Với 133 tua-bin gió, đây sẽ là dự án lớn nhất ở Đông Nam Á cho đến nay, và cũng là nhà máy điện gió đầu tiên ở CHDCND Lào.

ADB với vai trò Bên chủ trì thu xếp và bảo lãnh duy nhất đã thu xếp, cấu trúc và phân bổ toàn bộ gói tài trợ, và cũng là giao dịch tài trợ cho dự án năng lượng tái tạo hợp vốn lớn nhất giữa các quốc gia ASEAN cho đến nay. Gói tài trợ bao gồm khoản vay A trị giá 100 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB, khoản vay hợp vốn loại B trị giá 150 triệu USD, khoản tài trợ ưu đãi trị giá 60 triệu USD, khoản vay song song trị giá 382,55 triệu USD và khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu USD. Việc sử dụng nguồn tài chính kết hợp ưu đãi tiên tiến này là rất quan trọng trong việc vượt qua các rào cản về khả năng tài chính của dự án để huy động vốn thương mại.

Ông Jackie B. Surtani - Trưởng ban Tài chính Cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương thuộc Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB nhận định: “Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vốn đầu tư khí hậu cần thiết để mở đường cho tăng trưởng xanh. Sự kết hợp giữa tài trợ phát triển và thương mại của dự án này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này bằng việc huy động nguồn vốn tư nhân để phát triển tài nguyên gió thành năng lượng, giúp thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội trong khu vực. Khoản tài trợ từ ADB và các đối tác sẽ giúp khơi thông nguồn tài nguyên gió chưa được khai thác của CHDCND Lào, tạo cơ sở cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và tăng trưởng xanh, sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế”.

Cung cấp điện xuyên biên giới là một trụ cột tăng trưởng kinh tế của Lào. Việc tận dụng nguồn tài nguyên gió chưa được khai thác của Lào có thể giúp đa dạng hóa nguồn năng lượng do mùa khai thác tài nguyên gió ngược với mùa mưa, vốn hỗ trợ cho việc sản xuất thủy điện của Lào. Dự án sẽ giảm lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ít nhất là 748.867 tấn các-bon đi-ô-xít tương đương.

Khoản vay B bao gồm 100 triệu USD từ Ngân hàng Thương mại Siam và 50 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui, cũng như nguồn tài chính ưu đãi do ADB quản lý gồm 20 triệu USD từ Quỹ Cơ sở hạ tầng Khu vực tư nhân Leading Asia (LEAP) và 30 triệu USD từ Quỹ Khí hậu Ca-na-đa cho Khu vực tư nhân ở châu Á (CFPS, CFPS II). Các khoản vay song song, gồm 120 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, 100 triệu USD từ Ngân hàng Kasikorn, 72,55 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á, 60 triệu USD từ Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Thái Lan và 30 triệu USD từ Công ty TNHH Tập đoàn Tín chấp Hồng Kông (Hong Kong Mortgage Corporation Limited). Khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu USD từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) của ADB - Cửa sổ khu vực tư nhân (ADB-PSW) sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro chính của dự án, bao gồm cả rủi ro cắt giảm tiềm năng, vốn là vấn đề quan trọng về tính khả thi tài trợ đối với các bên cho vay.

Nhà phát triển dự án Công ty TNHH Impact Electrons Siam, Giám đốc điều hành Peck Khamkanist chia sẻ: “Cùng với ADB, chúng tôi thực hiện bước quan trọng này trong cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu song hành với sứ mệnh của công ty chúng tôi là nâng cao phúc lợi và hạnh phúc của các cộng đồng địa phương nơi chúng tôi làm việc. Chúng tôi cảm ơn ADB với vai trò chủ trì thu xếp và xúc tác tài trợ cho thỏa thuận này, mang lại liên kết nhiều bên cả lĩnh vực thương mại cũng như lĩnh vực phát triển.”

LEAP là quỹ do ADB quản lý, với nguồn vốn cam kết 1,5 tỉ USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Được thành lập năm 2016, LEAP tập trung cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng bền vững có chất lượng cao của khu vực tư nhân nhằm giảm lượng khí thải các-bon, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và truyền thông dễ tiếp cận với giá cả phải chăng cho các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB.

CFPS và CFPSII là các quỹ ưu đãi do ADB quản lý được thiết lập với sự đóng góp 231,5 triệu USD từ Global Affairs Canada. Các quỹ này được thiết kế để hỗ trợ khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khi hậu ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và thấp, cũng như các quốc đảo nhỏ đang phát triển có thu nhâp trung bình cao ở Châu Á và Thái Bình Dương. Các quỹ cũng tìm cách thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

ADB-PSW là một cơ chế được các nhà tài trợ ADF phê duyệt vào năm 2020 nhằm hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân tại các thị trường cận biên bằng cách cung cấp các nguồn viện trợ không hoàn lại để tài trợ cho các sản phẩm tài chính giúp giải quyết và giảm bớt các hạn chế tài chính chung đang cản trở nhiều giao dịch của khu vực tư nhân.

ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.