ISSN-2815-5823

Từng được kỳ vọng sẽ là "điểm nóng", thị trường bất động sản Mê Linh giờ ra sao?

(KDPT) - Năm 2008, khi Mê Linh chính thức được sáp nhập vào Hà Nội, nơi này được kỳ trở thành điểm nóng bất động sản. Song, bên cạnh những vướng mắc quy hoạch chưa thể tháo gỡ, cuộc khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2011-2013 lại như một cú bồi khiến thị trường Mê Linh càng thêm ảm đạm.
Bất động sản quanh dự án Vành đai 4 dịp cuối năm đang diễn biến thế nào? Liệu có "cú huých" cho thị trường bất động sản trong quý 1/2024?

Từng khiến nhà đầu tư bị "chôn chân"

Mê Linh trước đây là một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2008 đã được sáp nhập về Thủ đô Hà Nội. Đây được đánh giá là địa phương với nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai phá: vị trí cửa ngõ, là đầu mối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc; cơ sở hạ tầng đang được đầu tư nâng cấp; quỹ đất dồi dào, mức giá còn rẻ. Huyện còn có các khu du lịch sinh thái dọc các con sông, các điểm tham quan hiện thu hút nhiều du khách như Đồi 79 mùa xuân, Đền Hai Bà Trưng… Với vị trí hiện tại, huyện có thể tạo ra liên kết với các điểm du lịch phát triển trong vùng như Bắc Ninh, Đông Anh, Sóc Sơn, Đại Lải, Tam Đảo.

Về hạ tầng giao thông, nơi này có đường Vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt) đi qua, từ Mê Linh đến sân bay Nội Bài khoảng 8 km; có đường Trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.

Hiện nay, huyện Mê Linh đang được TP quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn đi qua huyện: Đường Vành đai 4 (dài 11,2 km) - cầu Hồng Hà; đường Vành đai 3,5 - cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong - Tự Lập (mặt cắt 48 m); đường Cảng Chu Phan - Quốc Lộ 2; đường đê Sông Hồng (dài 21 km).

Tuy nhiên, sau thời điểm được sáp nhập vào Hà Nội, Mê Linh lại trở thành nơi tập trung của nhiều dự án hoang hóa, chậm tiến độ. Đáng chú ý, thời điểm tháng 3 vừa qua, huyện này từng đề xuất TP. Hà Nội thu hồi, chấm dứt 14 dự án chưa giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008, như Khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho thu nhập thấp (CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam); Khu đô thị mới Prime Group (CTCP Prime Group); Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh (Tổng Công ty Đầu tư phát triển và đô thị - HUD)...

Từng được kỳ vọng sẽ trở thành "điểm nóng" của thị trường bất động sản sau khi được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Nhưng sau đó, nhưng những vướng mắc quy hoạch chưa thể tháo gỡ cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản giai đoạn 2011-2013 lại như một cú bồi khiến thị trường Mê Linh càng thêm ảm đạm. Nơi đây dần trở thành điểm "chôn chân" của không ít nhà đầu tư.

Batdongsan.com.vn từng nhận định: "Từ khoảng cuối năm 2010, thị trường bất động sản tại Mê Linh bắt đầu lâm vào cảnh "ngủ vùi". Khi đó, giới đầu tư địa ốc đua nhau chạy khỏi thị trường, bán tống bán tháo nhiều tài sản bất động sản. Còn một vài chủ đầu tư đã cố gắng bám trụ để cứu vãn tình hình khi vẫn cho thi công dự án, xây dựng hạ tầng, cảnh quan. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không đạt được kết quả. Toàn dự án sau đó rơi vào cảnh im lìm, không có bóng dáng người ở".

Thị trường bất động sản Mê Linh đang diễn biến thế nào?

Sau thời gian dài trầm lắng, khoảng 1-2 năm trở lại đây, bất động sản Mê Linh đang có dấu hiệu ấm dần khi xuất hiện những thông tin tái khởi động nhiều khu đô thị lớn và dồn lực làm hạ tầng.

Nổi bật là loại hình đất đấu giá khi thời gian gần đây, Mê Linh đã tổ chức thành công nhiều phiên "chợ đất" ở các địa phương, thu ngân sách gần 200 tỷ đồng. Đơn cử như, trong tháng 9 vừa qua, phiên đấu giá đất đợt 2 khu Đồng Trước xóm 4, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc cũng giúp địa phương thu về hơn 100 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 12, huyện sẽ tổ chức đấu giá 130 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa. Trong đó, thửa đất có giá khởi điểm cao nhất đạt hơn 6 tỷ đồng.

Tại xã Thanh Lâm, sáng 27/11, 10/14 lô đất tại điểm X1, X2 thôn Yên Vinh đã được đấu giá thành công với giá trúng 25,9-31,5 triệu/m2. Tổng số tiền thu về ngân sách của 10 lô đất đạt gần 20,5 tỷ đồng.

Hay như xã Tam Đồng, ngày 24/11, 6 lô đất tại điểm X1, xứ đồng Làng Gàn, thôn Văn Lôi được đấu giá thành công (đợt 2); giá trúng dao động 22,2-32,6 triệu/m2, thu về tổng cộng hơn 21 tỷ đồng. Trước đó, ngày 26/10, khu đất này cũng đấu giá thành công 35/74 lô đất với giá trúng 22-37,6 triệu/m2; thu về tổng cộng hơn 106 tỷ đồng.

Đấu giá đất tại Mê Linh là điểm nổi bật trong thời gian qua. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đất đấu giá, bất động sản Mê Linh cũng dần "nóng" lên nhờ quy hoạch đường Vành đai 4. Cụ thể, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, lượng giao dịch của các thị trường "ăn" theo đường Vành đai 4 đang có xu hướng tăng lên đáng kể so với thời điểm giữa năm.

Những nơi có đường Vành đai 4 đi qua ở huyện Mê Linh, lượng giao dịch đất nền, đất thổ cư trong dân từ tháng 10 đã tăng so với đầu năm và giữa năm. Riêng một dự án có pháp lý rõ ràng, hạ tầng đồng bộ tại khu vực đang được mở bán ghi nhận trung bình 8-15 giao dịch/tháng. Giá đất ở một số nơi như khu đô thị Hà Phong hay Cienco 5 hiện dao động 45-55 triệu đồng/m2.

Trên thực tế, tình hình thị trường bất động sản Mê Linh đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc sau khi Hà Nội tiết lộ kế hoạch đưa huyện này lên thành phố. Cụ thể, hồi tháng 9/2021, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình HĐND thành phố về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Mê Linh cùng Đông Anh, Sóc Sơn trở thành thành phố. Đây được cho là một thông tin tích cực và sẽ đẩy ba khu vực này trở thành điểm nóng.

Riêng với Mê Linh, do mặt bằng giá thời điểm đó còn chưa cao, do đó ngay sau khi có thông tin lên thành phố, thị trường này đã thu hút trở lại sự quan tâm của giới đầu tư./.

AN NHIÊN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/10/2024