ISSN-2815-5823
Nguyễn Thùy
Thứ sáu, 10h05 23/02/2024

Vượt qua Bắc Ninh, Thái Nguyên, những địa phương nào là 'ngôi sao' thu hút FDI mới của Việt Nam?

Những năm gần đây, nhiều địa phương từng khiêm tốn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đã nổi lên như những ‘ngôi sao’ mới của doanh nghiệp ngoại. Năm 2023, Thái Bình vụt lên thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, thu hút gần 2,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 5 trong số những địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước.

Bắc Ninh, Thái Nguyên từng ‘tỏa sáng’ suốt nhiều năm khi thu hút được ‘ông lớn công nghệ Hàn Quốc’ Samsung về làm tổ. Nhưng đến nay, 2 địa phương này cũng dần phải nhường chỗ cho những cái tên khác trong bảng xếp hạng thu hút FDI vì không có quá nhiều động lực mới.

Bắc Ninh, Thái Nguyên từng ‘tỏa sáng’ suốt nhiều năm khi thu hút được ‘ông lớn công nghệ Hàn Quốc’ Samsung về làm tổ. (Ảnh minh họa)

Nhớ lại thời điểm năm 2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã chính thức được thành lập tại Bắc Ninh, số vốn đạt khoảng 9,3 tỷ USD. Động thái này đã đánh dấu một bước tiến vô cùng quan trọng của địa phương này trong việc thu hút FDI. Theo tìm hiểu, Bắc Ninh là tỉnh được ‘ông lớn xứ Hàn’ rót vốn nhiều nhất tại Việt Nam. Số vốn đầu tư tại địa phương này chiếm đến gần một nửa tổng số vốn mà Samsung đầu tư tại Việt Nam.

Nhờ dự án siêu khủng này, Bắc Ninh suốt nhiều năm sau vẫn trụ vững trong số những tỉnh thành thu hút đông đảo FDI nhất cả nước. Sau 5 năm tập trung đầu tư tại Bắc Ninh, Samsung đến năm 2013 đã gặt hái được khá nhiều thành công. Cũng trong năm này, ‘ông lớn công nghệ Hàn Quốc’ quyết định đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, giữ đúng lời hứa tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất vào những năm kế tiếp.

Những địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước từ trước đến nay. (Ảnh: Doanhnhan.vn)

Tính đến ngày 20/1/2024, Bắc Ninh đã thu hút tổng cộng khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài cùng 2.172 dự án cấp mới. Còn tại Thái Nguyên, tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh này là 10,9 tỷ USD với 235 dự án; chỉ riêng số vốn đầu tư của Samsung đã chiếm gần 7,3 tỷ USD.

Dù có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, nhưng Bắc Ninh và Thái Nguyên trong những năm gần đây đang chững lại trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong năm ngoái, Bắc Ninh xếp thứ 7 trong số các tỉnh thành đón dòng vốn FDI cao nhất cả nước, còn Thái Nguyên đã bị đẩy ‘out’ khỏi top 10.

Ngược lại, trong những năm gần đây, nhiều địa phương từng khiêm tốn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đã nổi lên như những ‘ngôi sao’ mới của doanh nghiệp ngoại. Năm 2023, Thái Bình vụt lên thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, thu hút gần 2,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 5 trong số những địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước.

Tương tự, Nghệ An trong năm 2023 cũng ghi nhận sự bứt phá ấn tượng khi thu hút hơn 1,6 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 8. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương này đang thu hút 5 đại gia công nghệ thế giới, gồm có: Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và JuTeng.

Năm 2023, Thái Bình vụt lên thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, thu hút gần 2,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 5 trong số những địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước. (Ảnh: Doanhnhan.vn)

Đáng chú ý, việc thiếu vắng những doanh nghiệp FDI mới và chủ yếu phụ thuộc vào những doanh nghiệp cũ khiến tăng trưởng GRDP của Bắc Ninh giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua, ở mức thấp nhất cả nước với mức âm 9,28%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Bắc Ninh năm 2023 cũng sụt giảm 11,2%, đứng thứ 5 trong số những tỉnh có IIP giảm mạnh nhất cả nước. Riêng ngành chế biến và chế tạo giảm 11,3% còn ngành sản xuất trọng điểm - sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học - đã giảm trên 11%.

Theo các chuyên gia, dù những địa phương này có sự tham gia từ rất sớm của các doanh nghiệp FDI lớn, nhưng việc liên kết chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài diễn ra còn chậm. Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cũng chưa được như kỳ vọng, khối doanh nghiệp trong nước còn yếu khiến tăng trưởng của địa phương nhanh chóng tụt dốc khi doanh nghiệp FDI mất đà tăng trưởng vì xuất khẩu khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, tốc độ thu hút FDI những năm qua có xu hướng tăng; tăng trưởng GDP chủ yếu phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài. Nếu lệ thuộc quá lớn mà không phát huy nội lực, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của nền kinh tế. Tính đến nay, chỉ 5% công nghệ cao được chuyển giao và 15% công nghệ trung bình, còn lại có đến hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu; thế nên sản phẩm hàng hóa xuất khẩu cũng chỉ tạo ra 20% giá trị gia tăng trong khi chỉ có 10% là giá trị nội địa.

Cần đổi mới chiến lược thu hút đầu tư FDI

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để tạo động lực cho nền kinh tế và các địa phương phát triển, Việt Nam cần đổi mới chiến lược thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang được tiến hành tái cơ cấu và các dòng FDI đang tái cơ cấu trên diện rộng, phải làm thế nào để đón được dòng FDI chất lượng cao.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Các doanh nghiệp nước ngoài cần có sự chuyển giao công nghệ, có tính dẫn dắt và lan tỏa. Việt Nam có lợi thế thu hút FDI vì chính trị ổn định, môi trường kinh doanh cũng đang ổn định vĩ mô rất tốt, lực lượng lao động trẻ cùng cơ cấu dân số vàng. Nếu có chính sách hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài và điều kiện đầu tư kinh doanh, vấn đề hạ tầng và kết nối… thì Việt Nam vẫn là điểm sáng trong mắt nhà đầu tư. Ngoài ra cũng cần đầu tư và khuyến khích nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo cũng như chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Với các địa phương cần chú trọng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thủ tục hành chính là thủ tục đầu tư, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024