Bản tin kinh tế - tài chính ngày 17/11: LPBank bất ngờ muốn chuyển trụ sở chính, sẽ mua 5% vốn cổ phần FPT
LPBank bất ngờ muốn chuyển trụ sở chính, sẽ mua 5% vốn cổ phần FPT
Ngày 16/11, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - LPB) đã họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 tại Ninh Bình.
Tại ĐHĐCĐ, ngân hàng trình cổ đông thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, trình về việc góp vốn, mua cổ phần, trình bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, trình miễn nhiệm thành viên HĐQT.
Cụ thể, ngân hàng trình đại hội phê duyệt việc chuyển địa điểm trụ sở chính hiện tại của LPBank từ LPB Tower, số 210 đường Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội sang một địa điểm khác trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Địa điểm cụ thể sẽ được uỷ quyền cho HĐQT LPBank toàn quyền quyết định.
Đây là Tờ trình mới được cập nhật ngay tại Đại hội ngày 16/11.
LPBank cho rằng, sự dịch chuyển này cũng là xu thế của ngành ngân hàng trong việc xây dựng chiến lược tập trung phát triển đặc biệt là ở vùng nông thôn, đô thị loại 2 góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách toàn diện, đồng đều trên cả nước phù hợp với định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.
Lãnh đạo LPBank cho biết, hiện nay, trong xu thế phát triển mới, cả nước đang tích cực và nỗ lực xây dựng quy hoạch tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn, chính sách hỗ trợ/ưu đãi đối với các doanh nghiệp có Trụ sở chính đặt tại địa phương và khu vực.
Để có thể tập trung phát triển kinh tế kết hợp với cải thiện đời sống cho nhân dân trong địa bàn, các địa phương đang cần có nhu cầu vốn lớn để phục vụ đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này rất cần các Ngân hàng có uy tín chuyển Trụ sở chính về đặt tại địa phương để từng bước hình thành trung tâm tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, LPBank dự kiến đầu tư tối đa 5% vốn điều lệ của CTCP FPT. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 và 2025 và/hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
FPT hiện có vốn điều lệ 14.604 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT hiện có giá 133.800 đồng/cp.
Như vậy, nếu mua tối đa 5% vốn cổ phần của FPT, LPBank sẽ mua khoảng 73 triệu cổ phiếu FPT. Ước tính theo thị giá hiện tại, ngân hàng có thể phải bỏ ra khoảng 9.800 tỷ đồng.
Agribank đang bỏ xa nhóm Big4 về lãi suất huy động
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa tăng lãi suất huy động với mọi kỳ hạn, trở thành ngân hàng duy nhất trong số các ngân hàng thương mại có hai lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng 11.
Theo đó, Agribank tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn, với mức tăng 0,2%/năm kỳ hạn 1-5 tháng, tăng 0,1%/năm kỳ hạn 6-36 tháng.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến do Agribank niêm yết ngày 15/11, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 2,4%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 2,9%/năm.
Lãi suất ngân hàng các kỳ hạn từ 6-9 tháng khi gửi tiền trực tuyến tại Agribank tăng lên 3,6%/năm, kỳ hạn 12-18 tháng tăng lên 4,8%/năm và kỳ hạn 24 tháng tăng lên 4,9%/năm. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất tại Agribank kể từ đầu năm 2024.
Nhìn lại các lần tăng lãi suất của Agribank, từ tháng 8, nhà băng này đã tăng 0,2%/năm kỳ hạn 1-2 tháng, tăng 0,3%/năm kỳ hạn 3-5 tháng và tăng 0,1%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng.
Tháng 9, Agribank tăng 0,2%/năm với kỳ hạn tiền gửi 1-2 tháng và tăng 0,3%/năm với tiền gửi kỳ hạn 3-5 tháng.
Tháng 10, Agribank tiếp tục tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1-5 tháng, đồng thời giảm 0,1%/năm các kỳ hạn từ 6-11 tháng.
Sang tháng 11, ngày 7/11, "ông lớn" này tăng 0,3%/năm lãi suất ngân hàng các kỳ hạn 6-9 tháng. Tiếp đến, ngày 15/11, Agribank điều chỉnh tăng đồng loạt ở các kỳ hạn như đã nói ở trên.
Trong khi Agribank tăng lãi suất huy động 4 tháng liên tiếp gần đây (nhưng chỉ lần gần nhất nhà băng này mới tăng với mọi kỳ hạn), 3 ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 là VietinBank, BIDV và Vietcombank vẫn giữ nguyên biểu lãi suất.
Điều này khiến chênh lệch lãi suất huy động tại Agribank ngày một nới rộng so với 3 ngân hàng còn lại, nhất là ở các kỳ hạn dưới 24 tháng.
Nộp bổ sung 8,5 tỷ đồng, VIB nâng tổng số tiền thuế đã đóng năm 2023 lên 3.102 tỷ đồng
Theo văn bản của Cục thuế Doanh nghiệp lớn ngày 11/11/2024, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đã hoàn tất nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước 8,5 tỷ đồng tiền thuế cho các năm 2022 và 2023. Việc hoàn tất nộp bổ sung nâng tổng tiền thuế đã nộp cho năm 2023 của VIB lên 3.102 tỷ đồng.
Được biết, VIB là một trong những doanh nghiệp có thành tích đóng góp thuế rất lớn cho ngân sách quốc gia, VIB nhiều năm liên tục nhận bằng khen về "Thành tích cao trong công tác thu, nộp ngân sách nhà nước của TP.HCM".
Trong năm 2024, VIB được vinh danh là 1 trong 4 ngân hàng tư nhân đóng góp ngân sách lớn nhất và đứng thứ 11 trong danh sách toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Kể từ khi chuyển đổi mô hình kinh doanh từ năm 2017, chỉ trong 7 năm, tổng đóng góp vào ngân sách nhà nước của VIB đạt hơn 11.900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình gần 40%/năm.
Về hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính quý III/2024 của VIB cho thấy, doanh thu 9 tháng năm 2024 đạt 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản VIB đạt hơn 445.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm.
Sau 9 tháng đầu năm 2024, VIB đạt tổng doanh thu 15.300 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần giảm 9% so với cùng kỳ. NIM duy trì ở mức 4%.
Thu nhập ngoài lãi 9 tháng đầu năm của VIB đạt 3.500 tỷ, tăng 5% và đóng góp vào 23% tổng doanh thu của ngân hàng. Trong đó, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ; hoạt động ngoại hối hơn 450 tỷ đồng, tăng 49%. Thu nhập từ phí đạt 2.100 tỷ đồng với 2 sản phẩm chính là thẻ tín dụng và bảo hiểm.
Chi phí hoạt động của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ. Hệ số hiệu quả chi phí (CIR) của ngân hàng tăng lên mức 36%.
Novaland vừa bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc mới
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, MCK: NVL, sàn HoSE) vừa có văn bản công bố thông tin liên quan đến Nghị quyết HĐQT và thông báo thay đổi nhân sự của công ty.
Theo đó, HĐQT Novaland quyết định bổ nhiệm ông Cao Trần Duy Nam và bà Trần Thị Thanh Vân giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty kể từ ngày 15/11/2024.
Ông Cao Trần Duy Nam và bà Trần Thị Thanh Vân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn của chức danh Phó Tổng Giám đốc công ty theo sự phân công của Tổng Giám đốc, theo quy định của pháp luật, Điều lệ Công ty và các quy đinh nội bộ khác có liên quan của Công ty.
Được biết, trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc công ty, ông Nam và bà Vân đều không giữ chức vụ gì tại Novaland.
Một ngân hàng chuẩn bị trả cổ tức tỷ lệ 25%
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank - Mã: VBB) thông báo 29/11 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%.
Theo đó, Vietbank sẽ phát hành gần 142,8 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn phát hành đến từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tới ngày 31/12/2023.
Sau phát hành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm gần 1.428 tỷ đồng, lên mức 7.139 tỷ đồng.
Theo ngân hàng, phần vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng cho việc đầu tư tài sản, bổ sung nguồn vốn để phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động và sinh lợi cho hoạt động kinh doanh Vietbank. Thời gian dự kiến hoàn tất chậm nhất vào cuối năm 2024./.
- Hơn 2 tỷ USD tổng kim ngạch XNK qua cửa khẩu Lào Cai trong 10 tháng đầu năm
- Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định mới về lãi suất tiền gửi có hiệu lực từ ngày 20/11
- SSI Research dự báo lợi nhuận quý IV của 3 ngân hàng tăng bằng lần