Phát triển tài chính số bền vững, giải pháp nào hiệu quả?
Cơ hội mới
Dữ liệu được coi là nguồn tài nguyên quý giá mà các doanh nghiệp và cá nhân chạy đua để khai thác.
Trên thực tế, trong thời đại số hóa ngành tài chính ngân hàng việc sử dụng dữ liệu đã và đang mở ra một loạt cơ hội mới. Điều này được thể hiện từ việc phân tích dữ liệu để đưa ra các dự báo xu hướng của thị trường, từ đó nhằm tối ưu hóa quy trình dịch vụ tài chính, nâng cấp và trải nghiệm đa dạng dịch vụ cho khách hàng. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng mở ra một bức tranh tương lai rộng lớn cho ngành tài chính ngân hàng.
Dữ liệu lúc này được coi là nguồn tài nguyên quý giá của các tổ chức, doanh nghiệp bởi ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn sẽ giúp mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi cho khách hàng, đồng thời nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp.
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) nhận định, tại một số ngân hàng tỷ lệ giao dịch trên kênh số lên đến 90%, xử lý các giao dịch phức tạp thời gian giảm 2-3 lần, giảm chi phí, kiến tạo văn phòng làm việc xanh từ đó tăng khả năng tiếp cận với các nhóm khách hàng. Ông Hòa thông tin, trong năm 2023 có ngân hàng tăng hơn 2 triệu khách hàng mới nhờ chuyển đổi số.
Nhìn nhận chuyển đổi số thực sự sẽ mang tính quyết định trong việc cạnh tranh, ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông tin rằng, 90% các giao dịch của ngân hàng thực hiện qua kênh số Mobile banking Internetbanking. Ngân hàng còn tập trung phát triển rất nhiều các sản phẩm số, tự động hóa, các quy trình backoffice hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngoài ra, ông Đức cũng cho biết, ngân hàng đang tập trung vào hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, làm giàu dữ liệu để tạo tiền đề quan trọng cho kế hoạch chuyển đổi của năm 2024.
Giải pháp hiệu quả nào?
Tuy nhiên, cơ hội cũng kèm với thách thức không nhỏ cần phải có những giải pháp giải quyết kịp thời. Theo ông Lưu Danh Đức, doanh nghiệp nhiều khi bị mắc vào một cái bẫy đó là chỉ quan tâm đầu tư vào số mà quên đi nội hàm là phải có sự chuyển đổi tư duy, từ cách thức làm việc, kinh doanh, sản xuất, quản trị… Đồng quan điểm ông Trần Đăng Hòa cũng cho rằng, khi làm chuyển đổi số quan trọng nhất là không phải chỉ là chuyển đổi số cung cấp một dịch vụ mà người làm chuyển đổi số cũng phải tham gia trực tiếp vào việc đó và thay đổi tư duy. Có như vậy thì mới có kết quả.
Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân rất nổi trội đã làm ảnh hưởng tới tiền bạc, danh tiếng của doanh nghiệp và niềm tin khách hàng. Doanh nghiệp nếu chỉ bỏ tiền mua công nghệ chưa thể bảo đảm về mặt chiến lược bởi công nghệ chỉ là một trong bốn trụ cột trong việc bảo mật dữ liệu và nguồn nhân lực đi kèm vẫn rất cần thiết.
Ở góc độ là chuyên gia tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, khó khăn hiện nay còn là vấn đề pháp lý. Vị chuyên gia này dẫn chứng rằng hiện nay AI có thể được sử dụng ở nhiều lĩnh vực song về tính pháp lý vẫn có những khó khăn.
Liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay có rất nhiều văn bản pháp luật nhưng ở mỗi văn bản lại có sự chồng chéo gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp trong khi nhận thức về dữ liệu cá nhân của nhiều doanh nghiệp còn sơ khai. Bên cạnh đó, việc xây dựng báo cáo về xử lý dữ liệu cá nhân đòi hòi phải có sự tham gia của các chuyên gia pháp lý và công nghệ nhưng các nguồn lực này cũng đang thiếu ở trong các tổ chức, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và theo nhiều chuyên gia, chúng ta phải chấp nhận xu thế để có thể hành động tương thích và phòng rủi ro. Bên cạnh đó, cần xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng nhất và khó bảo mật hoàn toàn thì dù vô tình hay hữu ý cũng có thể bị lộ lọt và do vậy phải nâng cao nhận thức bảo mật dữ liệu.
Nhìn nhận ở xu hướng sắp tới trong lĩnh vực tài chính số, ông Trần Đăng Hòa dự báo ngành ngân hàng chờ đón một kỷ nguyên mới của AI & ESG. Ngành tài chính ngân hàng sau thời gian dài chuyển đổi số đã tìm ra cách thức để nhanh chóng đưa công nghệ vào hoạt động và siêu tự động hóa; Human-AI collaboration sẽ là xu hướng chuyển đổi số chính trong 2024.
Ông Lưu Danh Đức cho rằng, có 5 xu hướng cần xem xét: thứ nhất là về AI, thứ hai là an ninh thông tin (Cyber Security), thứ ba là tích hợp công nghệ, thứ tư là phân tích dữ liệu và thứ năm là chuyển đổi sang điện toán đám mây. Cũng theo chuyên gia này, AI/ML và cả Generative AI vẫn là xu hướng thống trị trong năm 2024. Thực tế từ hoạt động của ngân hàng, ông Đức cho biết cũng không nằm ngoài xu hướng này và hiện ngân hàng cũng đã tổ chức đào tạo nội bộ về AI, Blockchain…
Rõ ràng là công nghệ mới như AI, block-chain, metaverse… được sinh ra để giải quyết tốt hơn các vấn đề của công nghệ cũ và các ngân hàng đã nhanh chóng nhận ra giá trị thay đổi cách thức để thực hiện dịch vụ ngân hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các chuyên gia dự báo, năm 2024 ngân hàng sẽ ngày càng tiên phong và quyết liệt hơn nữa trong việc đưa công nghệ đến với mọi hoạt động của khách hàng như đã từng xảy ra với số hóa và tự động hóa./.
- Tài chính số - Những vấn đề tiếp sau sự bùng nổ
- Cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại vào năm 2025
- Phó Cục trưởng Cục Tin học Bộ Tài chính: Mục tiêu xây dựng xong hệ sinh thái tài chính số Việt Nam không quá tham vọng!