ISSN-2815-5823
Tiến Minh
Thứ hai, 06h06 20/05/2024

AI đã "thay đổi cuộc chơi" tài chính số như thế nào?

(KDPT) - Đi cùng với sự phát triển của công nghệ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động tài chính ngân hàng đã và đang làm thay đổi “cuộc chơi” và đưa tài chính số tới gần với người dân hơn.

AI trong dịch vụ tài chính

Theo Finastra - một trong những công ty công nghệ tài chính lớn nhất thế giới, thông qua khảo sát của mình ở một số nền kinh tế chủ chốt ở Châu Á trong đó có Việt Nam cho thấy rằng, 94% tổ chức tài chính ở Việt Nam hứng khởi với những cơ hội mà AI mang lại. Điều này được thể hiện thông qua một loạt các ứng dụng ngân hàng điện tử và ví điện tử trong thời gian qua.

Nhiều ngân hàng đã ứng dụng AI trong các hạng mục như quản lý tài sản, bảo mật, chatbot hỗ trợ khách hàng, phân tích dữ liệu hay kết nối dữ liệu...
Nhiều ngân hàng đã ứng dụng AI trong các hạng mục như quản lý tài sản, bảo mật, chatbot hỗ trợ khách hàng, phân tích dữ liệu hay kết nối dữ liệu...

Đơn cử như tại TPBank đã triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt với ứng dụng AI mà không cần giấy tờ tuỳ thân. AI có khả năng phân tích 128 tiêu chí để xác định một người trong số hàng triệu người tiêu dùng.

Tại VietinBank sử dụng các ki-ốt nhận dạng FaceID giúp tiết kiệm 30% thời gian xử lý các giao dịch. Và nhiều các ngân hàng khác đã ứng dụng AI trong các hạng mục như quản lý tài sản, bảo mật, chatbot hỗ trợ khách hàng, phân tích dữ liệu hay kết nối dữ liệu để nhận dạng các giao dịch bất thường, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Công nghệ tài chính đang làm thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng hàng ngày của người dùng.
Công nghệ tài chính đang làm thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng hàng ngày của người dùng.

Vốn là người thích tiện lợi, nhanh gọn nên chị Hoàng Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị bây giờ đưa con đi chơi hay đi mua sắm thì chỉ cần mang theo mỗi chiếc điện thoại thông minh là đủ. “Thanh toán bây giờ rất tiện lợi dù tôi có mua với bất kì giá tiền từ nhỏ nhất vài nghìn tới mấy chục triệu. Quan trọng là trong tài khoản có tiền còn không lo phải đi rút tiền mặt rồi cầm đi chơi và vừa đi vừa phải lo mất an toàn như trước nữa” - chị Phương nói.

Là một nhà đầu tư chứng khoán, anh Lê Văn Tuấn chia sẻ rằng giao dịch đã thuận tiện hơn rất nhiều, giúp cho nhà đầu tư xử lý các giao dịch và thanh toán nhanh, kịp thời điểm hơn.

Như vậy là dù với những người dân bình thường hay với nhà đầu tư thì công nghệ tài chính đang làm thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng hàng ngày của người dùng. Việc sử dụng mã QR trong thanh toán, chuyển tiền được tích cực đẩy mạnh để thúc đẩy xu hướng hiện đại này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng từ mức 50% lên mức 99%. Hệ thống ngân hàng cũng là ngành tiên phong trong chuyển đổi số với nhiều sản phẩm, dịch vụ được số hoá góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng. TS. Nguyễn Bích Ngân, Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng số, Học viện Ngân hàng thông tin thêm năm 2023 quy mô thị trường công nghệ AI trên thế giới đạt giá trị 241,8 tỷ USD và ước tính đến năm 2030 có thể đạt 738,7 tỷ USD.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN nhận định công nghệ 4.0 và nhu cầu thực tiễn của khách hàng đã mang đến những cơ hội tiềm năng cho sự phát triển của mô hình ngân hàng mở. Mặc dù vẫn còn rất nhiều thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt như các vấn đề liên quan tới bảo mật, dữ liệu, tiêu chuẩn song trong bối cảnh hiện nay ngành ngân hàng số đóng vai trò là trung tâm trong việc hội nhập với nền tài chính hiện đại trên thế giới. Theo đó, các trải nghiệm khách hàng được cải thiện, dịch vụ tài chính nhanh chóng và thuận tiện…

Thay đổi bộ mặt tài chính ngân hàng

TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) dự báo rằng, AI sẽ thay đổi bộ mặt tài chính ngân hàng trong 5-10 năm tới theo hướng tốt đẹp hơn với chi phí thấp hơn và hiệu quả cao hơn, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)

Phân tích cụ thể, TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết các lĩnh vực như thanh toán - chuyển tiền; cho vay - vay; đầu tư - tài chính cá nhân; bảo hiểm; chuỗi khối - tiền điện tử đang phổ biến nhất hiện nay của fintech. Với các lĩnh vực này đã tạo tính thuận tiện cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trước đây với những khoản vay nhỏ dưới 10 triệu đồng thường bị bỏ qua do hồ sơ phức tạp nhưng nhờ các dịch vụ của fintech đã hỗ trợ rất nhiều cho nhóm đối tượng có nhu cầu này.

Ông Lê Đăng Ngọc - Phó giám đốc Khối Nền tảng Trí tuệ nhân tạo, Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) cho biết, áp dụng chatbot khiến cho năng suất lao động tăng 200 lần. Sự thông minh của công nghệ AI khiến cho người dùng còn khó phân biệt đó là robot hay là con người; AI cũng sẽ nhớ được tất cả những dữ liệu theo tiến trình thời gian. Hay nói cách khác, AI giúp nâng cao năng lực cốt lõi cho các doanh nghiệp và chính vì thế hầu hết ngân hàng trong nước đều chạy đua trong lĩnh vực AI nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tối ưu hoá quy trình dịch vụ và tạo cơ hội trải nghiệm cho người dùng.

Đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở nhiều nước trong khu vực vẫn rất lớn và đem lại hiệu quả.
Đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở nhiều nước trong khu vực vẫn rất lớn và đem lại hiệu quả.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), dù có nhiều khó khăn song đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở nhiều nước trong khu vực vẫn rất lớn và đem lại hiệu quả. Ông Đức cho hay, tại SHB có tới 90% các giao dịch của ngân hàng đã được thực hiện qua kênh số Mobile banking Internetbanking.

Kinh tế số tại Việt Nam dự báo sẽ chiếm 20% GDP và ngành ngân hàng vẫn đang tiếp tục đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, công nghệ. Chuyên gia dự báo rằng năm 2024 và thời gian tới ngành tài chính ngân hàng sẽ càng đi sâu hơn và rộng hơn nữa trong việc ứng dụng AI/GenAI; thanh toán xuyên biên giới và hướng tới các mục tiêu của ESG, phát triển xanh và bền vững.

TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định với những mô hình mà các ngân hàng Việt Nam đang áp dụng cũng chính là xu thế toàn cầu. Trong làn sóng AI toàn cầu thì việc các ngân hàng chạy đua ứng dụng công nghệ đem lại lợi thế cạnh tranh nhất định và những nỗ lực đổi mới sáng tạo mang lại doanh thu lớn hơn và lợi nhuận cao hơn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024