ISSN-2815-5823
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC
Thứ sáu, 06h00 13/10/2023

Về những con người dám dốc sức vì sự làm giàu cho đất nước

(KDPT) - Chúng ta kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam năm nay (13/10/2023) khi vừa trải qua cơn bĩ cực lớn trong lịch sử bởi 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực thời gian qua bởi đại dịch. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục khẳng định bản lĩnh của mình để tiếp tục mang lại những dấu ấn mới. Đồng thời, tiếp nối truyền thống của các bậc doanh nhân tiền bối đã làm nên những thương hiệu Việt và tâm thế doanh nhân Việt.

Cách đây 2 thập kỷ tôi đã có bài viết về doanh nhân Việt Nam với tên gọi “Từ doanh nhân đến danh nhân”. Hôm nay những điều trong bài viết đó vẫn nguyên giá trị để chia sẻ cùng với giới doanh nhân hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945. (Ảnh tư liệu)

1.

Trong sự bừng tỉnh để nhận ra vấn đề thương hiệu có quan hệ như thế nào đối với một nền kinh tế hàng hóa, người ta lục tìm trong lịch sử xem đã từng có cái gì tương tự hay không? Thì truyền thuyết chẳng từng kể chuyện chàng rể của Vua Hùng là Mai An Tiêm bị đày ra hoang đảo đã lập “trang trại” trồng dưa hấu. Chàng đã khắc tên của mình lên vỏ những trái dưa rồi đem thả xuống biển cả để những con sóng đưa sản phẩm của mình ra bốn phương và về đất liền vừa để “tiếp thị” mời gọi các thương lái đến đảo mua dưa, vừa để vua cha biết đến sự thành công của vợ chồng mình. Phải chăng đó là thương hiệu đầu tiên xuất hiện trong truyền thuyết?

Nếu coi thương hiệu là một thứ tín chỉ ghi trên sản phẩm ở di tích cố đô Hoa Lư thời nhà Đinh ta vẫn còn tìm thấy nhiều viên gạch lớn có khắc dòng chữ: “Đại Việt Quốc quân thành chuyên”. Phải chăng đó là những thương hiệu đầu tiên trên sản phẩm còn lưu lại đến nay trong các bảo tàng?

Một thời gian dài chúng ta ngờ rằng nước Việt Nam ta chỉ có nền sản xuất thuần nông, quẩn quanh với đồng ruộng, làng xã, sống trong quan niệm trọng nông ức thương. Nhưng những phát hiện khảo cổ học trong những năm gần đây khiến ta phải suy nghĩ lại. Hàng chục vạn sản phẩm gốm sản xuất tại Việt Nam trên những con tàu đắm được khai quật cho thấy ở thế kỷ XV-XVII Đại Việt đã từng là một trung tâm sản xuất hàng gốm xuất khẩu mà tên gọi vùng Chu Đậu (Hải Dương) ứng với các di chỉ có dấu tích các lò gốm là bằng chứng của một trình độ sản xuất hàng hóa chất lượng của nước ta ở những thế kỷ xa xưa ấy…

Đặc biệt nữa là, trên những sản phẩm gốm người ta đã tìm thấy nhiều minh văn cho chúng ta những thông tin quý báu, trong đó có những yếu tố đang được coi là thương hiệu. Đó là tên tuổi những người tham gia tạo ra sản phẩm. Đặc sắc và xưa nhất phải nói đến một chiếc lọ gốm vẽ hoa dây màu lam hiện trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ghi rõ dòng chữ ghi nhận niên đại sản xuất: “Năm Đại hóa thứ tám” (tức 1450) dưới thời Lê Nhân Tông. Địa điểm sản xuất (Nam Sách - Hải Dương) và đặc biệt là người sản xuất: “Bùi thị hí bút” (người họ Bùi vẽ chơi)… Muộn hơn một chút, ngày nay còn nhiều sản phẩm ghi rõ tên nhiều nghệ nhân trên những sản phẩm có chất lượng cao mà tiêu biểu nhất là Đặng Huyền Thông cũng ở lò gốm vùng Nam Sách thời Mạc…

Tên các nghệ nhân được lưu lại trên các sản phẩm gốm như dấu ấn của con người, là phần hồn tạo nên một thương hiệu và cùng với tên người ấy là vùng đất làm ra sản phẩm như một đặc hiệu tạo nên giá trị thương phẩm như Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Bắc Ninh), Gò Sành (Bình Định)…

Từ trái sang gồm nhà tư sản Hòa Tường, ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ, mẹ ông Trịnh Văn Bô, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước thềm Nhà hát Lớn tại Tuần lễ vàng 1945.
Từ trái sang gồm nhà tư sản Hòa Tường, ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ - mẹ ông Trịnh Văn Bô, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước thềm Nhà hát Lớn tại Tuần lễ vàng 1945. (Ảnh tư liệu)
Một thời gian dài chúng ta ngờ rằng nước Việt Nam ta chỉ có nền sản xuất thuần nông, quẩn quanh với đồng ruộng, làng xã, sống trong quan niệm trọng nông ức thương. Nhưng những phát hiện khảo cổ học trong những năm gần đây khiến ta phải suy nghĩ lại.

2.

Cho đến giữa thế kỷ XIX, thương hiệu đầu tiên không còn gắn với tên một con người cụ thể mà lại nêu lên một ý tưởng của sự kinh doanh. Đó là tên “Cảm Hiếu Đường” đặt cho một cửa hiệu chụp ảnh đầu tiên mở tại Hà Nội vào năm 1869 mà chủ hiệu là một nhà canh tân hàng đầu khi đó: Đặng Huy Trứ… Qua thời cận đại, trong bối cảnh thuộc địa đã xuất hiện trong các thương hiệu nổi danh nhất ở đầu thế kỷ XX, những tư tưởng duy tân của thời kỳ người Việt Nam muốn gắn kết sự làm giàu với thân phận của người dân mất nước nung nấu tinh thần dân tộc và chí hướng cứu nước. Những tên gọi “Minh Tân Công nghệ xã”. “Minh Tân Khách sạn” của những nhà duy tân ở Nam Kỳ như Trần Chánh Chiếu; thương hiệu “Cô Ba” in hình một khuôn mặt phụ nữ điển hình của Nam Kỳ trên những bánh xà phòng là sản phẩm của một trong những người bản xứ giàu có nhất ở đồng bằng sông Cửu Long hồi đó: Trương Văn Bền… Còn ở ngoài Bắc, lá cờ vàng với hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ của “Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Công ty” đã từng một thời tung bay trên các con tàu của Bạch Thái Bưởi… dọc ngang sông nước đồng bằng Bắc Bộ và miền duyên hải. Đặc biệt, với con tàu mang tên “Bình Chuẩn” (tên gọi cơ quan chuyên lo việc kinh doanh của nhà nước truyền thống) trọng tại 600 tấn do chính những kỹ sư và thợ cả Việt Nam đóng từ Hải Phòng đã vượt biển vào tận Sài Gòn năm 1919 được coi là đỉnh cao của niềm tự hào cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thời mất nước.

Về những con người dám dốc sức vì sự làm giàu cho đất nước
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: NVCC)

Công cuộc canh tân đất nước đầu thế kỷ XX mà sự khởi đầu cách nay vừa trọn 120 năm (1903) là sự kết hợp giữa hai nhân tố giáo dục và kinh doanh nhằm tìm ra nguồn lực cứu nước sau những thất bại cay đắng của những lớp người chỉ biết “sát thân thành nhân” hay “thề cùng bạch quỷ có tao không có mày…”. Lương Văn Can vị thục trưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục đồng thời cũng là người đầu tiên viết sách cổ vũ và hướng dẫn cách buôn bán, tổ chức doanh nghiệp làm giàu để cứu nước thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang.

Về những con người dám dốc sức vì sự làm giàu cho đất nước

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi được liệt vào hàng “tứ đại gia” không chỉ của Việt Nam mà là xứ Đông Dương hồi đầu thế kỷ XX. (Ảnh tư liệu)

Xin dẫn ra ở đây một đoạn đánh giá của Lương Văn Can về thực trạng hoạt động kinh doanh của giới doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ đủ thấy sự tinh tế và tầm nhìn của cụ không chỉ đối với những vấn nạn ở một thế kỷ trước đây mà những di sản của nó vẫn vấn vương lâu dài trong tâm tính làm ăn kinh tế của người nước ta.

Trong sách “Thương học phương châm”, cụ Cử Lương Văn Can cổ xúy: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường, xem khinh được sao?”. Vậy mà nền kinh doanh ở nước ta vẫn còn là một thảm cảnh bởi 10 lẽ như Lương Văn Can tổng kết: 1. Người mình không có thương phẩm; 2. Không có thương hội; 3. Không có tín thực; 4. Không có kiên tâm; 5. Không có nghị lực; 6. Không biết trọng nghề; 7. Không có thương học; 8. Kém đường giao thiệp; 9. Không biết tiết kiệm; 10. Khinh nội hóa!...

Trong hoàn cảnh mất nước, bị thực dân đô hộ ấy, những doanh nhân Việt Nam mạnh mẽ như Bạch Thái Bưởi cuối cùng cũng phải chấp nhận một kết cục bi đát: Phá sản.

Công cuộc canh tân đất nước đầu thế kỷ XX mà sự khởi đầu cách nay vừa trọn 120 năm (1903) là sự kết hợp giữa hai nhân tố giáo dục và kinh doanh nhằm tìm ra nguồn lực cứu nước sau những thất bại cay đắng của những lớp người chỉ biết “sát thân thành nhân” hay “thề cùng bạch quỷ có tao không có mày…”.

3.

Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng xung kích hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng xung kích hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. (Ảnh: TTXVN)

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của nước Việt Nam độc lập. Doanh nhân Việt Nam quả là đã không có vị thế xứng đáng và không có bề dày truyền thống trong lịch sử nhưng lại có những thời khắc thật đáng tự hào. Ngày Bác Hồ từ chiến khu về Hà Nội, vị lãnh tụ cách mạng đã chọn nơi trú ngụ ở nhà một người thuộc loại giàu nhất tại một phố giàu nhất Hà Nội. Đặt lợi ích dân tộc lên cao hơn hết ấy, hơn hai mươi năm trước ngày cách mạng thành công, nhà cách mạng vĩ đại này đã nói đến một cao trào giải phóng dân tộc tập hợp được mọi lực lượng xã hội trong đó có cả tầng lớp hữu sản. Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn Độc lập tại ngôi nhà một doanh nhân nổi tiếng Hà Nội và Tuần lễ vàng tổ chức sau đó ít lâu là bằng chứng rằng doanh nhân Việt Nam giàu lòng yêu nước và nặng tình với cách mạng. Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà… trở thành những người chiến sĩ cách mạng, con em những người giàu có, các doanh nhân cũng dấn thân lên chiến khu đi nốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc… và nhiều người cũng hy sinh như những người đồng bào công nông của mình. Nhưng thắng giặc ngoại xâm có sự đóng góp của những doanh nhân đến khi bắt tay vào xây dựng một chế độ mới thì một thời, sự ấu trĩ đã làm thui chột một thế hệ những người biết làm giàu,… Để rồi đến khi bắt tay vào cuộc Đổi Mới chúng ta thấy được sự hụt hẫng một truyền thống biết làm ăn kinh tế gắn với lợi ích quốc gia như cái nguyên lý nay chúng ta đã thừa nhận “dân giàu - nước mạnh”. Có ai nhớ đến chuyện Bí thư Kim Ngọc trên lĩnh vực khoán trong nông nghiệp mà dám nghĩ rằng rất có thể chúng ta phải chấp nhận có những con người lót đường cho xã hội tiến tới.

Về những con người dám dốc sức vì sự làm giàu cho đất nước
Người lao động trên giàn khoan dầu khí. (Ảnh: PVN)

Với khí thế không ngơi nghỉ để phát triển bền vững đất nước, để xứng đáng với công lao của các bậc tiền bối trong lịch sử xưa và nay, doanh nhân Việt Nam cần bền lòng vững tâm sáng tạo không ngừng vì một Việt Nam hưng thịnh, hạnh phúc cho nhân dân.

Nếu ở thế kỷ trước lịch sử sự nghiệp giải phóng Tổ quốc khỏi ách ngoại xâm được ghi dấu bằng gương mặt những người lính dám xả thân vì nghĩa lớn thì trong thế kỷ này lịch sử sẽ không thể vắng bóng những con người dám dốc sức vì sự nghiệp làm giàu cho đất nước. Sẽ có những doanh nhân trở thành những danh nhân của đất nước.

“Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân."

Trích Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các giới Công Thương ngày 13/10/1945.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/11/2024