Phát triển làng nghề truyền thống là một trong những mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. (Trong ảnh: Ngư dân làng nghề nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) kéo lưới)
Phát triển làng nghề truyền thống là một trong những mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. (Trong ảnh: Ngư dân làng nghề nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) kéo lưới)

Tiềm năng và thế mạnh

VKTTĐ miền Trung được thành lập theo Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. VKTTĐ miền Trung có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập với thị trường quốc tế là rất lớn. Đây còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, là bệ đỡ, cầu nối cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng còn có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp nhất Việt Nam; đặc biệt, có 3/8 di sản văn hóa thế giới và 1/9 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam. Đó là những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành du lịch, thuận lợi cho những ngành, nghề như kinh doanh bất động sản, các khu nghỉ dưỡng ven biển,... Về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, toàn vùng hiện có 4 sân bay (3 sân bay quốc tế), trong đó cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là một trong ba cảng hàng không quốc tế lớn của Việt Nam. Vùng có hệ thống cảng biển khá dày đặc, trong đó có nhiều cảng biển quan trọng, như: cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định)..., tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng và hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới. Hạ tầng công nghiệp trong vùng cũng phát triển về số lượng với 4 khu kinh tế ven biển (cả nước có 17 khu kinh tế ven biển), 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng (cả nước có 3 khu công nghệ cao) và 19 khu công nghiệp (nằm ngoài các khu kinh tế) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, triển khai thực hiện và đang kêu gọi đầu tư (cả nước có 326 khu công nghiệp). Sự nỗ lực của các địa phương trong vùng thời gian qua đã biến vùng đất nghèo khó trước đây từng bước phát triển.

Cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế
Cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế

Tạo đột phá, thúc đẩy đầu tư

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng. VKTTĐ miền Trung hiện có tỷ lệ lao động lành nghề, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thống kê năm 2019, vùng có gần 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm gần 6,8% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước); trong đó Đà Nẵng có số doanh nghiệp cao nhất (31.000 doanh nghiệp, chiếm gần 54% số doanh nghiệp của toàn vùng). Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm khẳng định thương hiệu “thành phố sự kiện”. Được biết, năm 2022, GRDP của tỉnh ước đạt 73.859 tỷ đồng, tăng 14% so năm 2021, vượt gần 7% so chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, phát triển cảng biển, du lịch, các ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ là yếu tố quyết định cho sự phát triển của các vùng. Các địa phương trong vùng đã có những thể chế mang tính đột phá, cho phép khai thác được những tiềm lực này một cách hiệu quả. Ví dụ như tại Đà Nẵng vừa qua đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Tại lễ khởi công, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: Ý nghĩa của Dự án Đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu - Phần hạ tầng dùng chung có mục tiêu nâng cấp cảng biển Liên Chiểu thông qua lượng hàng đến 5,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho cảng Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô TP. Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, như tinh thần Quyết định 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Một địa phương khác trong vùng là Quảng Nam đã đề ra nhiều chiến lược, mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước. Để đạt được mục tiêu này tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp, du lịch, thu hút đầu tư theo hướng bền vững hiệu quả, tạo môi trường công khai, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Hiện nay tỉnh Quảng Nam ngoài chú trọng đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các Khu công nghiệp phụ trợ, dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển thêm một số ngành, nghề như công nghiệp dược liệu thiên nhiên, công nghiệp chế biến sâu silica (cát trắng), công nghiệp điện – điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp cảng biển – sân bay… Để VKTTĐ miền Trung phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững, các địa phương trong vùng cần tập trung thực hiện một số giải pháp đột phá, như đẩy mạnh liên kết vùng về các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, phát triển đô thị; phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp, đóng mới và sửa chữa tàu biển; phát triển các khu kinh tế và các trung tâm thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế; phát triển các khu kinh tế biển gắn với phát triển công nghiệp biển và du lịch...