ISSN-2815-5823
HẬU NGUYỄN
Thứ năm, 14h53 30/11/2023

Vĩnh Phúc tập trung phát triển hệ thống logistics hiện đại, bền vững

(KDPT) - Với lợi thế giáp sân bay quốc tế Nội Bài, 3 nút giao Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nguồn lao động chất lượng, Vĩnh Phúc là thị trường có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển ngành logistics hiện đại.
Dịch vụ logistics ở Việt Nam đang thay đổi, phát triển và mở rộng không ngừng. (Ảnh minh họa)

Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hoá (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Nó sẽ bao gồm các hoạt động vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu. Ngoài ra, logistics cũng sẽ kiêm luôn việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, lập kế hoạch sản xuất, đóng gói sản phẩm, dịch vụ khách hàng cho hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau.

Thực hiện Quyết định số 200/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2768 ngày 12/11/2020 về chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô hơn 83 ha với tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng; công suất thiết kế thông quan khoảng 530.000 TEU/năm, nằm tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) do Công ty Cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc (Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, 2 nhà đầu tư Singapore là YCH Group Pte LTD và YCH Holdings (Pte) LTD) làm chủ đầu tư.

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ là điểm trung chuyển hàng hoá nội địa, hàng hoá xuất nhập khẩu và những mặt hàng khác tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai và từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai.

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có 4 trụ cột chính là kết nối, bền vững, tốc độ và khả năng mở rộng, hướng tới 5 mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực.

Đây là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN có chức năng tích hợp của trung tâm phân phối và cảng cạn để cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu thị trường.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ là điểm trung chuyển hàng hoá nội địa, hàng hoá xuất nhập khẩu và những mặt hàng khác tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai và từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Việc thực hiện và phát triển Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của khu vực nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Vĩnh Phúc sẽ luôn đồng hành cùng Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn YCH để hoàn thành tiến độ của công trình theo đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phần lớn bị thu hẹp khiến dịch vụ logistics gặp không ít khó khăn. Song, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt sự đồng lòng vượt khó của các doanh nghiệp, nhất là của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics đã đưa hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm 2023. Tính đến ngày 15/11/2023, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt hơn 14,7 tỷ USD, tăng 9,71% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 12,9 tỷ USD, tăng 3,44% so với cùng kỳ.

Để doanh nghiệp tiếp cận và phát triển theo hướng logistics, hiện nay, các đơn vị doanh nghiệp xác định thị trường logistics đang chuyển dịch, chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt là phân khúc e-logistics, chuyển phát nhanh, giao hàng trọn gói.

Để hội nhập với xu hướng hiện đại hóa, logistics thông minh, áp dụng công nghệ số, MTO logistics đã và đang không ngừng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, tận dụng tối đa các cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để tạo mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Xây dựng, triển khai các giải pháp kho bãi để thích nghi với các loại hình thương mại mới như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường logistics trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng giai đoạn 1 hạ tầng logicstics ICD Vĩnh Phúc (là trung tâm logistic thông minh tầm quốc tế), kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề logistics thông suốt, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và phát triển nguồn nhân lực cho Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô, liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý, giao thông đường bộ, đường thuỷ mà còn là điểm sáng trong thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc với 452 dự án FDI và 829 dự án DDI. Trong đó, có hơn 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đến giữa tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt hơn 14,7 tỷ USD, tăng 9,71% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 12,9 tỷ USD.

Các doanh nghiệp hàng đầu lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư, phát triển thị trường ngày càng lớn về quy mô và mạnh về tài chính, điều này không chỉ thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với môi trường, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp khai thác, phát triển ngành dịch vụ logistics.

Phát huy tiềm năng, lợi thế trên, xác định logistics là ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thiểu các khâu thủ tục hành chính đảm bảo đúng theo quy định pháp luật, tập trung xây dựng và phát triển hạ tầng logistics, thu hút đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024