AI – “Trợ lý” đắc lực cho người làm báo trong thời đại số
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo AI là xu hướng không thể đảo ngược mà người làm báo buộc phải tiếp cận và làm chủ. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và không ngừng biến động, việc ứng dụng AI một cách hiệu quả sẽ giúp nghề báo thích nghi, phát triển bền vững và giữ vững giá trị cốt lõi trong thời đại mới.

Theo ông Linh, báo mạng điện tử đang sở hữu nhiều ưu thế nổi bật mà các loại hình báo chí truyền thống trước đây chưa có, như khả năng cập nhật tức thời, liên kết siêu tốc, tương tác mạnh, lưu trữ không giới hạn và tích hợp đa phương tiện. Trong xu hướng đó, AI đang tạo ra những bước ngoặt quan trọng, thay đổi cách thức sản xuất, phân tích, xuất bản nội dung cũng như cá nhân hóa trải nghiệm thông tin cho từng người dùng, theo sở thích và vị trí địa lý.
“Nhiều cơ quan báo chí lớn tại Việt Nam như VnExpress, Dân trí, VietnamPlus, Nhân Dân điện tử, Thanh Niên online... đã chủ động áp dụng các công nghệ AI vào quy trình làm báo, từ tự động hóa biên tập, kiểm tra lỗi ngữ pháp, đề xuất tiêu đề, đến phân tích hành vi độc giả, nâng cao trải nghiệm cá nhân hóa”, ông Linh chia sẻ.
Tại Hội thảo, nhà báo Trần Trọng An - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Gia Đình Mới đã chia sẻ chi tiết về các xu hướng AI hiện nay và những công cụ phổ biến đang được áp dụng trong báo chí. Nội dung tập huấn được chia thành sáu phần: Tổng quan về AI, Tư duy cùng AI, Công cụ cụ thể, Những lưu ý khi sử dụng, Cách tự học AI, và Vai trò sáng tạo.
Nhà báo Trần Trọng An nhận định, AI không thể thay thế người làm báo, mà chỉ có thể hỗ trợ những ai biết cách sử dụng. Việc khai thác hiệu quả AI giống như làm việc với một “trợ lý thông minh” – người làm báo cần chủ động hướng dẫn, đưa ra yêu cầu rõ ràng, chia sẻ quan điểm và phong cách làm việc để AI hỗ trợ đúng và sát nhu cầu. "Nếu câu lệnh đầu vào mang tính chung chung, kết quả cũng sẽ mơ hồ. Người dùng cần miêu tả câu lệnh rõ ràng, cụ thể thì AI mới phát huy hết khả năng", ông An nói.

Trong quá trình ứng dụng AI, con người vẫn giữ vai trò trung tâm. Chúng ta cần biết cách sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, chứ không phó mặc hoàn toàn cho công nghệ. Người làm báo mới là người quyết định cuối cùng đâu là nội dung chính xác, đáng tin cậy để chia sẻ với công chúng.
“AI có thể giúp tăng tốc độ xử lý thông tin và hỗ trợ viết nhanh, nhưng chắc chắn không thể thay thế cảm xúc, chiều sâu và bản sắc cá nhân trong từng tác phẩm báo chí. Các công cụ AI nên được xem là nguồn cung cấp “nguyên liệu thô” hoặc thực hiện những thao tác kỹ thuật còn phần sáng tạo, biên tập và truyền tải thông điệp mới là công việc của người làm báo”, nhà báo Trần Trọng An cho biết.
Kết thúc chương trình, ThS. Lê Thanh Tùng - Trưởng ban Phổ biến Kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam ghi nhận sự đóng góp nhiệt tình của giảng viên cùng sự tham gia tích cực của các phóng viên. Ông kỳ vọng những kiến thức thu nhận được sẽ không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà sớm được chuyển hóa thành hành động thực tiễn trong công việc hằng ngày, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong toàn ngành.
Theo ông Tùng, hội thảo không chỉ là dịp để cập nhật công nghệ mới, mà còn là cơ hội để nhìn lại vai trò của người làm báo trong thời đại AI. Dù công nghệ ngày càng thông minh và hỗ trợ hiệu quả, nhưng chính con người mới là nhân tố quyết định cuối cùng trong việc tạo nên những nội dung giàu cảm xúc, có chiều sâu và mang giá trị xã hội. AI có thể là công cụ hữu ích, nhưng đạo đức nghề nghiệp, tư duy phản biện và năng lực sáng tạo vẫn là nền tảng không thể thay thế của nghề báo./.