Đâu là giải pháp tài chính số tại Việt Nam hiện nay?
Tầm quan trọng của tài chính số
Hiện nay, dù có quy mô tương đối nhỏ so với những dịch vụ tài chính truyền thống, các dịch vụ tài chính số đang có tốc độ tăng trưởng nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực và thậm chí là ở cả những nơi tài chính toàn diện truyền thống đang chững lại hoặc là giảm sút như ở Châu Á, Châu Phi.
Cũng tương tự như các quốc gia trên thế giới, tài chính số phát triển ở Việt Nam do các làn sóng công nghệ về thanh toán kỹ thuật số, tài sản mã hóa và trí tuệ nhân tạo. Tài chính số phát triển sẽ giúp cho người dân, doanh nghiệp có thể tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, đem đến nhiều lợi ích như giao dịch nhanh hơn, hiệu quả, chi phí thấp,... Các dịch vụ tài chính số chính vì thế mà dễ dàng vươn đến các đối tượng hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù vậy, sự phát triển của tài chính số ở thị trường Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là về hành lang pháp lý, giám sát, công tác quản lý, rủi ro tội phạm,... Chính vì thế, nhận diện những thuận lợi - khó khăn - thách thức để có thể có được giải pháp thúc đẩy phát triển tài chính số ở thị trường Việt Nam trong thời gian tới là việc làm cần thiết.
Xu hướng phát triển tài chính số hiện nay
Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận về tài chính số. Đối với góc độ kỹ thuật, tài chính số (Digital Finance) chính là thuật ngữ mô tả quá trình số hóa ở trong khu vực tài chính nói chung. Và quá trình này tạo nên được nền tảng cho sự ra đời của những sản phẩm tài chính điện tử như là thẻ tín dụng (credit), thẻ chip hay trao đổi dữ liệu điện tử (electronic trading system) cùng với dịch vụ ngân hàng tại nhà (home banking),... Hơn thế, tài chính số còn giúp cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tại những vùng chưa có sự hiện diện thương mại của các định chế tài chính đối với sự hỗ trợ của điện thoại, các ứng dụng thông minh khác. Ở một số nước, người ta còn sử dụng dịch vụ thanh toán trước kèm theo dịch vụ Internet.
Còn ở góc độ dịch vụ thì tài chính số là các dịch vụ tài chính dựa trên công nghệ kỹ thuật số để giúp cho người dùng có thể tiếp cận, sử dụng. Mục đích của các dịch vụ này là nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ cũng như tính minh bạch, bảo mật cho các dịch vụ tài chính. Những sản phẩm này có thể phục vụ cho tầng lớp người nghèo trên quy mô lớn. OECD cho biết, dịch vụ tài chính số là các hoạt động tài chính sử dụng công nghệ kỹ thuật số gồm tiền điện tử, dịch vụ tài chính di động, dịch vụ tài chính trực tuyến, ngân hàng số.
Tài chính số cũng có thể bao gồm các giao dịch tiền tệ khác nhau như là gửi, rút, nhận tiền hay các sản phẩm - dịch vụ tài chính khác bao gồm thanh toán, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, lương hưu. Song song với đó cũng có thể bao gồm các dịch vụ phi giao dịch như xem thông tin tài chính cá nhân thông qua các thiết bị kỹ thuật số. Và các dịch vụ tài chính số vô cùng đa dạng, trong đó, ngân hàng di động và ngân hàng trực tuyến chính là những kênh kỹ thuật số phổ biến, được sử dụng rộng rãi đối với thanh toán, chuyển khoản trong nước.
Và trong hoạt động tài chính số, nguồn cung là những công ty trong lĩnh vực tài chính như các công ty Fintech, nền tảng cho vay ngang hàng, công ty cho vay trực tuyến, nền tảng Fintech khai thác các mạng lưới khách hàng cụ thể, công ty bảo hiểm có ứng dụng kỹ thuật số. Còn về phía cầu, dịch vụ tài chính số được sử dụng bởi người tiêu dùng thông qua các thiết bị thông minh và di động.
Ở thị trường Việt Nam, tài chính số ra đời do 3 làn sóng công nghệ chính góp phần hình thành nên hệ sinh thái. Đó là thanh toán kỹ thuật số, tài sản mã hóa, trí tuệ nhân tạo. Trong đó, các công nghệ thanh toán số có tác động mạnh mẽ nhất, đang phát triển nhanh. Còn tài sản mã hóa và trí tuệ nhân tạo mới bước đầu tạo ra được những thay đổi nhỏ ở trong hệ thống tài chính. Thanh toán số chính là mảng dịch vụ phát triển nhanh nhất với loại hình ví điện tử chiếm 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng, giá trị giao dịch.
Cơ hội và thách thức khi ứng dụng tài chính số của Việt Nam
Cơ hội khi ứng dụng tài chính số
Xét về nhận thức và quyết tâm chính trị, kịp thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi số của thế giới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương và chính sách chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xác định được rõ mục tiêu phát triển mạnh mẽ về kinh tế số.
Từ chủ trương đó mà vào ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nghị quyết cũng như chỉ thị của Chính phủ, có thể thấy Đảng và Nhà nước thể hiện quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực nhằm mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước, đặc biệt là ưu tiên phát triển 3 phương diện lớn của đất nước đó là Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Và đây chính là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển tài chính số ở Việt Nam.
Đối với hành lang pháp lý, chính sách cho phát triển tài chính số. Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nói chung và phát triển tài chính số nói riêng. Những chính sách này được đánh giá là kịp thời, phù hợp hỗ trợ tốt cho tài chính số phát triển.
Đối với điều kiện kinh tế - xã hội cho lĩnh vực tài chính số. Có thể thấy, Việt Nam đã trải qua gần 4 thập kỷ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập, trong đó khoa học, công nghệ, đổi mới đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Theo đó, chuyển đổi số được thực hiện ở nhiều ngành nghề, từ công nghệ chế biến chế tạo đến nông nghiệp, thương mại, thanh toán, vận tải, tài chính, giáo dục. Và Việt Nam là một trong những nền kinh tế có kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ 38%/năm. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi thông qua việc áp dụng công nghệ số. Và một số ngành công nghiệp ở Việt Nam đang được số hóa, trong đó bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số, fintech.
Có thể thấy, sự chấp nhận văn hóa mới về ngân hàng số, fintech tại Việt Nam đang ngày càng tăng, đặc biệt là đối với những người trẻ, có sự am hiểu về công nghệ. Và một bộ phận lớn dân số Việt Nam cũng thường xuyên mở tài khoản ngân hàng, giao dịch với ngân hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại. Điều này dẫn đến việc ngân hàng, bảo hiểm là lĩnh vực đi đầu trong việc chuyển đổi số.
Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng cho việc phát triển kinh tế số nói chung, tài chính số nói riêng tại Việt Nam được tập trung đầu tư xây dựng và ngày càng đồng bộ, hiện đại.
Thách thức của tài chính số
Ngoài những thuận lợi trên thì việc phát triển tài chính số ở Việt Nam cũng đang phải đối diện với khó khăn, thách thức. Cụ thể:
Đầu tiên là nhận thức chung của xã hội về tài chính số chưa đầy đủ. Kiến thức tài chính nói chung và tài chính số nói riêng của người dân vẫn còn thấp, chưa nhận thức được đầy đủ quyền, trách nhiệm của người tiêu dùng tài chính. Cùng với đó là chưa có cơ quản bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech vẫn còn hạn chế, đôi khi còn tạo ra lỗ hổng về bảo mật.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng tài chính số còn thiếu, chưa được liên thông toàn diện, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thông tin. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước chưa hoàn thiện dẫn đến việc quản lý dữ liệu người dùng khó khăn, hệ thống định danh cá nhân chưa hoàn thiện.
Thứ ba, hành lang pháp lý cho sự phát triển tài chính số chưa đầy đủ, chưa theo kịp với thực tiễn. Chủ trương của Nhà nước chính là tạo điều kiện cho tài chính số phát triển, tuy nhiên từ góc độ quản lý, có nhiều ý kiến còn lo ngại nếu như mở quá có thể dẫn đến rủi ro tội phạm về tài chính, rửa tiền và cạnh tranh không lành mạnh.
Cuối cùng là hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động tài chính số ở Việt Nam vẫn còn có nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Và sự liên kết, hợp tác giữa các chủ thể chính ở trong hệ sinh thái tài chính số trong cả khâu phát triển cũng như an toàn thông tin, bảo mật còn thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, thói quen và hành vi dùng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến đã tạo nên những khó khăn, thách thức khi phát triển tài chính số ở Việt Nam.
Giải pháp “gỡ rối” cho tài chính số
Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức về tài chính số. Theo đó, Nhà nước, cơ quan quản lý, tổ chức tài chính cần có sự phối hợp xây dựng một chương trình, chiến lược tổng thể, dài hạn về giáo dục và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về tài chính số. Đa dạng hóa chính thức cùng các kênh giáo dục tuyên truyền, phổ biến và đặc biệt là thông phương tiện kỹ thuật số, mạng xã hội.
Thứ hai là chủ động áp dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc phát triển tài chính số. Song song với đó là nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, Bigdata, VR/AR,... tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong việc triển khai tài chính điện tử hướng đến tài chính số.
Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xây dựng hệ sinh thái tài chính số phong phú, hiện đại ở trên mọi lĩnh vực. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập được nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên nguồn dữ liệu lớn, tài chính mở. Đến năm 2030, hình thành hệ sinh thái tài chính số phong phú và hiện đại ở trên mọi lĩnh vực, đảm bảo được tính hiệu quả, an toàn về thông tin.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm mục đích phát triển tài chính số. Cần thiết lập các quy tắc, quy định cho hệ sinh thái tài chính số. Ngoài ra cần xây dựng chiến lược phát triển, chính sách phát triển, tầm nhìn phát triển tài chính số gắn với việc phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng.
Cuối cùng là tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hạ tầng công nghệ phục vụ cho phát triển tài chính số.
Trong những năm vừa qua, tài chính số đã có bước phát triển nhất định ở Việt Nam. Để thúc đẩy tài chính số phát triển theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả mong muốn thì cần có sự nghiên cứu, đánh giá, có những giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả./.
- Tài chính số - Những vấn đề tiếp sau sự bùng nổ
- Da LAB lần đầu rap về tài chính số trong MV hợp tác cùng Home Credit
- Cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại vào năm 2025