ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 06h00 09/01/2024

Ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra nhựa phân hủy sinh học từ chất thải hữu cơ

(KDPT) - Để góp phần giảm thiểu chất thải nhựa, công ty nhựa sinh học BUYO đã thành công trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến tạo ra nhựa phân hủy sinh học từ chất thải hữu cơ, thay vì tinh bột như hầu hết các công ty nhựa sinh học khác. Đây được xem là một bước tiến công nghệ mới trong việc thúc đẩy sử dụng các vật liệu hữu cơ mới thay thế nhựa.
Phát triển nhựa sinh học không độc hại

Công nghệ mới với nguồn gốc 100% hữu cơ

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây đã cảnh báo: "Tới năm 2040, 19% lượng khí nhà kính phát thải trên toàn cầu đến từ nhựa". Việt Nam đang tiêu thụ trung bình 6 triệu tấn nhựa/năm, tương đương với việc phát thải ra môi trường 12 triệu tấn CO2. Ô nhiễm nhựa là một trong những hiểm họa môi trường nghiêm trọng đe dọa môi trường sống và sức khỏe con người.

Nhận thấy Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp và sản xuất thực phẩm lớn với nguồn rác hữu cơ dồi dào, Công ty TNHH nhựa sinh học BUYO đã tiến hành nghiên cứu, chọn lọc và sáng chế công nghệ chuyển đổi rác hữu cơ thành một loại vật liệu mới thay thế nhựa.

Đây là doanh nghiệp cung cấp nhựa sinh học 100% nguồn gốc tự nhiên và phân hủy sinh học từ chất thải hữu cơ, với công nghệ độc quyền sáng chế. Sản phẩm có khả năng phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên và an toàn cho sức khỏe, giảm thiểu phát thải carbon.

Đĩa và thìa, dĩa làm từ nhựa sinh học do BUYO Bioplastics sản xuất. (Ảnh: BUYO)

Vật liệu mới này có nguồn gốc 100% hữu cơ và phân hủy được hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, an toàn cho môi trường và sức khỏe, nhưng vẫn đáp ứng được các tính năng của nhựa thông thường với giá thành hợp lý.

Nguồn rác hữu cơ phổ biến nhất mà Công ty BUYO sử dụng hiện nay là bã hèm từ quá trình sản xuất bia và một số loại bã khác từ ngành chế biến nông sản. Đây là một công nghệ mới mang tính tiên phong, do đội ngũ các chuyên gia và nhà khoa học của Công ty BUYO phát triển tại Việt Nam. Cùng với đó là sự hỗ trợ và tư vấn của Công ty bia AB InBev (Bỉ), Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Công nghệ này khác biệt so với các công nghệ khác trên thị trường là nguồn nguyên liệu từ rác hữu cơ, không pha trộn nguyên liệu nguồn gốc dầu mỏ, không dùng tinh bột để bảo đảm an ninh lương thực. Sản phẩm có thể phân hủy được hoàn toàn trong môi trường tự nhiên trong vòng ba tháng tới một năm, thay vì 500 năm như nhựa thông thường.

Mặt khác, sản phẩm không tạo vi nhựa, an toàn đối với sức khỏe. Ngoài ra, quy trình sản xuất của Công ty BUYO góp phần giảm thiểu phát thải carbon do tiêu tốn ít năng lượng và tái chế rác hữu cơ. Giá thành của sản phẩm tương đương với giá của các sản phẩm bằng giấy hay bã mía trong khi độ bền, khả năng chống thấm nước, chịu nhiệt cao hơn nhiều lần.

Tiềm năng lớn trên thị trường

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, công nghệ của Công ty BUYO có tiềm năng thị trường rất lớn, vì chỉ riêng Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 12 tỷ USD các sản phẩm nhựa mỗi năm, nếu chuyển đổi sang các vật liệu hữu cơ thay thế nhựa, số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm 12 triệu tấn khí CO2 mỗi năm sẽ tương đương 60 triệu USD.

Các sản phẩm của Công ty nhựa sinh học BUYO thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. (Ảnh: Thu Nga)

Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các ý tưởng của những cá nhân, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể phát triển, đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho các ý tưởng đi ra thị trường trong nước và hội nhập quốc tế, thu hút nguồn vốn của các quỹ, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Công ty BUYO sẽ tham gia giải quyết các bài toán của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty để Việt Nam phát triển tăng trưởng xanh, bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, các chính sách để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đều tập trung khuyến khích và ưu đãi nhựa tái chế. Tuy nhiên, trung bình trên toàn thế giới, chưa tới 10% tổng lượng rác thải nhựa có thể tái chế được. Vì vậy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, ngoài tái chế, còn cần tăng cường sử dụng các vật liệu hữu cơ mới thay thế nhựa.

Theo đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích và thúc đẩy cho các vật liệu hữu cơ mới như đối với nhựa tái chế, cũng như có các chính sách hỗ trợ kịp thời để giữ chân và ươm mầm cho các start-up. Cùng với đó, cần coi kinh tế tuần hoàn là một lĩnh vực đặc biệt khuyến khích và cho phép các doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn sử dụng chất thải của các ngành khác làm đầu vào cho mình được đặt nhà máy và cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp thông thường, miễn là đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về quản lý chất thải, tạo điều kiện thông thoáng, nhanh gọn trong việc cấp giấy phép môi trường./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024