ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ sáu, 09h26 22/03/2024

Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển chương trình tập chống vẹo cột sống

(KDPT) - Ứng dụng các nguyên lý, phương pháp luyện tập trong y học thể thao và phục hồi chức năng, các nhà khoa học tại Viện Vật lý Y sinh học đã phát triển các chương trình tập luyện cho bệnh nhân vẹo cột sống trên các thiết bị tập luyện chuyên dụng.

Cải thiện cột sống bằng phương pháp tập luyện mới

Nhóm nhà khoa học Viện Vật lý Y Sinh học xây dựng chương trình tập luyện giúp giảm 4 độ vẹo cột sống thắt lưng sau 3 tháng.

Nghiên cứu giúp người vẹo cột sống khôi phục hoạt động bằng phương pháp tập luyện trên các thiết bị chuyên dụng trong chương trình nghiên cứu phục hồi chức năng của của Viện Vật lý Y sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự) dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia của Đại học tổng hợp Leipzig (Đức).

Ứng dụng các nguyên lý, phương pháp luyện tập trong y học thể thao và phục hồi chức năng, các nhà khoa học tại Viện Vật lý Y sinh học đã phát triển các chương trình tập luyện cho bệnh nhân vẹo cột sống trên các thiết bị tập luyện chuyên dụng.

Tình trạng vẹo cột sống của bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi, đánh giá trên thiết bị tập luyện chuyên dụng. (Ảnh: Hà An)
Tình trạng vẹo cột sống của bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi, đánh giá trên thiết bị tập luyện chuyên dụng. (Ảnh: Hà An)

Dữ liệu tập luyện được đo lường, lưu lại trên hệ thống máy tính để làm căn cứ đánh giá và xây dựng chương trình luyện tập phù hợp. Đây là các thiết bị chuyên biệt tập trung luyện tập vào các nhóm cơ cần cải thiện. Tùy theo tình trạng bệnh nhân, chương trình luyện tập sẽ được xây dựng về cường độ, thời gian, tần suất tập, số lần lặp lại cho phù hợp.

Theo bác sĩ Lại Hải Bình - Trưởng phòng Y học, Viện Vật lý Y Sinh học, chương trình luyện tập được xây dựng theo hướng dẫn của Hiệp hội các trường Đại học Y học thể thao Mỹ (ACSM). Song, để phù hợp với thể chất người Việt, cường độ tập luyện nên được xây dựng thấp hơn. Cụ thể, theo hướng dẫn ACSM người mới tập luyện thời gian đầu có thể tập ở 40-50% sức mạnh cơ tối đa. Tuy nhiên, chương trình trong giai đoạn đầu với tải trọng thấp 10% thậm chí không tải trọng được xây dựng để người bệnh sử dụng làm quen, sau đó tăng dần tỷ lệ tải trọng theo khả năng để họ luyện tập.

Kết hợp nhiều phương pháp để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu

Theo chuyên gia vật lý trị liệu Lê Văn Thông, phòng Y học, Viện Vật lý Y Sinh học, để quá trình tập luyện có kết quả tốt, ngoài các bài tập, nhân viên y tế cần hỗ trợ bệnh nhân về mặt tâm lý, giúp họ hứng thú hơn trong việc tập luyện thông qua quá trình đồng hành và truyền cảm xúc tích cực.

Trên thế giới, việc luyện tập phục hồi chức năng là các chỉ định thông thường, phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc tập luyện để tăng cường và phục hồi chức năng còn nhiều hạn chế do thiếu các trang thiết bị luyện tập chuyên dụng và chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất lúc ban đầu rất lớn. Điều trị bằng thuốc, phẫu thuật thường có hiệu quả tức thời. Còn luyện tập phục hồi mất thời gian vài tháng mới có thể cải thiện, nên cần bệnh nhân kiên trì, luyện tập đúng phương pháp.

Tình trạng vẹo cột sống. (Ảnh minh họa)
Tình trạng vẹo cột sống. (Ảnh minh họa)

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường, đường cong có thể đổ về phía trước hoặc phía sau (gù cột sống), cột sống lệch sang một bên (cong cột sống); tùy vào nguyên nhân mắc bệnh của từng người. Đây là một loại bệnh có thể cải thiện dần theo thời gian. Trong những trường hợp cột sống cong vẹo mức độ nhẹ, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, người bệnh chỉ cần thực hiện những bài tập lưng nhẹ nhàng đã có thể cải thiện và phục hồi tình trạng dần theo thời gian.

Vẹo cột sống được xem là một loại rối loạn cột sống được xác định bởi độ cong bất thường của cột sống. Tình trạng này thường xảy ra ở phần lồng ngực hoặc xương sườn.

Hiện bệnh có xu hướng trẻ hóa ở lứa vị thành niên từ 10-18 tuổi, trong giai đoạn phát triển xương. Khoảng 80% nguyên nhân là vô căn, một số khác do bẩm sinh hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh cơ. Ngoài ra, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày, nhất là trẻ ở tuổi đến trường./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/10/2024