầu khác, trong đó 4 gói thầu đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát; dự kiến dự án mở rộng Quốc lộ 50 sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2024.
Đối với dự án đường Vành đai 3, mặt bằng của dự án thành phần 1 đã bàn giao đạt tỉ lệ 92%; trong đó, huyện Hóc Môn đã hoàn thành 100%; các huyện Củ Chi, Bình Chánh và TP. Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng lần lượt là 97,61%, 94,59% và 76,15%. Dự kiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án thành phần 1 sẽ hoàn thành trước trước ngày 31/12/2023.
Dự án thành phần 2 đường vành đai 3 vẫn đang đáp ứng tiến độ; máy móc, vật liệu xây dựng đã được tập kết phục vụ công tác thi công san ủi mặt bằng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 của thành phố tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất các tháng đầu năm đến nay. Tính chung 10 tháng, IIP tăng 3,7%. Đáng lưu ý chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp 10 tháng tăng 1,5% so với cùng kỳ 2022. Đây là dấu hiệu của chu kỳ sản xuất đi xuống dần kết thúc, khởi đầu cho mùa cuối năm tích cực hơn. Tiêu dùng nội địa vẫn là điểm sáng cứu kinh tế khi công nghiệp còn khó. Doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 15% so với cùng kỳ 2022, cao nhất đầu năm đến giờ. Tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường tháng 10 tương đương với rút lui, tức tỷ lệ 5-5. Vào hai tháng đầu năm, cứ 10 gia nhập mới thì 11 rút lui. |