Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vỵ Xuyên.

Tháng 11 năm 1946, mặc dù bộn bề công việc nhưng Bác vẫn rất quan tâm đến thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Người đã viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sỹ đã hy sinh tính mạng cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà… tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sỹ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi”. Thấu hiểu sâu sắc sự hy sinh, mất mát đó, tại Hội nghị vào tháng 6/1947, tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chính phủ đã thống nhất chọn ngày 27/7 làm Ngày Thương bình – Liệt sỹ và Bác Hồ đã ký sắc lệnh này. Kể từ ngày ấy đến nay, đã 75 năm trôi qua song tình yêu thương, sự cảm thông chia sẻ của Người với những người con thân yêu đã mất một phần cơ thể, thậm chí hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân thì vẫn còn sâu đậm mãi trong lòng mỗi người con đất Việt.

Thực hiện theo di nguyện của Người, trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi người có công và gia đình người có công với cách mạng. Theo đó, các chính sách này được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện thống nhất trên cả nước, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Hàng năm, chính quyền và nhân dân cả nước luôn dành nhiều tình cảm, công sức, tiền bạc để tri ân các anh hùng liệt sỹ, tri ân các gia đình có công với cách mạng. Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm và nghĩa cử cao đẹp tỏ lòng thành kính và tri ân với các anh hùng liệt sỹ. Các nghĩa trang liệt sỹ đã được tôn tạo, nâng cấp khang trang đẹp đẽ. Thậm chí, nhiều địa danh như: Nghĩa trang Điện Biên phủ, nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược – Củ chi, Khu tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên… được xem như những địa chỉ du lịch tâm linh của những người con đất Việt.

Với cơ quan Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế và Tạp chí Kinh doanh & Tiếp thị/ Tạp chí điện tử Kinh doanh & Phát triển của chúng tôi, khi tôi đang viết những dòng chữ cuối cùng để nộp bài viết về Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 năm nay, thì các đồng nghiệp của tôi cũng đang thực hiện những chuyến thiện nguyện, tri ân gia đình liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng tại tỉnh Bình Định và Tuyên Quang.

Đã nhiều năm đi qua, vào những năm chẵn Nhà nước thường tổ chức đại lễ kỷ niệm và tri ân các anh hùng liệt sỹ. Nhưng không chỉ có thế, cứ vào dịp này hàng năm thì ngay từ đầu tháng 7, hầu khắp các địa phương trên cả nước, chính quyền và người dân đều có nhiều nghĩa cử cao đẹp. Không chỉ thông tin tuyên truyền trên các báo, đài, tạp chí chính thống, tôi đã được chứng kiến nhiều nghĩa cử cao đẹp từ bạn bè, người thân của mình. Họ hướng về các địa danh lịch sử để thăm viếng, chăm sóc phần mộ liệt sỹ; Nhóm thì đến các Trung tâm chăm sóc thương bệnh binh nặng để tri ân…

Qua những câu chuyện của người thân cũng như lướt qua dòng thời gian trên các trang mạng xã hội, tôi thấy nhiều nhóm đồng nghiệp của mình đã từng là lính, họ rủ nhau về lại chiến trường xưa để thắp cho đồng đội nén hương. Tôi đã cảm nhận được dấu chân của nữ lãnh đạo một doanh nghiệp khá lớn mình quen biết (chị là con của người lính trong đội cảm tử tiến vào giải phóng Thủ đô năm nào, đã từng đến nhiều địa danh trên cả nước để làm việc thiện, có thâm niên ra Trường Sa), lại thấy chị có mặt tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên những ngày đầu tháng 7 này. Và tôi cũng chăm chú đọc những dòng tâm sự của những người thân liệt sỹ về sự tự hào, lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước đã dành cho gia đình họ. Tôi cũng vô tình được nghe tâm sự của các bạn thanh niên tình nguyện đến nghĩa trang dọn dẹp, cắm hoa cho các phần mộ của liệt sỹ… và đứng trước mộ trong suốt buổi lễ với một lòng thành kính và biết ơn. Đi, nghe, đọc và ngẫm, tôi mới cảm nhận được thêm một phần đời sống tinh thần của người con đất Việt. Không phô trương, không ồn ào mà bằng những hành động, việc làm cụ thể của bạn bè, người thân trên khắp đất nước, tôi mới cảm nhận rõ hơn tính nhân văn, sự nhân ái của họ dành để tri ân tới những anh hùng liệt sỹ mà không phải lúc nào cũng có thể truyền tải hết thành các bài báo.

Sau đây, xin được trích lại những dòng tâm sự vô cùng xúc động của các bạn trẻ:

Bạn Vân Anh, cán bộ Agribank đã có dòng tâm sự khi chứng kiến lãnh đạo đơn vị của mình đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị xuyên:

Chúng con là thế hệ trẻ, chúng con không được chứng kiến những năm tháng chiến tranh nên cũng khó mà cảm nhận chân thực được những hy sinh. Nhưng hơn hết qua những bài học chúng con biết được rằng có một đất nước Việt Nam như ngày nay chính là nhờ các thế hệ đã chiến đấu vì độc lập tự do, vì sự bình yên cho Tổ quốc. Chúng con xin được nghiêng mình tưởng nhớ đến những chiến sỹ đã khuất, đã bị thương trong các cuộc kháng chiến bằng lòng biết ơn, sự kính trọng sâu sắc.

Hôm qua con may mắn được xem video cô trên đỉnh cao 468, nhìn cô rót rượu, châm thuốc tưởng nhớ các AHLS con thực sự ấn tượng với những gì cô đã và đang làm. Con xin cảm ơn cô đã tới thăm Hà Giang những ngày tháng 7. Chúng con những cán bộ Agribank luôn trân trọng và tự hào!

Tâm sự của các bạn thanh niên xung phong thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên:

Sau 6 ngày của chuyến tình nguyện tại xã Phú Thịnh – huyện Đại Từ, tối nay chúng tôi được tham dự chương trình “Thắp nến tri ân” tại Nghĩa trang Liệt sỹ Dốc Lim. Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia những hoạt động ý nghĩa như vậy trong suốt quãng đời sinh viên của mình. Tôi và các bạn trong đoàn đã có khoảng thời gian rất vui vẻ và đáng nhớ.

Một nhóm trong đoàn tình nguyện của tôi dự định sẽ làm một video ngắn để ghi lại quá trình của hoạt động tình nguyện cũng như những kỷ niệm của chúng tôi trong chuyến đi này, phần nào chúng tôi muốn chia sẽ tới các bạn sinh viên khóa sau có thể hiểu thêm về các hoạt động tình nguyện của Đoàn thanh niên.

Một trong những cảnh mà chúng tôi muốn ghi lại chính là cảnh thắp nến, dâng hương do chính người nhà các liệt sỹ thực hiện. Thật sự vào thời điểm ấy, một màu xanh tình nguyện đã kín khắp Nghĩa trang, để tìm được điều mà chúng tôi muốn không hề đơn giản. Sau một hồi tìm kiếm và bàn bạc chúng tôi cũng may mắn tìm được một gia đình đang chuẩn bị đồ lễ và thắp hương cho liệt sỹ. Tôi và vài người bạn đã cố gắng nói chuyện với gia đình liệt sỹ này một cách gần gũi nhất có thể. Cũng may là họ rất thân thiện nên đã tạo cho chúng tôi một cảm giác quen thuộc mà ấm áp đến nhường nào. Sau vài câu chào hỏi với người nhà, đặc biệt là con gái của liệt sỹ nằm tại phần mộ đó, thay vì được ghi hình và phỏng vấn như dự kiến thì chúng tôi lại được cô (con gái của liệt sỹ) hỏi ngược trở lại. Có lẽ cô nghi ngờ chúng tôi nên mới hỏi về công việc chúng tôi đang thực hiện, cô nói cô muốn biết mục đích của việc chúng tôi đang làm là gì? Tuy nhiên, chắc tại cái “bệnh nghề nghiệp” lâu ngày trong chuyến đi tình nguyện nên chúng tôi không hề cảm thấy bỡ ngỡ hay luống cuống về câu hỏi mà cô đưa ra và chúng tôi đã trả lời khá nhanh mà không cần suy nghĩ quá nhiều, tất nhiên cuộc nói chuyện diễn ra khá thoải mái và vui vẻ.

Thật may mắn cho chúng tôi vì sau đó chúng tôi được biết cô là một nhà báo. Cô cũng là một người con đất Thái Nguyên, đồng thời là cựu học sinh của trường THPT Lương Ngọc Quyến khóa 1979 – 1982, ngôi trường cũ của tôi. Không chỉ nói chuyện, cô còn cho chúng tôi xem một bài viết mà cô mới viết cách đấy vài tiếng, một bạn trong nhóm tôi đã đọc to bài viết ấy cho tất cả mọi người cùng nghe. Trong Nghĩa trang tối lắm, chúng tôi chỉ soi đèn pin vào chiếc Ipad của cô để cho bạn ấy đọc. Chẳng ai bảo ai, tất cả mọi người xung quanh đều im lặng lắng nghe từ đầu đến cuối, bài viết ấy thật sự rất xúc động và đều lắng lại trong mỗi người nhóm chúng tôi.

Các bạn thanh niên xung phong thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên và tác giả (bìa phải).

Dù nói chuyện vui vẻ là thế, gần gũi là thế nhưng cô chỉ cho chúng tôi chụp vài tấm ảnh về phần mộ và không muốn nói gì thêm. Cô nói rằng, chia sẻ như vậy là đủ rồi, cô cũng thấy vui vì chúng tôi đã đến thắp hương cho cha cô và những người liệt sỹ khác, vậy là cái “phóng sự” theo dự định của chúng tôi kết thúc dang dở, nhưng nhóm chúng tôi lại cảm thấy vui và may mắn vì gặp cô, được nói chuyện và được cô chia sẻ nhiều điều. Có lẽ đó cũng là cái duyên cho đến ngày hôm nay chúng tôi may mắn được gặp cô – người thổi hồn cho niềm yêu thích và đam mê về cuộc hành trình này. Trước khi chúng tôi quay lại với đoàn, cô cũng gửi lời cảm ơn chúng tôi và chúc chúng tôi sẽ góp sức thật nhiều cho Tổ quốc để không phụ những người đã hy sinh cho tương lai của chúng tôi. Buổi tối ấy có lẽ sẽ là buổi tối đáng nhớ nhất dành cho chúng tôi.

Trở về với đoàn cũng là lúc mọi người đứng vào mỗi phần mộ để chuẩn bị làm lễ dâng hương và thắp nến. Mỗi người trong nhóm chúng tôi bỗng nhiên không ai nói với ai câu nào như lúc đầu mới đến, phần là vì lễ sắp diễn ra, phần là vì câu chuyện với cô khiến chúng tôi suy nghĩ. Không khí trang nghiêm bao trùm khắp Nghĩa trang. Ở đây, có những phần mộ có đầy đủ danh tính,có những phần mộ lại chưa xác định được danh tính của liệt sỹ, giống như phần mộ nơi tôi đứng cũng là phần mộ của một liệt sỹ vô danh…

Bài hát “Bài ca không quên” vang lên suốt buổi lễ. “Bài ca tôi không quên tôi không quên, gót mòn hành quân hối hả. Làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya…” Những ca từ của bài hát cứ vang mãi và ngấm dần vào suy nghĩ của tôi. Hôm nay cũng có trăng nhưng mờ lắm. Có lẽ ngày hôm nay, để tưởng nhớ những người liệt sỹ mà trời dù mưa nhưng trăng cũng vẫn soi bóng ở nơi đây.

Tôi và các bạn thầm cảm ơn những người chiến sỹ đã hi sinh anh dũng để mang về hòa bình cho chúng tôi, cho đất nước ngày hôm nay. Tự nhủ với lòng và trước vong linh của những người liệt sỹ, chúng tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình, cống hiến cho đất nước để không phụ sự hi sinh của các anh hùng liệt sỹ.

Tác giả (bên trái) dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ.

Và tâm sự của người con liệt sỹ…

Nghe những người thân kể, từ nhiều năm nay, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã làm rất tốt công tác đền ơn đáp nghĩa với những người có công với đất nước. Ngoài việc chăm lo chu đáo cho người thân của những người trong diện chính sách theo qui định, nhiều năm nay tỉnh đã tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Dốc Lim của thành phố. Lễ tổ chức này được truyền hình trực tiếp với sự tham gia của tất cả các cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội.

Là con của liệt sỹ, tôi cũng đã thường xuyên có mặt tại nghĩa trang vào những dịp này, nhưng vì đường xá xa xôi, tôi và gia đình thường chỉ đến nghĩa trang vào ban ngày và vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật của tuần sát tới ngày 27/7. Ấy vậy mà từ trước đó cả tuần lễ, tôi đã chứng kiến đội ngũ rất hùng hậu các thanh niên tình nguyện đến từ các trường đại học, cao đẳng, từ các phường, xã trong thành phố tham gia dọn vệ sinh, quét vôi, sang sửa cảnh quan nghĩa trang và làm mới các ngôi mộ. Các nhà sư thì tấp nập chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho các liệt sỹ. Đi đến đâu cũng nghe thấy mọi người bàn tán rất sôi nổi, hào hứng khiến cho từ người già, thanh niên, con trẻ đều phấn khích và mong chờ tới ngày đó để được tham gia Lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang.

Tôi đã rất muốn chứng kiến lễ tri ân từ nhiều năm rồi nhưng đến tận năm nay mới lần đầu tiên được tham gia. Lễ tri ân không phải là năm chẵn, nhưng những điều mắt thấy tai nghe đã khiến tôi thực sự xúc động và có thêm niềm tin về thế hệ trẻ. Lúc đó là 6h30 phút tối, vừa tới nghĩa trang, tôi đã thấy không khí thật náo nhiệt. Tại khu vực đài tưởng niệm, lễ vật, hoa, nến đã được trang hoàng. Mặc dù 8 giờ tối, ban tổ chức mới làm làm lễ nhưng tôi đã thấy một rừng áo xanh, thanh niên tình nguyện đứng sẵn sàng trước các ngôi mộ liệt sỹ. Trên mỗi ngôi mộ, đều có hoa và nến được chuẩn bị để thắp sáng.

Khi gia đình tôi đang loay hoay làm thủ tục thắp hương tại mộ của bố, một nhóm các bạn sinh viên ùa đến xin phép được chụp ảnh, phỏng vấn và quay clip để các bạn ấy làm một phóng sự nhỏ. Tôi hỏi các con làm phóng sự này nhằm mục đích gì khi không phải là sinh viên báo chí? Các con đã đến nghĩa trang làm công việc này lần thứ mấy rồi? Các bạn ấy nói với tôi rằng chúng cháu làm việc này đơn giản là chúng cháu thích và để tri ân những người có công với đất nước, đồng thời muốn các bạn của chúng cháu hiểu thêm về công việc thiện nguyện hoàn toàn vì cái tâm của mình chứ không vì những mục đích vụ lợi hay cá nhân gì. Chúng tôi phỏng vấn lẫn nhau, kết bạn với nhau và chia sẻ với nhau những điều mà tôi muốn biết về các bạn trẻ, cũng như các bạn trẻ muốn biết những gì về chiến tranh, về gia đình và thân nhân của những thương binh, liệt sỹ hiện tại. Một lễ tri ân cùng những ngọn nến được thắp sáng từ tay các bạn trẻ không chỉ ở một nghĩa trang của tỉnh Thái Nguyên mà những ngày này, khắp mọi nơi trên đất nước đều có những hình ảnh đẹp như vậy. Cả một không gian tĩnh lặng thường ngày, tối nay trong một không khí trang nghiêm, những ngôi mộ được thắp sáng bởi hàng ngàn ngọn nến, đã tạo nên sự lung linh huyền ảo, đẹp đến lạ kỳ, chắc hẳn hương linh các liệt sỹ dưới mộ cũng thấy yên lòng. Một việc làm của các bạn trẻ tưởng như rất nhỏ nhưng mang một ý nghĩa rất lớn lao. Nơi đây chính là sợi dây kết nối giữa các thế hệ, đồng thời cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc từ hàng ngàn năm.

Trên đường trở về, trong đầu tôi vẫn nhớ như in hình ảnh các bạn thanh niên tình nguyện thắp nến, thành kính đứng trước những ngôi mộ của các liệt sỹ cho đến khi kết thúc buổi lễ tri ân. Dù không nói ra nhưng trong lòng tôi rất vui, phấn khởi trước những nghĩa cử cao đẹp của thế hệ trẻ ngày hôm nay./.

HỒNG CHUYÊN