Bản tin kinh tế - tài chính ngày 28/11: PNJ bảo lãnh vay cho 2 công ty con
PNJ bảo lãnh vay cho 2 công ty con
Ngày 25/11/2024, HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) thông qua việc bảo lãnh cho 2 công ty con vay vốn ngân hàng.
Cụ thể, HĐQT PNJ thông qua quyết định bảo lãnh cho Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh Trang sức PNJ và Công ty TNHH MTV Thời trang CAO vay vốn tại ngân hàng với hạn mức lần lượt 400 tỷ đồng và 100 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động, phát hành L/C.
Tính đến ngày 30/09/2024, PNJ có 3 công ty con và đều nắm 100% vốn điều lệ. Trong đó, Công ty TNHH MTV Thời trang CAO được thành lập sớm nhất vào năm 2009 và Công ty TNHH MTV Chế tác và kinh doanh trang sức PNJ được thành lập muộn nhất vào năm 2018.
Ở diễn biến khác, ông Lê Quang Phúc - Thành viên độc lập HĐQT, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán đăng ký bán khớp lệnh 18.400 cp PNJ trong thời gian từ 02-31/12/2024 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Nếu thành công, ông Phúc sẽ giảm sở hữu tại PNJ từ 89.800 cp (tỷ lệ 0,03%) xuống còn 71.400 cp (tỷ lệ 0,02%).
Chiếu theo giá PNJ đóng cửa phiên 27/11 là 93.000 đồng/cp, tăng hơn 10% so với đầu năm nay, ước tính ông Phúc có thể thu về gần 2 tỷ đồng.
Mới đây, PNJ vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 với 32.371 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.600 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 23% và 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số đến từ kênh trang sức bán lẻ tăng 17%, chiếm 56.4% trong cơ cấu tổng doanh thu chung. Với kết quả này, PNJ thực hiện được hơn 87% chỉ tiêu doanh thu và 77% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Riêng tháng 10/2024, Công ty đạt 3.129 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 218 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 13% so với cùng kỳ.
2 ông lớn Phục vụ mặt đất Sài Gòn và Hà Nội lập liên danh 781 tỷ đồng, quyết đấu thầu dự án tại Sân bay Long Thành
CTCP phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, mã cổ phiếu SGN) vừa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2024, nhằm thông qua định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong thời gian sắp tới, cụ thể là đấu thầu vào sân bay Long Thành.
Cụ thể, căn cứ Hồ sơ mời thầu của Cục hàng không Việt Nam phát hành ngày 11/10/2024 đối với "Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Long Thàn", ngày 26/11/2024, Công ty đã thông qua cổ đông kế hoạch tham dự dự án trên.
Theo đó, SGN sẽ liên danh với CTCP phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) để đấu thầu dự án trên. Trong đó, SGN tham gia với vai trò là thành viên đứng đầu liên danh góp 75% vốn và HGS góp 25%.
Tổng vốn đầu tư dự án của liên danh SGN và HGS để tham gia đấu thầu tối thiểu là 781 tỷ đồng và không vượt quá 798 tỷ đồng. Công ty uỷ quyền cho Hội đồng quàn trị SGN quyết định các nội dung thoả thuận liên danh với HGS đảm bảo thành công đấu thầu dự án.
TPBank phát hành lô trái phiếu hơn 209 tỷ đồng
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu mã TPBL2434027.
Theo đó, mã TPBL2434027 gồm 2.095 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Qua đó, giá trị phát hành là 209,5 tỷ đồng. Ngày phát hành là 21/11/2024, kỳ hạn 10 năm, đáo hạn ngày 21/11/2034. Lãi suất 6,88%/năm.
Trước đó, ngày 19/11/2024, TPBank phát hành thành công lô trái phiếu mã TPBL2434026 gồm 384 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 38,4 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 10 năm, lãi suất thả nổi 6,88%/năm, dự kiến đáo hạn ngày 19/11/2034.
Xa hơn nữa, ngày 14/11/2024 TPBank cũng đã huy động thành công 50 tỷ đồng thông qua việc phát hành lô trái phiếu mã TPBL2434025. Lô trái phiếu gồm 500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 10 năm, dự kiến đáo hạn ngày 14/11/2034.
Kể từ đầu năm đến nay, TPBank đã phát hành 27 lô trái phiếu, kỳ hạn 3-10 năm, lãi suất dao động 4,9- 6,88%/năm.
HDBank huy động 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đăng tải văn bản của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, MCK: HDB) công bố kết quả phát hành trái phiếu.
Cụ thể, ngày 22/11/2024, HDBank đã phát hành thành công 10.000 trái phiếu mã HDBL2432022 mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu; giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng.
Với kỳ hạn 8 năm, lô trái phiếu này dự kiến đáo hạn ngày 22/11/2032. Các thông tin khác về trái chủ, mục đích phát hành... không được công bố.
Trước đó, ngày 13/11/2024, HDBank cũng huy động thành công lô trái phiếu HDBL2431021 có giá trị phát hành 440 tỷ đồng.
Với kỳ hạn 7 năm, lô trái phiếu trên dự kiến đáo hạn ngày 13/11/2031.
Cũng trong tháng 11/2024, ngân hàng còn phát hành lô trái phiếu HDBL2432020 với giá trị phát hành là 200 tỷ đồng; kỳ hạn 8 năm, dự kiến đáo hạn ngày 6/11/2032.
Ngày 5/11, HDBank đã có văn bản công bố về kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt 3).
Cụ thể, HDBank đã phát hành 10 triệu trái phiếu mã HDBC7Y202303 có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu; tương ứng giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm.
Doanh thu quý III/2024 của VinFast tăng gần 50% so cùng kỳ, xây thêm nhà máy mới ở Hà Tĩnh để sản xuất VF3 và VF5
Trong quý III, VinFast đã bàn giao tổng cộng 21.912 xe điện, tăng 66% so với quý 2 và tăng 115% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, số xe điện bàn giao cho người tiêu dùng tăng 163% so với quý II/2024, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường đối với ô tô điện VinFast.
Tổng doanh thu quý III/2024 của VinFast đạt 12.326 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty lỗ gộp 2.957 tỷ đồng trong quý III, giảm 45,6% so với quý II năm nay. Doanh nghiệp lỗ ròng 13.251 tỷ đồng, giảm đáng kể 29,4% so với quý II năm 2024 và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 9, VinFast bàn giao số lượng xe lớn tại thị trường Việt Nam, trở thành thương hiệu bán chạy nhất. Đây là lần đầu tiên một công ty thuần điện vượt qua tất cả thương hiệu quốc tế và chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam.
Bước sang tháng 10, VinFast bàn giao hơn 11.000 ô tô điện cho khách hàng Việt Nam, tăng 21% so với tháng 9 và nâng tổng số ô tô điện bàn giao kể từ đầu năm tại Việt Nam lên 51.000 xe. VinFast tiếp tục giữ vững vị thế thương hiệu số 1 thị phần trong tháng 10 và trở thành hãng xe bán chạy nhất trong 10 tháng đầu năm.
Để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng đối với các mẫu xe phân khúc giá thấp, công ty có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất ở tỉnh Hà Tĩnh, chuyên sản xuất các mẫu xe điện phổ thông VF 3 và VF 5. VinFast dự kiến áp dụng mô hình thuê dài hạn để tối ưu dòng tiền đầu tư ban đầu.
Nhà máy CKD được thiết kế với công suất tối đa lên tới 300.000 xe điện mỗi năm, có thể linh hoạt điều chỉnh công suất theo biến động của thị trường để đáp ứng nhu cầu. Nhà máy dự kiến được bắt đầu xây dựng từ đầu tháng 12 năm 2024 và đi vào hoạt động trong năm 2025./.
- Bản tin kinh tế - tài chính ngày 27/11: ACB "hút" thêm 800 tỷ đồng từ kênh trái phiếu
- Ngân hàng không được gửi tin nhắn có nội dung chứa đường link, trừ trường hợp khách hàng yêu cầu
- Giá xăng trong nước tại phiên điều hành ngày mai có thể quay đầu tăng