Bản tin kinh tế - tài chính ngày 24/11: Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN
Vietjet khai trương đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, tăng cường kết nối khu vực ASEAN
Ngày 23/11/2024, Vietjet đã chính thức khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam - Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á. Sự kiện diễn ra với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân chuyến thăm chính thức Malaysia.
Việc mở đường bay mới diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển mới. Kết nối 2 thủ đô, đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur sẽ tăng cường mạng lưới hàng không khu vực và tạo thêm giá trị hợp tác kinh tế, văn hóa.
Với 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần, đường bay mới Hà Nội - Kuala Lumpur sẽ phục vụ hành khách kể từ ngày 28/11/2024. Đây là đường bay thứ 2 kết nối Việt Nam và Malaysia của Vietjet, sau đường bay TP.HCM - Kuala Lumpur khai trương từ năm 2016.
Với đường bay mới này, Vietjet sẽ tăng gấp đôi số lượng chuyến bay giữa Việt Nam và Malaysia, lên 14 chuyến khứ hồi mỗi tuần, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng giữa 2 nước.
Vietnam Airlines Group tăng thêm 650.000 chỗ phục vụ Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam trong giai đoạn từ 13/1 đến 12/2/2025.
Đợt tăng chuyến này sẽ nâng tổng số ghế toàn mạng bay nội địa của Vietnam Airlines Group lên hơn 2,15 triệu ghế, tương đương hơn 11.000 chuyến bay.
Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay phục vụ nhu cầu về nhà đoàn viên và du xuân dịp Tết như giữa Hà Nội và TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vinh; giữa TP.HCM và Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Pleiku, Chu Lai, Đồng Hới, Vinh...
Theo ghi nhận của các hãng, nhiều chuyến bay dịp Tết nguyên đán hiện nay có tỷ lệ lấp đầy chỗ đến 70% - 80%, trong đó, tập trung trên các chuyến từ TP HCM đi các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai, Đồng Hới... Lượng khách được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng tới.
Vietnam Airlines Group cũng lên phương án thuê thêm bốn máy bay Airbus A320/A321, trong đó có hai máy thuê ướt (bao gồm tổ bay) để phục vụ cao điểm Tết. Mỗi máy bay dự kiến khai thác 180 chuyến trong dịp này.
Trước đó, từ tháng 9, Vietnam Airlines Group đã mở bán gần 1,5 triệu chỗ toàn mạng bay nội địa cho dịp Tết để phục vụ nhu cầu mua vé sớm của hành khách.
Vĩnh Phúc và Vingroup ký hợp tác chuyển đổi xanh
UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký hợp tác Tập đoàn Vingroup nhằm phát triển kinh tế bền vững và cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh.
Ngày 23/11, lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị "Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững". Hoạt động hướng tới mục tiêu khai thác tối đa thế mạnh mỗi bên để thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại địa phương, góp phần giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero).
Theo biên bản hợp tác, hai bên sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh giai đoạn 2025-2030. Các lĩnh vực trọng tâm chuyển đổi bao gồm: du lịch xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh, giao thông xanh, lối sống xanh.
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ chương trình "Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh" do Vingroup phát động. Các hoạt động trong chương trình gồm: nghiên cứu, giới thiệu các vị trí lắp đặt trạm sạc; tạo điều kiện để người dân, công chức, viên chức trong tỉnh chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện, xe máy điện.
Đồng thời, tỉnh và doanh nghiệp tạo điều kiện phát triển du lịch thân thiện môi trường, sử dụng xe điện phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh theo quyết định của phủ Thủ tướng.
Ngoài ra, hai bên cũng tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc tham gia chuỗi cung ứng của VinGroup, đồng thời thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thương mại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
TPBank huy động thêm 38,4 tỷ đồng từ trái phiếu
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố thông tin kết quả phát hành trái phiếu của ngân hàng.
Theo đó, ngày 19/11/2024 TPBank vừa phát hành thành công lô trái phiếu mã TPBL2434026 gồm 384 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 38,4 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 10 năm, lãi suất thả nổi 6,88%/năm, dự kiến đáo hạn ngày 19/11/2034.
Trước đó 1 ngày, TPBank đã tiến hành mua lại một phần lô trái phiếu TPBL2333005 trước hạn, khối lượng mua lại tính theo mệnh giá là 34,6 tỷ đồng, đưa khối lượng còn lưu hành tính theo mệnh giá của lô trái phiếu này là 73 tỷ đồng.
Được biết lô trái phiếu này gồm 1.076 trái phiếu, được TPBank phát hành ngày 17/11/2023. Với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 107,6 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm, dự kiến đáo hạn ngày 17/11/2023.
Liên quan đến phát hành trái phiếu, mới đây ngày 14/11/2024 TPBank cũng đã huy động thành công 50 tỷ đồng thông qua việc phát hành lô trái phiếu mã TPBL2434025. Lô trái phiếu gồm 500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 10 năm, dự kiến đáo hạn ngày 14/11/2034.
Ngày 11/11/2024, TPBank cũng đã phát hành thành công 10.000 trái phiếu mã TPBL2427024 ra thị trường trong nước. Với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành của lô trái phiếu là 1.000 tỷ đồng, lãi suất 5,3%/năm, kỳ hạn 3 năm, dự kiến đáo hạn ngày 11/11/2027.
Đề xuất DNNN không được rót vốn vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm
Sáng 23/11, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã trình Quốc hội dự Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đáng chú ý trong dự thảo Luật có quy định các trường hợp doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vốn.
Cụ thể theo đề xuất của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp mà người đại diện sở hữu vốn tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Kế toán trưởng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp được quy định tại khoản 14 Điều 12 Luật này.
Cụ thể theo khoản 14 Điều 12 trong dự thảo Luật
Doanh nghiệp Nhà nước không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là ngành nghề kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản;
b) Cho thuê, khai thác văn phòng, trụ sở làm việc của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư quy định tại Luật này hoặc có văn bản chấp thuận của cơ quan chủ sở hữu vốn.
Ngoài ra theo đề xuất, doanh nghiệp Nhà nước cũng không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, trừ ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ an ninh, quốc phòng theo quy định của Chính phủ.
Không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Cuối cùng theo dự thảo Luật, doanh nghiệp Nhà nước cũng không được góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn./.
- Bản tin kinh tế - tài chính 23/11: VietinBank lùi thời gian phát hành và giải ngân 8.000 tỷ đồng trái phiếu
- 400 doanh nghiệp quốc tế tham gia triển lãm ngũ kim và dụng cụ cầm tay lần thứ 9
- Tập đoàn Posco muốn làm dự án điện khí LNG 2,15 tỷ USD tại Nghệ An