ISSN-2815-5823

Bản tin kinh tế - tài chính ngày 11/12: "Ông lớn" tài chính Nhật Bản muốn mua 35% vốn công ty con 5 ngày tuổi của FPT

(KDPT) - "Ông lớn" tài chính Nhật Bản muốn mua 35% vốn công ty con 5 ngày tuổi của FPT; HDBank sắp huy động thêm 3.000 tỷ đồng từ trái phiếu; Cổ phiếu VinFast tăng "bốc đầu" hơn 32% chỉ sau một tháng, điều gì đang xảy ra?... là những thông tin quan trọng trong bản tin kinh tế - tài chính ngày hôm nay (11/12).

"Ông lớn" tài chính Nhật Bản muốn mua 35% vốn công ty con 5 ngày tuổi của FPT

Theo Nikkei Asia, tập đoàn SBI Holdings đang cân nhắc đầu tư vào mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu tại Nhật Bản của Tập đoàn FPT vào cuối tháng 1/2025. Mục tiêu là nắm giữ lượng cổ phần lên tới 35%.

FPT Smart Cloud Japan, công ty vừa ra mắt vào ngày 5/12/2024, sử dụng máy chủ được trang bị bộ xử lý đồ họa của nhà sản xuất chip NVIDIA để cung cấp dịch vụ đám mây cho các doanh nghiệp Nhật Bản và các khách hàng khác, dự kiến bắt đầu từ tháng 2/2025.

Bản tin kinh tế - tài chính ngày 11/12:

FPT sẽ đầu tư 200 triệu USD vào các doanh nghiệp liên quan đến AI tại Nhật Bản và SBI Holding sẽ cung cấp một phần số tiền này. Ngoài ra, SBI Holding sẽ tham gia vào việc bảo trì và vận hành các trung tâm dữ liệu thông qua công ty con SBI BITS, doanh nghiệp trung tâm dữ liệu AI đầu tiên của tập đoàn.

Những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực AI tạo sinh và các công nghệ khác đã làm tăng đáng kể lượng dữ liệu được tạo ra từ các hoạt động cá nhân và doanh nghiệp. SBI nhận định rằng AI sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong xã hội, đồng thời hỗ trợ tập hợp các doanh nghiệp bán dẫn liên quan tại Nhật Bản.

SBI Holdings là một tập đoàn tài chính hàng đầu tại Nhật Bản, thành lập năm 1999, trụ sở tại Tokyo. Tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đầu tư tài chính, ngân hàng trực tuyến, bảo hiểm và công nghệ blockchain, nổi bật là đơn vị tiên phong trong tích hợp blockchain và tiền mã hóa vào dịch vụ tài chính. SBI Holdings hiện sở hữu tổng tài sản hơn 80 tỷ USD và doanh thu khoảng 5,8 tỷ USD (2023), được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo.

Trong quá khứ, SBI Holdings và FPT đã có một số hợp tác đáng chú ý. Năm 2007, hai bên cùng thành lập Quỹ Đầu tư Việt Nhật trị giá 100 triệu USD, nhằm đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin.

Đến năm 2019, hai bên ký kết bản ghi nhớ chiến lược và đầu tư 3 triệu USD vào startup Utop, một ứng dụng blockchain do FPT phát triển, hoạt động trong lĩnh vực kết nối mạng lưới doanh nghiệp và quản lý hệ thống điểm thưởng.

Ngoài ra, SBI hiện còn đầu tư vào trang thương mại điện tử Sendo, Chứng khoán FPTS, FPT Capital hay TPBank. Đây đều là các doanh nghiệp do FPT sáng lập.

Eximbank huy động 180 tỷ đồng từ trái phiếu

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa có văn bản số 10962/2024/EIB-TGĐ công bố thông tin kết quả phát hành trái phiếu của ngân hàng.

Theo đó, ngày 29/11/2024 Eximbank đã phát hành lô trái phiếu mã EIBH2429004 gồm 180 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 180 tỷ đồng, hoàn tất phát hành ngày 2/12/2024. Với kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 6,4%/năm, lô trái phiếu dự kiến đáo hạn ngày 29/11/2029.

Đây là lô trái phiếu thứ 4 được Eximbank phát hành trong năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại.

Trước đó, ngày 27/11/2024 Eximbank cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu EIBH2429003 ra thị trường trong nước. Khối lượng phát hành 1.400 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành lên đến 1.400 tỷ đồng. Với kỳ hạn 8 năm, lãi suất cố định 6,4%/năm, lô trái phiếu dự kiến đáo hạn ngày 27/11/2029. Các thông tin khác về trái chủ, mục đích phát hành,... không được công bố.

Ngày 12/11/2024 Eximbank đã phát hành thành công 400 trái phiếu mã EIBL2426002 ra thị trường trong nước. Với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 400 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 5,3%/năm, dự kiến đáo hạn ngày 12/11/2026.

HDBank sắp huy động thêm 3.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank, MCK: HDB, sàn HoSE) vừa công bố Quyết định số 429/2024/QĐ-HĐQT ngày 9/12/2024 về việc thông qua phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu HDBank lần 4 năm 2024 để huy động vốn.

Theo đó, tổng giá trị trái phiếu HDBank dự kiến phát hành tối đa 3.000 tỷ đồng, được phát hành tối đa 10 đợt. Mục đích phát hành trái phiếu lần này của HDBank nhằm huy động nguồn vốn để phục vụ nhu cầu cho vay khách hàng có dự án đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Khung tài chính bền vững và các văn bản khác có liên quan của HDBank theo từng thời kỳ.

Cùng chiều diễn biến, trước đó ngày 27/11/2024 HDBank đã phát hành thành công lô trái phiếu HDBL2432024 ra thị trường trong nước. Khối lượng phát hành 10.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành lên đến 1.000 tỷ đồng.

Với kỳ hạn 8 năm, lãi suất thả nổi 7,47%/năm, lô trái phiếu dự kiến đáo hạn ngày 27/11/2032. Các thông tin khác về trái chủ, mục đích phát hành,... không được công bố.

ABBank chi thêm 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa có văn bản số 4936/CV-TGĐ.24 công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.

Theo đó, ngày 6/12/2024 ABBank đã mua lại lô trái phiếu ABBL2325007 trước hạn 1 năm. Được biết, lô trái phiếu này do ABBank phát hành ngày 6/12/2023, gồm 1.000 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, dự kiến đáo hạn ngày 6/12/2025.

Cùng chiều diễn biến, mới đây ngày 2/12/2024 ABBank đã thực hiện mua lại toàn bộ lô trái phiếu mã ABBL2325006 trước hạn. Được biết, lô trái phiếu gồm 500 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 500 tỷ đồng, được ABBank phát hành ngày 30/11/2023, kỳ hạn 2 năm, dự kiến đáo hạn ngày 30/11/2025.

Ở chiều ngược lại, ngày 28/11/2024 ABBank đã phát hành thành công lô trái phiếu mã ABBL2426002 gồm 200 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 200 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, dự kiến đáo hạn ngày 28/11/2026.

Liên quan đến trái phiếu ABBank, trung tuần tháng 11 vừa qua, ngân hàng này đã công bố Nghị quyết của HĐQT về việc phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2024.

Cổ phiếu VinFast tăng "bốc đầu" hơn 32% chỉ sau một tháng, điều gì đang xảy ra?

Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 9/12 tại Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, sau hơn 1 tiếng, thị giá của VFS đã tăng gần 5% đạt mức giá 5,13 USD/cổ phiếu. Có lúc trong phiên sáng cổ phiếu này đã tăng gần 10% lên 5,36 USD/cổ phiếu.

Nhìn xa hơn, chỉ trong vòng một tháng vừa qua cổ phiếu VinFast đã tăng 32%. Với mức giá cổ phiếu  hơn 5 USD, vốn hóa thị trường của hãng xe điện này đã đạt mức 11,9 tỷ USD, xếp thứ 6 trong các hãng xe điện trên toàn cầu.

Cổ phiếu VinFast tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây đến từ những tín hiệu khả quan trong hoạt động kinh doanh. Ngày 8/12, Tập đoàn Vingroup đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh để tổ chức khởi động dự án xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh. Đây cũng là nhà máy ô tô điện VinFast thứ hai của tập đoàn này tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, dự án nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast tại Khu kinh tế Vũng Áng được xây dựng trên diện tích hơn 36 ha với tổng vốn 7.300 tỷ đồng, do CTCP đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này sẽ cho VinFast thuê dài hạn. Dự án này có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000 xe/năm và có thể nâng lên 600.000 xe/năm. Dự án giúp tạo ra tới 15.000 việc làm trong các giai đoạn tiếp theo./.




Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/12/2024