Tìm giải pháp phù hợp cho các tạp chí khoa học thuộc Vusta phát triển hiệu quả, bền vững
Thế mạnh về khoa học công nghệ cần được phát huy tối đa
Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và phố biến kiến thức Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) cho biết, trong hệ thống Liên hiệp Hội hiện có gần 70 cơ quan báo chí.
Một trong những thế mạnh của báo chí trong hệ thống Vusta là thông tin về khoa học công nghệ (KHCN), truyền thông phổ biến kiến thức KHCN, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức KHCN Việt Nam, cũng như truyền tải thông tin về các mặt của đời sống xã hội.
Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng phát triển mô hình chung cho các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội là một vấn đề không đơn giản. Bởi các tạp chí không có được sự đồng nhất về đặc thù, điều kiện trong quá trình hoạt động và phát triển (các loại hình tạp chí khoa học gồm: Tạp chí khoa học thông tin lý luận; tạp chí khoa học chuyên ngành đặc thù và tạp chí khoa học ứng dụng mang tính xã hội, đại chúng).
Hiện hầu hết các tạp chí khoa học của Vusta đều thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Đây là một khó khăn và thách thức lớn, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các tạp chí nói chung, các tạp chí thuộc Liên hiệp Hội nói riêng đang phải chịu sự tác động không nhỏ của truyền thông trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok...
Trong bối cảnh đó, thời gian qua lãnh đạo các tạp chí trong hệ thống đã tích cực đa dạng hóa các hoạt động, tạo thương hiệu, mở rộng đối tượng bạn đọc, tăng nguồn thu cho tòa soạn. Kinh tế báo chí (KTBC) có tầm quan trọng sống còn và là điều kiện quan trọng bậc nhất (sau yếu tố con người) đối với sự phát triển của tạp chí. Chính vì vậy, để tạo nguồn thu, các tạp chí đều tăng cường lập kế hoạch kinh doanh trên cơ sở pháp luật cho phép, mặc dù đây là việc làm không dễ trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.
Những khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với các cơ quan báo chí thuộc Vusta
Nhìn chung, hoạt động của các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian qua tuân thủ các quy định pháp luật trong quản lý kinh tế báo chí, trong đó đặc biệt là Luật Báo chí 2016, Luật Quảng cáo 2012, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cùng các quy định về chính sách thuế doanh nghiệp.
Nhưng điều đó không có nghĩa là các tạp chí trong hệ thống Vusta không gặp khó khăn; vấn đề kinh tế để đảm bảo duy trì hoạt động tạp chí nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vẫn là thách thức lớn và không dễ giải quyết đối với các tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hiện nay.
Theo đó, chất lượng nhiều tạp chí chuyên ngành chưa cao cũng là một thực trạng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: quy trình quản lý xuất bản chưa chặt chẽ; nhiều tạp chí chưa xây dựng được một quy trình kiểm soát chất lượng đảm bảo tính khách quan, minh bạch theo những chuẩn mực tiên tiến; rất ít tạp chí thiết lập được hệ thống thu nhận, xử lý, phản biện và xuất bản trực tuyến đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Một nguyên nhân khác khiến chất lượng xuất bản khoa học chưa cao là việc xây dựng đội ngũ chuyên gia phản biện chưa được làm tốt; chưa ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quy trình quản lý xuất bản. Những tòa soạn thành công một phần là nhờ dung hòa được các yếu tố từ phiên bản điện tử (sự lan tỏa, số lượng bạn đọc, thương hiệu tờ báo) và phiên bản báo in (có nguồn thu cao hơn).
Hướng giải pháp để các tạp chí xây dựng mô hinh hiệu quả, chất lượng
Tại hội thảo, nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập, để phát triển các tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội, điều quan trọng trước tiên là phải ổn định về luật và chính sách; đồng thời kiến nghị trong sửa đổi Luật Báo chí tới đây cần quan tâm đến đối tượng tạp chí thuộc các viện nghiên cứu ngoài công lập.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho nhân tố tốt phát triển và triệt tiêu những tiêu cực không đáng có, tăng cường chế tài xử lý sai phạm đủ nghiêm minh nhằm ngăn chặn tận gốc sai phạm trong lĩnh vực báo chí thay vì xóa bỏ các tạp chí khoa học ngoài công lập. Ngoài ra, nâng cao các yêu cẩu và điều kiện thành lập tạp chí cũng như việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan tạp chí phải có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Các cơ quan thuộc Vusta cần xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng để có thể là một đầu mối trong triển khai truyền thông chính sách, làm cầu nối cho các tạp chí của các hội thành viên với các bộ ngành, địa phương. Hỗ trợ các tạp chí của các hội thành viên xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo Thông tư 05/2024/TT-BTTTT ngày 14/6/2024. Xây dựng chương trình chung đối với phát triển hệ thống tạp chí của Vusta. Các đơn vị đều đang tự bơi, chưa có chiến lược, chưa có kế hoạch cho trung và dài hạn.
Cùng với đó, các cơ quan của Vusta cần có kế hoạch tổ chức gian báo chí tại các Hội báo toàn quốc. Điều này vừa tiết kiệm chi phí cho Vusta và các tạp chí, vừa tạo hiệu ứng đa dạng và sức mạnh của hệ thống báo chí thuộc Vusta.
Trong buổi Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bích San cho rằng, để phát triển tạp chí khoa học theo đúng nghĩa ở Việt Nam phụ thuộc vào việc chúng ta có một thể chế hiện đại phù hợp cho nghiên cứu khoa học, bảo đảm tính liêm chính khoa học.
Theo PGS. TS Nguyễn Tất Viễn, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý, Chủ tịch HĐKH Tạp chí Việt Nam hội nhập, đội ngũ nhà báo Việt Nam không thể thiếu các nhà báo công tác tại cơ quan báo, tạp chí khoa học. Bởi khoa học luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Cần một chính sách quản lý phù hợp thực tiễn mới tạo nên những hiệu quả phát triển mang tính bền vững, lành mạnh, hiệu quả cho các tạp chí trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay./.
- VUSTA đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)
- Lực lượng báo chí trong hệ thống Vusta cần sự đoàn kết, đồng lòng để đi đến thành công