ISSN-2815-5823
Thứ ba, 10h24 26/01/2021

Anh xây dựng hệ thống theo dõi tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại nơi làm việc

(KDPT) – Người sử dụng lao động ở Vương quốc Anh đang thiết lập hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) tại nơi làm việc để theo dõi xem ai đã được tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Điều này được bộ phận nhân sự sử dụng để đánh giá khả năng sẽ tuyển dụng ai.

Theo The Guardian, một số công ty tuyên bố sẽ sa thải hoặc từ chối thuê những người không dùng vắc-xin Covid-19, còn các công ty khác đang thiết lập hệ thống CNTT để tạo một mẫu “giấy thông hành” vắc xin để theo dõi số lượng nhân viên đã tiêm chủng vắc xin.

Trong tháng này, Workday – công ty cung cấp phần mềm tính lương và nguồn nhân lực khác cho 1.300 công ty ở Anh, và BrightHR – đơn vị làm việc với 70.000 doanh nghiệp nhỏ trên khắp thế giới, đã tung ra các công cụ giám sát việc tiêm chủng.

Cho đến nay, công cụ giám sát vắc-xin (VaccTrak) của BrightHR đã được 1.200 người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội sử dụng để thông báo cho khách hàng của họ rằng họ đã được tiêm chủng phòng ngừa Covid-19.

James Potts – Giám đốc dịch vụ pháp lý của BrightHR cho biết: “Có rất nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết theo cách của chúng tôi. VaccTrak là một tính năng mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ cung cấp cho những nhà tuyển dụng sự hỗ trợ vô giá”.

Ông cho biết hệ thống đã cung cấp một cơ sở dữ liệu cho các nhà tuyển dụng, cũng như các khóa học trực tuyến về vắc-xin, “nhằm xóa tan mọi lầm tưởng”.

Cho đến nay, công cụ giám sát vắc xin (VaccTrak) của BrightHR đã được 1.200 người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội sử dụng để thông báo cho khách hàng của họ rằng họ đã được tiêm chủng phòng ngừa Covid-19. (Ảnh: Theguardian).

Ông nói: “Chúng tôi đang giúp các nhà tuyển dụng xác định chính sách của họ về vắc-xin. Chúng tôi không ra lệnh hay đưa ra bất kỳ những phán xét đạo đức nào. Chúng tôi cũng không quyết định hộ khách hàng của mình, chúng tôi chỉ muốn giúp họ thực hiện các chính sách”.

Các doanh nghiệp muốn sử dụng các công cụ để truyền tải tới khách hàng hoặc nhân viên mới rằng tất cả nhân viên hiện tại của họ đã được tiêm phòng, theo Potts thì điều này cho phép họ đưa nhân viên trở lại văn phòng mà không cần có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nào.

Trong trường hợp một nhân viên nói: Không, tôi sẽ không chấp nhận nó và tôi muốn bạn giữ nguyên các biện pháp kiểm soát đó’, thì tôi đã nghĩ tới một câu trả lời các doanh nghiệp có thể đưa ra là: Ồ, nhưng chúng tôi lại cho rằng đó mới là một cách quản lý hợp lý đấy, Potts nói.

Một số công ty đã thông báo rằng họ sẽ có một đường lối cứng rắn. Một công ty hệ thống ống nước ở London cho biết họ sẽ viết lại các hợp đồng hiện có để công nhân có nghĩa vụ phải tiêm chủng vắc-xin, ngay khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi.

Trong khi đó, Barchester Healthcare – công ty điều hành hơn 200 nhà chăm sóc ở Anh, cho biết họ sẽ không thuê bất kỳ ai đã từ chối tiêm chủng vắc-xin nếu không có lý do y tế chính đáng.

Tuy nhiên, theo Jeremy Coy – một luật sư làm việc tại Công ty Luật hàng đầu nước Anh, Russell-Cooke, thì các công ty sa thải hoặc bỏ mặc nhân viên từ chối tiêm chủng vắc-xin có thể sẽ bị tuyên bố phân biệt đối xử hoặc sa thải người lao động một cách không công bằng.

Các nhân viên cũng có thể khiếu nại về hành vi phân biệt đối xử đó vì lý do tôn giáo, nếu họ tin rằng bản chất của vắc-xin là không phù hợp với đức tin của họ hoặc khiến cơ thể suy nhược, nếu họ có bằng chứng vắc-xin gây ra tác dụng phụ có hại cho họ, Coy nói.

Tuy nhiên những người lao động làm việc ít hơn 2 năm không thể đưa ra các khiếu nại về việc sa thải không công bằng, mặc dù họ có thể bị phân biệt đối xử.

“Nhưng nếu một nhân viên đã ở đó hơn 2 năm và nhận được câu nói: Hãy tiêm phòng hoặc nghỉ việc’, thì tức là họ đang đối mặt với việc sa thải không công bằng, Coy nói.

Một trong những vấn đề đối với người sử dụng lao động là cho đến nay có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy có loại vắc-xin nào ở Anh ngăn ngừa được sự lây truyền của dịch bệnh, điều này làm cho lập luận về việc vắc-xin giúp khách hàng hoặc nhân viên của công ty được an toàn hơn trở nên suy yếu.

Cho đến nay chính phủ đã loại trừ việc thực hiện “giấy thông hành” vắc-xin trong việc được đi du lịch nước ngoài vì thiếu bằng chứng cho việc lây nhiễm.

Ben Willmott – người đứng đầu chính sách công tại Hiệp hội nhân sự CIPD (Học viện nhân sự và phát triển Chartered, một hiệp hội chuyên nghiệp cho các chuyên gia quản lý nguồn nhân lực) cho rằng các nhà tuyển dụng nên cố gắng thuyết phục những người lao động hơn là ép buộc họ một cách miễn cưỡng.

Ông nói: “Phương pháp của người sử dụng lao động đang khá giống với cách mà nhiều người đã áp dụng với vắc-xin cúm: giáo dục, khuyến khích và cố gắng xây dựng lòng tin. Nhưng các nhà tuyển dụng nên tiếp tục làm cho nơi làm việc của họ trở nên an toàn và thực hiện các điều chỉnh hợp lý hơn cho những nhân viên có thể gặp rủi ro, và cho phép mọi người làm việc tại nhà nếu họ muốn”.

THÚY HIỀN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024