Chiều ngày 27/12/2022, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Họp Báo công bố thông tin số liệu thống kê kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022.

Năm 2022, cùng với cả nước tỉnh Vĩnh Phúc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phải đối mặt với những căng thẳng địa chính trị, lạm phát gia tăng, gián đoạn nguồn cung năng lượng cùng các vấn đề về biến đổi khí hậu. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán; giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng tăng cao; thời tiết diễn biến bất thường với những đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương... đã tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế.

Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 26/12/2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 39,15 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ, là mức thu cao nhất từ trước đến nay.

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời triển khai thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ để nhanh chóng khắc phục các khó khăn, đồng thời thực hiện hiệu quả “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ”. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển khả quan. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cơ bản duy trì ổn định; sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đa số tăng hơn so với cùng kỳ, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 ước tăng 9,54% cao nhất từ năm 2014 đến nay, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 17 toàn quốc. Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 ước đạt 153,12 nghìn tỷ đồng, tăng 15,78 tỷ đồng (11,5%) so với 2021. Trong đó, các lĩnh vực tăng trưởng mạnh như công nghiệp- xây dựng; thương mại - dịch vụ…

Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 26/12/2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 39,15 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ, là mức thu cao nhất từ trước đến nay.

Thu ngân sách chủ yếu tăng thu từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chiếm 74,54% thu nội địa) tăng 30,07% so với cùng kỳ; thu từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng đóng góp mức tăng là 8,26%. Thu hải quan đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 40,74% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/12/2022 đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,42% so với cùng kỳ.

Hoạt động ngân hàng, tín dụng: Tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2022 ước đạt 117,5 nghìn tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2021. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đến 31/12/2022 ước đạt 108 nghìn tỷ đồng, tăng 12,10% so với cuối năm 2021.

Thị trường lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh có sự hồi phục và phát triển trong nửa cuối năm 2022, tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Ước tính đến 31/12/2022, toàn tỉnh có 268,5 nghìn người tham gia BHXH (bao gồm: BHXH bắt buộc: 248,5 nghìn người; BHXH tự nguyện: 20 nghìn người); tham gia BH thất nghiệp có 240,7 nghìn người; tham gia BHYT có 1,13 triệu người.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 50,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,09% so với năm 2021, tăng cao nhất là khu vực vốn Nhà nước, ước đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,13%, đạt 82,51% kế hoạch năm 2022.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 ước tăng 9,54% cao nhất từ năm 2014 đến nay, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 17 toàn quốc.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh năm 2022 có sự phát triển về số vốn đăng ký mới ở khu vực đầu tư trong nước (DDI) và vốn đăng ký điều chỉnh ở khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đến ngày 15/12/2022, tỉnh đã thu hút được 28 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 nghìn tỷ đồng, bằng 56,65% so với cùng kỳ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 70 dự án FDI (31 dự án cấp mới, 39 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 462,10 triệu USD, bằng 45,09% so với cùng kỳ, vượt 2,69% kế hoạch năm.

Năm 2022, chỉ số CPI bình quân tăng 4,45% so với năm trước, là năm tăng cao nhất trong giai đoạn 2018-2022. Trong đó, nhóm giáo dục với mức tăng 16,37%. Giá xăng dầu đã lập đỉnh trong 6 tháng đầu năm và có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nhưng tính chung cả năm giá xăng vẫn duy trì ở mức cao, tăng 24,24% so với cùng kỳ, tác động làm CPI tăng 0,82 điểm %. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 11,38%, do giá nguyên vật liệu chế biển và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, làm cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,08%, tác động làm CPI chung tăng 0,73 điểm %. Giá các loại vật liệu xây dựng trong năm tăng 9,54%, tác động làm CPI chung tăng 0,19 điểm %. Ở chiều ngược lại, giá các loại thịt gia súc giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 5,49%), chủ yếu giảm ở nhóm thịt lợn và giảm sâu hơn ở các tháng đầu năm, đã tác động làm CPI chung giảm 0,33 điểm %.

Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, đã tạo bước đà quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động văn hóa, thể thao trở lại bình thường. Trong bối cảnh đó, để góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chế độ, chính sách mới được áp dụng, kịp thời giúp người dân giảm thiểu được phần nào các khó khăn, nhất là những người yếu thế, người có thu nhập thấp, nhờ đó, an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Dân số trung bình năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc ước tính 1.197,6 nghìn người, tăng 5,8 nghìn người, tương đương mức tăng 0,49% so với năm 2021. tăng cao ở khu vực thành thị (tăng 3,64%). So với năm 2021, cơ cấu dân số chuyển dịch theo xu hướng tăng dân số khu vực thành thị, giảm dân số khu vực nông thôn: Dân số khu vực thành thị là 371,4 nghìn người, chiếm 31,01%; dân số khu vực nông thôn 826,2 nghìn người chiếm 68,99% (năm 2021 là 30,07% và 69,93%). Cơ cấu chia theo giới tính không có nhiều biến động: dân số nam 597,0 nghìn người, chiếm 49,85% dân số nữ 600,6 nghìn người, chiếm 50,15% (năm 2021 là 40,84% và 50,16%).

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính có 583,9 nghìn người, tăng 0,94% so với năm 2021. Trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 575,5 nghìn người, tăng 5,5 nghìn người so với năm trước, chiếm 47,7% dân số.

Công tác giải quyết lao động, việc làm giải quyết việc làm cho 19.730 lao động, bằng 116,1% so với kế hoạch và tăng 4% so với năm 2021.

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước tính giảm còn 1,08% (giảm 0,43 điểm % so với năm 2021).

Trong năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện các cơ chế, chính sách đầu tư cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Kỳ thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp THCS, tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức thành công. Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT của tỉnh xếp thứ 2 toàn quốc, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,97%, cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tăng cường, mở rộng, đạt những kết quả cao.

Công tác phòng chống dịch Covid-19: Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 17/12/2022 số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 367,6 nghìn ca. Tổng số trẻ đã được tiêm phòng là 147,8 nghìn trẻ (đạt 93,7% trẻ trong độ tuổi), trong đó có 111,3 nghìn trẻ đã được tiêm mũi 2. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao năm 2022 được tổ chức với nhiều sự kiện lớn quan trọng của đất nước và của tỉnh: Các chuỗi sự kiện ký niệm 25 năm tái lập tỉnh; Tổ chức thành công 2 môn Muay và Golf thuộc Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Seagame 31); Các chương trình xúc tiến du lịch, quảng bá giới thiệu văn hóa, du lịch và con người Vĩnh Phúc được tổ chức với hiểu hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Tình hình tai nạn giao thông tính đến ngày 15/12/2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, làm 30 người chết và 25 người bị thương, so năm trước số vụ tai nạn giao thông đường bộ không thay dổi nhưng làm tăng 01 người chết. Về cháy nổ: từ đầu năm đến nay, trên địa bản tỉnh xảy ra 29 vụ cháy bị thường 01 người, giá trị thiệt hại trên 2,9 tỷ đồng và 1.400m rừng.

Công tác bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng Vĩnh Phúc đã phát hiện 446 vụ, xử lý 422 vụ, số tiền đã xử phạt 2,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước số vụ vi phạm môi trường phát hiện tăng 375 vụ, số vụ đã xử lý tăng 372 vụ và số tiền xử phạt tăng 1,7 tỷ đồng. Hoạt động khai khoáng giảm tới giảm hơn 40%.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 đợt mưa lớn gây thiệt hại cả về người và tài sản. Làm cho 07 người chết, 01 người bị thương; nhiều diện tích gieo trồng lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt; kênh mương bị sạt lở; giá trị thiệt hại 883,3 tỷ đồng./.