ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 15h09 02/07/2024

Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông sản

(KDPT) - Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hiện nhằm bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo ra những sản phẩm nông sản tốt.

Triển vọng ngành nông sản hiện nay

Theo số liệu mới nhất được công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD với hầu hết các nhóm lĩnh vực đều tăng trưởng dương. Đi cùng với sự tăng trưởng không ngừng nghỉ, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số khó khăn...

Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với tốc độ phát triển bứt phá ngoạn mục. Là đất nước có nguồn tài nguyên nông nghiệp dồi dào và tiềm năng xuất khẩu lớn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: “10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển toàn diện, trong đó phải kể đến sự tham gia mạnh mẽ, tâm huyết của cộng đồng các nhà khoa học".

Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông sản - ảnh 1

Nhiều thành quả nghiên cứu được tạo ra và ứng dụng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp từ giống cây trồng, vật nuôi mới; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp… Các giống lúa được chọn tạo được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các giống lúa do nhà khoa học Việt Nam chọn tạo chiếm hơn 80% diện tích toàn vùng, trong đó giống lúa OM5451 được gieo trồng với diện tích gần một triệu héc-ta. Cây cà-phê với năng suất khoảng 27 tạ/ha, cao gấp 1,5 lần so với Brazil, ba lần so với Colombia và Indonesia. Diện tích trồng mới các giống cà-phê chọn tạo trong nước là 130 nghìn ha, chiếm 100% diện tích trồng tái canh.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh ứng dụng khoa học - công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra…

Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ lĩnh vực nông sản

Việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, GlobalGAP... ngày càng được phổ biến nhân rộng giúp tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, các kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu cũng được đẩy mạnh.

Cụ thể, đã phát triển, nhân rộng các quy trình sản xuất chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, như “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm”, xuống giống tập trung né rầy, giảm lượng giống gieo sạ, tưới nước tiết kiệm…

Trong đó, quy trình kỹ thuật “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm” đến nay đã được ứng dụng cho khoảng 1,1 triệu ha lúa (chiếm hơn 35% diện tích) ở Đồng bằng sông Cửu Long, làm lợi khoảng 1.617 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, nhiều công nghệ mới mang tầm quốc tế và khu vực trong lĩnh vực thủy lợi, phòng, chống thiên tai đã được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, điển hình như công trình thủy lợi Cái lớn - Cái bé…

Những nghiên cứu, chọn tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đó đã giúp ngành nông nghiệp liên tục đạt được những kết quả cao trong thời gian gần đây.

Thách thức cho việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ

Lĩnh vực khoa học - công nghệ trong nông nghiệp cũng còn có những hạn chế, bất cập như: Chất lượng nguồn nhân lực ngày một giảm; thiếu nhà khoa học giỏi, đầu ngành, trong khi nhân lực làm nghiên cứu đông nhưng chưa mạnh; một số nơi việc sử dụng nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa hiệu quả; thiếu sự phối hợp giữa đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp, nhất là việc tiếp nhận kết quả nghiên cứu để chuyển giao vào sản xuất; chất lượng nghiên cứu nhiều sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Theo GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: “Mặc dù tuyển sinh đại học tăng nhưng các ngành nông nghiệp lại giảm nên thiếu hụt nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; sản phẩm khoa học - công nghệ nhiều nhưng tính ứng dụng chưa cao, chưa gắn kết với đào tạo; cơ sở vật chất, học liệu chưa đáp ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của thực tế sản xuất, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 và nông nghiệp thông minh”.

Vì vậy, theo TS. Cường, cần khuyến khích, kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, các hiệp hội, ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo; chủ động xây dựng và mở rộng các chương trình hợp tác và liên kết đào tạo với nước ngoài; đẩy mạnh hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thì việc phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là mũi nhọn, chìa khóa thành công, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đồng thời khoa học - công nghệ cũng phải gắn với phát triển bền vững, giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn theo chuỗi giá trị, mang lại giá trị gia tăng.

"Để biến thách thức thành cơ hội, ngành nông nghiệp đã đưa ra các định hướng, chiến lược, chính sách và giải pháp để nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế", Thứ trưởng nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/10/2024