ISSN-2815-5823

VUSTA: Đổi mới phương thức giáo dục phổ thông, ứng dụng AI trong các môn khoa học xã hội

(KDPT) - Ngày 30/5, tại Hà Nội, Hội thảo "Đổi mới phương thức giáo dục phổ thông, ứng dụng AI trong các môn khoa học xã hội" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, giảng viên, giáo viên phổ thông và đại diện các tổ chức liên quan đến giáo dục và công nghệ trong và ngoài ngành.

Nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức trong đổi mới giáo dục AI

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Quang Thao cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), giáo dục phổ thông đứng trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.

Sự đổi mới không chỉ nằm ở nội dung, mà quan trọng hơn là phương thức tiếp cận tri thức, phù hợp với xu thế giáo dục cá nhân hóa, linh hoạt và tích hợp công nghệ.

Hội thảo
Hội thảo "Đổi mới phương thức giáo dục phổ thông, ứng dụng AI trong các môn khoa học xã hội" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức

Cùng quan điểm này, Phó Tổng Thư kí kiêm Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế LHHVN Lê Công Lương cho rằng, giáo dục phổ thông hiện nay vẫn mang nặng tính truyền đạt một chiều, thiếu khả năng khơi dậy tư duy phản biện và sáng tạo ở học sinh. Đặc biệt, các môn khoa học xã hội như Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân tuy đóng vai trò hình thành tư duy, nhân cách, đạo đức nhưng thường bị giảng dạy khô cứng, thiếu hấp dẫn.

Việc ứng dụng AI được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho giáo dục phổ thông, giúp giảm gánh nặng hành chính cho giáo viên, giúp họ có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học; học sinh được tiếp cận kiến thức theo năng lực, phát triển kỹ năng tự học và nghiên cứu; nhà trường và xã hội nâng cao hiệu quả đào tạo, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực thích ứng với nền kinh tế tri thức.

Phó Tổng Thư kí kiêm Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) Lê Công Lương tại hội thảo
Phó Tổng Thư kí kiêm Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) Lê Công Lương tại hội thảo

Ông Lê Công Lương đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành khung hướng dẫn ứng dụng AI trong chương trình giáo dục phổ thông. Tăng cường hợp tác giữa nhà trường – doanh nghiệp – chuyên gia để phát triển các nền tảng học tập AI phù hợp thực tiễn Việt Nam. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đào tạo giáo viên, đặc biệt ở các môn khoa học xã hội. Tổ chức các cuộc thi, hoạt động trải nghiệm để học sinh ứng dụng AI trong giải quyết các vấn đề xã hội.

AI cần được kiểm soát trong giáo dục

Đến từ Khoa Triết học, Trường Đại học KHXH&NV) TS. Nguyễn Thị Như lưu ý một số công cụ AI sử dụng dữ liệu chưa kiểm chứng, có thể gây sai lệch kiến thức nếu không được kiểm soát. Hơn nữa, học sinh có thể lạm dụng AI, tra cứu máy móc, sao chép mà không phát triển tư duy độc lập. Do vậy, AI chỉ phát huy hiệu quả khi được tích hợp đúng cách, có định hướng sư phạm rõ ràng và cơ chế giám sát hợp lý.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ chưa đồng đều. Tại nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, trường học còn thiếu thiết bị như máy tính, mạng internet, bảng tương tác, phòng học thông minh... Hiện cũng chưa có nền tảng AI giáo dục được Việt hóa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một số giáo viên cũng sử dụng ChatGPT để lên ý tưởng bài giảng, xây dựng câu hỏi, cập nhật kiến thức thời sự, phân tích hiện tượng địa lý hay thiết kế bài tập luyện tập. AI còn hỗ trợ chấm bài, quản lý lớp học, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và cá nhân hóa quá trình dạy và học. Song, quá trình này cũng còn nhiều bất cập như: sự chênh lệch lớn giữa các trường về điều kiện triển khai; nhiều giáo viên tiếp cận công nghệ ở mức cơ bản, chủ yếu dùng để minh họa chứ chưa hướng đến phát triển năng lực học sinh. Việc soạn bài tích hợp AI đòi hỏi công phu hơn, đồng thời cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi giảng dạy.

Cũng tại hội thảo, Các đại biểu đều cho rằng việc đổi mới phương thức giáo dục phổ thông và ứng dụng AI vào giảng dạy các môn khoa học xã hội là xu thế tất yếu và cấp thiết. Đây là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị cho thế hệ trẻ những kỹ năng, tư duy và đạo đức phù hợp với yêu cầu của thời đại. Sự thành công của quá trình này đòi hỏi sự chung tay của các nhà quản lý, giáo viên, nhà công nghệ và toàn xã hội./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/06/2025