ISSN-2815-5823
QUANG ĐỨC
Thứ ba, 06h00 23/01/2024

Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế

(KDPT) - Việt Nam cùng 4 nước khác của Châu Á đã vượt mốc giảm phát thải carbon theo mục tiêu Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC)... Tuy nhiên, nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế, theo PwC.

PwC mới đây đã công bố Báo cáo Chỉ số Kinh tế Net Zero lần thứ 15, một chỉ số thường niên về tiến độ giảm phát thải CO2 liên quan đến năng lượng và khử carbon tại các nền kinh tế.

Theo báo cáo, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế là 3,9% (cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 3,5%). Tuy nhiên, khu vực này cũng nằm trong tâm điểm của khủng hoảng khí hậu, về cả khía cạnh làm gia tăng phát thải carbon (với lượng phát thải chiếm gần một nửa tổng số phát thải toàn cầu) và về việc phải hứng chịu các tác động vật lý của biến đổi khí hậu như các khu vực khác trên thế giới. Các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng của khu vực, nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ tác động của biến đổi khí hậu. Trong kịch bản phát thải cao, nếu không có các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu kịp thời thì khu vực này có thể thiệt hại đến 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tính đến năm 2100.

Mặc dù Châu Á - Thái Bình Dương đã tiếp tục có những nỗ lực khử carbon trong năm 2022, nhưng tốc độ khử carbon hiện tại vẫn chưa đạt mức cần thiết. Cụ thể, tốc độ giảm cường độ phát thải carbon của khu vực trong năm 2022 đạt mức 2,8% - tăng hơn gấp đôi so với mức 1,2% vào năm 2021, nhưng con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 17,2% cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Những con số này cho thấy một bức tranh đáng quan ngại. Các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi về mặt chính sách và thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chuyển sự chú ý từ năng lượng tái tạo và xe điện sang các hành động giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu đa dạng hơn, hướng tới giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, môi trường xây dựng và các ngành công nghiệp.

Tỷ lệ khử các-bon và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) (tấn CO2/GDP) tại các nền kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022
Tỷ lệ khử carbon và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) (tấn CO2/GDP) tại các nền kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022. Biểu đồ: PwC

Bên cạnh đó, hầu hết có giảm về hệ số phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam vẫn là nước phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế. Pakistan là ngoại lệ khi giảm phát thải 15% do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ toàn cầu năm 2022. Theo sau là các nền kinh tế như Singapore (10,8%), New Zealand (8,5%), Việt Nam (6,5%) và Hàn Quốc (4,4%).

Một tín hiệu tích cực là cường độ phát thải carbon tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang đi đúng hướng (tức là đang giảm). Tuy nhiên, cường độ phát thải carbon tại một nửa các nền kinh tế trong khu vực vẫn gần bằng hoặc trên mức trung bình toàn cầu.

 Cường độ phát thải các-bon (tấn CO2/GDP) (năm 2021 và 2022) và tốc độ khử các-bon (năm 2022) của các nền kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Cường độ phát thải carbon (tấn CO2/GDP) (năm 2021 và 2022) và tốc độ khử các-bon (năm 2022) của các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Biểu đồ: PwC

Nghiên cứu của PwC cũng cho thấy, sự chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp không hề dễ dàng. Do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã làm thay đổi các ưu tiên chính trị - xã hội, gây áp lực lên công chúng và các chính phủ trong việc quay trở lại sử dụng các dạng năng lượng rẻ hơn, phát thải nhiều hơn như than.

Song song với việc nhận thức được sự phức tạp của việc thiết lập và thực hiện các kế hoạch, chính sách và quy định chung, chúng ta cũng nhanh chóng cần có các cam kết mạnh mẽ hơn từ chính phủ và những sự hợp tác xuyên biên giới. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng có rất nhiều cách để tạo điều kiện và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu net zero trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Các cách để doanh nghiệp đóng góp vào tiến trình khử carbon

Chuyển từ giai đoạn thiết lập mục tiêu sang giai đoạn triển khai

Các doanh nghiệp đang cho thấy sự chậm trễ trong việc thực hiện hóa tham vọng đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không (net zero). Họ cần phải cân nhắc thực hiện phân tích tính trọng yếu kép (về tác động hai chiều giữa hoạt động của doanh nghiệp và các vấn đề phát triển bền vững), đồng thời huy động tất cả các phòng ban hướng tới việc chuyển đổi để đạt được net zero. Từ bộ phận sản xuất, mua hàng và tài chính tới bộ phận marketing, công nghệ và quản trị nguồn nhân lực, tất cả bộ máy cần chuyển đổi cách vận hành, xử lý và quản lý nhân sự cũng như các nguồn lực khác.

Ưu tiên tiến độ thay vì sự cầu toàn

Khử carbon là một quá trình mang tính dài hạn, và sẽ còn phức tạp cũng như gặp nhiều thách thức hơn nữa trong bối cảnh thị trường nhiều bất ổn. Việc phát triển bền vững và đạt mục tiêu net zero là những vấn đề phức tạp, với các tiêu chuẩn, quy định, khung triển khai, kỳ vọng, công nghệ và cơ sở khoa học liên tục thay đổi.

Để thành công trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong tư duy - từ tư duy hướng tới sự ổn định, chắc chắn sang tư duy hướng tới cách tiếp cận kiên trì và linh hoạt. Điều này sẽ mang lại cho doanh nghiệp khả năng thích ứng và tính bền bỉ trong hành trình hướng tới mục tiêu net zero.

Nhìn thấy tiềm năng kiến tạo giá trị từ quá trình khử các-bon

Nhiều công ty vẫn nhìn nhận việc phát triển bền vững và khử carbon theo góc nhìn ngắn hạn là nhằm tuân thủ các yêu cầu luật định. Điều này vô hình trung sẽ khiến doanh nghiệp đánh giá thấp các lợi ích tài chính dài hạn khổng lồ họ có thể tạo ra. Bằng cách tích hợp phát triển bền vững vào chiến lược tổng thể, mô hình hoạt động và các quy trình vận hành, doanh nghiệp có tiềm năng rất lớn trong việc tạo ra giá trị.

Hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng

Một quá trình chuyển đổi công bằng là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng các cộng đồng dễ bị tổn thương không bị bỏ lại phía sau trên hành trình hướng tới một tương lai ít phát thải carbon, và để phân bổ hợp lý các lợi ích cũng như chi phí của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) là những ví dụ điển hình trong vấn đề này. Doanh nghiệp trong nhóm này chiếm 41% GDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và 69% lực lượng lao động quốc gia. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ước tính đóng góp kinh tế của các doanh nghiệp này còn ở mức cao hơn, chiếm tới 85% lượng việc làm. Theo OECD, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu cũng chiếm tới ít nhất 50% lượng phát thải KNK của nhóm ngành kinh doanh.

Như vậy, việc chuyển đổi thành công sang trạng thái net zero tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc phần lớn vào sự tham gia tích cực của các MSME. Tuy nhiên, các MSME sẽ cần nhiều sự hỗ trợ để thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi này. Theo Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), xét theo từng doanh nghiệp riêng lẻ, các MSME thiếu các tài nguyên và nguồn lực cần thiết để đổi mới và chuyển đổi thành công sang trạng thái net zero.

Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp lớn có thể tham gia đóng góp đáng kể. Bằng cách hợp tác với chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp với quy mô lớn hơn có thể hỗ trợ các MSME triển khai các điều chỉnh cần thiết để giảm lượng phát thải Phạm vi 3 (Scope 3) xuyên suốt chuỗi giá trị.

Lộ trình tương lai cho doanh nghiệp

Các cơ hội và chiến lược kiến tạo giá trị giúp doanh nghiệp khử carbon bao gồm:

Hỗ trợ các doanh nghiệp khác giảm lượng phát thải Phạm vi 3: Áp lực từ công chúng và các nhà đầu tư về việc doanh nghiệp cần tạo tác động trong ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng tăng cao. Một trong những thử thách lớn nhất là giảm lượng phát thải Phạm vi 3, vốn chiếm tới 65-95% lượng phát thải carbon của phần lớn các doanh nghiệp.

Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình sản xuất và tiêu thụ nhằm lưu giữ tài nguyên trong vòng tuần hoàn lâu nhất có thể. Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn ước tính sẽ mang lại cơ hội thu hồi 30-50% giá trị trong việc tái sử dụng, tân trang và tái sản xuất, cũng như tạo cơ hội tăng trưởng kinh tế trị giá 324 tỷ USD cho nhóm ASEAN.

Đầu tư vào các Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS): Giải pháp dựa vào tự nhiên là các hành động doanh nghiệp có thể thực hiện để tích hợp tiềm năng của thiên nhiên vào quá trình vận hành nhằm giảm thiểu lượng phát thải, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm rủi ro về thiên tai, đồng thời mang lại các lợi ích về môi trường và xã hội, dẫn đến lợi ích tài chính. Liên Hợp Quốc ước tính rằng những giải pháp này có tiềm năng loại bỏ tới 12 tỷ tấn CO2 tương đương mỗi năm, tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu và mang lại thêm 2,3 nghìn tỷ USD giá trị tăng trưởng sản xuất cho nền kinh tế toàn cầu.

Khai thác công nghệ khí hậu: Doanh nghiệp có thể giúp tạo ra thị trường cho các giải pháp công nghệ khí hậu bằng cách trở thành những khách hàng giai đoạn đầu. Các doanh nghiệp có thể khai thác thị trường đang tăng trưởng này bằng cách thành lập một nhánh đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các công ty công nghệ khí hậu, đồng thời sử dụng sản phẩm và các dịch vụ của họ để giảm phát thải KNK. Hơn nữa, việc đưa các công ty công nghệ khí hậu vào danh mục đầu tư có thể hỗ trợ các công ty và nhà cung cấp khác trong danh mục trên hành trình hướng tới khử carbon.

Áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu: Cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đều cần đầu tư vào các biện pháp thích ứng để giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng các sáng kiến về thích ứng với biến đổi khí hậu có thể tạo ra thêm mức doanh thu trị giá 4,3 nghìn tỷ USD và 232 triệu việc làm mới vào năm 2030. Quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong các lĩnh vực như thiết kế và sáng tạo các vật liệu xây dựng mới, lập mô hình rủi ro, các hệ thống cảnh báo sớm, bảo hiểm rủi ro khí hậu, các công trình chống chịu lũ lụt và lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm việc phát triển giống và các loại cây có thể thích ứng với biến đổi khí hậu).



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024