Liệu có "cú huých" cho thị trường bất động sản trong quý 1/2024?
Môi giới bất động sản lại tiếp tục “gặp khó” |
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. |
Nhiều động lực cho thị trường phục hồi
Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua quá trình phục hồi mạnh mẽ, là một trong những điểm sáng nổi bật trong bối cảnh toàn cầu đang chịu đựng sự suy yếu và biến động khó lường.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2023 đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, với tỷ lệ 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chỉ tiêu kinh tế như kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, doanh số bán lẻ hàng hóa nội địa... đều cho thấy những kết quả đáng khích lệ
Sự phục hồi của nền kinh tế cùng với các dự báo tích cực kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản ở mọi phân khúc, bao gồm căn hộ, văn phòng cho thuê, nhà xưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế do nhiều nguyên nhân, dự kiến mặt bằng giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục giảm lãi suất điều hành trong 4 lần kể từ tháng 3/2023. Lãi suất vay ngân hàng đã giảm đáng kể, dao động từ 6,7-10%, tiếp cận mức đầu năm 2022. Mặt bằng lãi suất giảm sẽ tạo động lực thúc đẩy phục hồi đầu tư, trong đó có đầu tư bất động sản.
Lãi suất cho vay mua nhà hiện đã giảm đáng kể từ đỉnh và vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm. Lãi suất cho vay thả nổi trung bình tại các ngân hàng thương mại đang ở quanh mức 11%/năm (giảm từ mức 13-14%/năm vào cuối năm 2022).
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề pháp lý, Quốc hội vừa thông qua hàng loạt dự án Luật như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), với có nhiều điểm mới, điểm khác biệt, được dự báo sẽ có tác động tích cực tới thị trường.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc được ban hành sẽ tiếp tục là động lực để thị trường phục hồi.
Cùng với đó, lãi suất đang giảm; nợ và trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn được đàm phán gia hạn, cơ cấu lại, mua lại. Doanh nghiệp xoay xở, tái cấu trúc, giảm giá bán… Đặc biệt, triển vọng kinh tế Việt Nam đang tốt lên, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Về phía doanh nghiệp, các chủ đầu tư đã và đang nỗ lực tái cấu trúc sản phẩm, hoạt động, quản trị; tiết giảm chi phí, giảm nhân sự; bán dự án, thực hiện mua bán sáp nhập (M&A) dự án. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn, tích cực kiến nghị cơ chế, chính sách…
Đồng quan điểm, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services, khi chạm đến đáy thì sớm hay muộn cũng phải đến thời điểm thị trường bất động sản phục hồi trở lại.
Mặc dù, quý 4/2023 thị trường bất động sản chưa có tăng trưởng đột biến, nhưng chắc chắn có tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ. Với nhiều thông tin chuyển biến tích cực thì hoàn toàn có cơ sở để dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên từ cuối quý 4/2023 và sẽ phục hồi rõ nét hơn vào năm 2024.
Sẽ có "cú huých" trong quý 1/2024?
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, dù thị trường bất động sản hiện đối mặt nhiều khó khăn, nguồn cung hạn chế nhưng các tín hiệu tích cực đang ngày càng rõ nét.
"Thị trường bất động sản đã và đang phục hồi, tất nhiên so với thời điểm hoàng kim thì mới chỉ phục hồi được khoảng 20-30%. Nhưng tới đây, thị trường sẽ diễn biến theo kịch bản tốt hơn, "cú huých" lớn sẽ bắt đầu từ đầu quý 1/2024, bởi lãi suất đã và đang giảm; độ ngấm của chính sách tại thời điểm đó tốt hơn. Ngoài ra, những vụ việc vi phạm pháp luật về cơ bản sẽ được xử lý. Thời điểm đó, tình hình phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam, thế giới cũng sẽ rõ nét hơn", ông Lực nói.
Đồng thời, một trong những điểm nghẽn lớn của thị trường là chính sách tiền tệ đã dần được tháo gỡ trong năm 2023 và sẽ trở nên linh hoạt, nới lỏng hơn trong năm 2024, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận dễ dàng hơn so với trước đó.
Mới đây, Thủ tướng đã ký Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bất động sản. Theo đó, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.
Bên cạnh đó, rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.
Thực tế, sau nhiều chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ và NHNN, lãi suất vay mua nhà thời gian qua đã hạ nhiệt đáng kể. Lãi suất cho vay mua nhà của nhiều ngân hàng đã về dưới 10%. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ngân hàng xuống thấp sẽ thôi thúc người dân tìm kiếm các kênh đầu tư khác, trong đó bất động sản là một trong những lựa chọn được đánh giá cao.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho rằng, các chính sách của Trung ương dự kiến cần thời gian để thị trường thẩm thấu. Tâm lý nhà đầu tư đã dần tích cực và góp phần để đà phục hồi diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới.
Diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường, góp phần định hướng nhu cầu bất động sản trở về với giá trị thực. Thị trường bất động sản sẽ đảo chiều vào năm 2024 trong điều kiện các chính sách điều hành vĩ mô tiếp tục tích cực như hiện nay.
Trước đó, theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại thời điểm này, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tốt hơn. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, nếu như quý 1/2023 nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng, gần như đứng im, giao dịch chỉ có hơn 1.000 thì sang quý 2/2023 đã có sự chào bán trở lại, với khoảng 3.700 giao dịch thành công. Sang đến quý 3/2023, ngay 2 tháng đầu quý đã có hơn 5.000 giao dịch thành công và 300 dự án trên toàn quốc đã ra hàng mở bán./.
AN NHIÊN