ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 10h18 03/06/2024

Trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng lao động trong tương lai

(KDPT) - Trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến hơn 40% lao động tới năm 2030. Cùng với đó, khoảng 66% lãnh đạo sẽ không tuyển những người không có năng lực về AI.

Đó là nhận định từ báo cáo của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trí tuệ nhân tạo (AI) và xu hướng năng lực số

Đại dịch đã thay đổi hoàn toàn diện mạo thị trường lao động toàn thế giới. Từ thay đổi về cung cầu đến cách người lao động làm việc, sự thay đổi diễn ra nhanh chóng trong vỏn vẹn vài năm khiến thị trường lao động khác hoàn toàn so với trước đại dịch.

Tiếp theo đó là sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng gây ra nhiều xáo trộn cho thị trường lao động. Và còn nhiều xu hướng đã, đang và sẽ khiến thị trường lao động chuyển mình như xu hướng đầu tư vào chuyển dịch sang mô hình bền vững, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn ESG phổ biến hơn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tất cả những xu hướng này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động trong tương lai, đòi hỏi chúng ta phải quan sát thật kỹ các biến động để phán đoán diễn biến tiếp theo và sẵn sàng cho các làn sóng thay đổi mới. Điều đó quan trọng và cần thiết không chỉ với nhà tuyển dụng mà cả với người lao động.

Theo TS Trần Quang Huy, Trưởng Ban Đào tạo tại Viện Quản trị và Công nghệ FSB nhận định trong tọa đàm “Xu hướng lao động tương lai – Cơ hội cho ai?” diễn ra mới đây, câu chuyện phát triển nghề nghiệp trong xu hướng công nghệ ngày nay có nhiều khác biệt so với trước. Các doanh nghiệp đòi hỏi cao về năng lực số.

UNESCO định nghĩa, năng lực số là khả năng truy cập, quản trị, thấu hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho thị trường lao động phổ thông, các công việc cao cấp và khởi nghiệp kinh doanh.

TS Trần Quang Huy, Trưởng Ban Đào tạo tại Viện Quản trị và Công nghệ FSB.
TS Trần Quang Huy, Trưởng Ban Đào tạo tại Viện Quản trị và Công nghệ FSB.

“Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã xây Khung năng lực số. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng và chuẩn bị ban hành Thông tư về Khung năng lực số để dành cho đào tạo học sinh, sinh viên. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chuẩn bị ban hành Khung năng lực số. Các doanh nghiệp và từng cá nhân không nên chờ những văn bản đó, tự chúng ta phải xác định những việc cần làm để chuẩn bị trước. Nếu không có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng thì sẽ thất bại”, TS. Huy chia sẻ.

Trí tuệ nhân tạo tạo nên xu hướng chuyển dịch lao động trong tương lai

Theo Báo cáo chuyển dịch lao động đến năm 2030 ở Việt Nam, về nhu cầu lao động theo các thành phần kinh tế, đang có chuyển dịch từ khối nhà nước sang khối tư nhân và FDI. Khối tư nhân và FDI đang có nhu cầu lao động trình độ cao rất lớn. Nhu cầu về lao động theo trình độ sẽ chuyển dịch sang hướng tăng trình độ đại học và sau đại học.

Có 5 yếu tố mà các doanh nghiệp lớn mong muốn khi nhắc tới năng lực của nhân sự trình độ cao, đó là: Hiểu biết có hệ thống và bài bản về hoạt động quản trị kinh doanh (gồm cả những nội dung về tài chính, nhân sự…); Khả năng tư duy logic, phân tích, tổng hợp; Khả năng ngoại ngữ; Khả năng sử dụng công nghệ số; Khả năng thích ứng môi trường làm việc đa văn hóa.

Tiến sĩ Huy chia sẻ, “Các bạn trẻ đều khát khao, quan tâm lộ trình phát triển cá nhân. Đây là điều đáng quý. Trong bối cảnh công nghệ 4.0, các doanh nghiệp hiện nay đều xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo văn hóa số, với một số đặc tính như: Lấy khách hàng làm trung tâm; Đổi mới; Quyết định dựa trên dữ liệu; Hợp tác; Văn hóa mở; Tư duy số trước tiên; Linh hoạt và nhạy bén. Các bạn cần thích ứng với văn hóa này”.

Một số ngành nghề chịu ảnh hưởng từ trí tuệ nhân tạo

Theo báo cáo năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, những nghề bị ảnh hưởng lớn nhất trong tương lai bởi công nghệ gồm: Giáo dục (giáo viên); Dịch vụ (chăm sóc khách hàng), Y dược (bác sĩ, dược sĩ); Tài chính (kiểm toán, kế toán); An ninh (bảo vệ, cảnh sát); Chuyên gia…

10 ngành phát triển nhanh nhất thế giới gồm: Chuyên gia AI và học máy; Chuyên gia phát triển bền vững; Nhà phân tích kinh doanh thông minh; Nhà phân tích an toàn thông tin; Kỹ sư Fintech (công nghệ tài chính); Các nhà phân tích và nhà khoa học dữ liệu; Kỹ sư robot; Kỹ sư công nghệ điện tử; Người vận hành thiết bị nông nghiệp; Chuyên gia chuyển đổi số.

10 ngành có tỷ lệ suy giảm nhanh nhất thế giới gồm: Giao dịch viên ngân hàng và nhân viên liên qua; Dịch vụ bưu chính; Nhân viên thu ngân và nhân viên bán vé; Nhân viên nhập liệu; Thư ký hành chính và điều hành; Nhân viên ghi chép tài liệu và kiểm kê hàng tồn kho; Nhân viên kế toán và tính lương; Các nhà lập pháp và quan chức; Nhân viên thống kê tài chính và bảo hiểm; Nhân viên bán hàng tận nhà, người bán hàng rong và những người lao động liên quan.

Nhiều người thường nhìn tiến bộ công nghệ dưới lăng kính "máy móc thay thế con người" và khiến con người mất đi việc làm. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, công nghệ cũng tạo ra công việc mới. Nhiều công việc trong mảng phân tích dữ liệu lớn, công nghệ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, công nghệ quản lý môi trường, mã hóa và an ninh mạng, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp, các nền tảng và ứng dụng số hóa… được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.

Những thay đổi nêu trên của thị trường lao động sẽ mở ra cơ hội gia tăng năng suất lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nhân tài ở khắp mọi nơi trên thế giới và ngược lại người lao động cũng có thêm lựa chọn việc làm bất kể vị trí địa lý. Quan trọng hơn, những xu hướng này cũng nhắc nhở doanh nghiệp và người lao động cần có tâm thế sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/07/2024