ISSN-2815-5823

Đột phá tài chính vi mô: Công nghệ dẫn lối tăng trưởng bền vững

(KDPT) - Các sản phẩm và dịch vụ tài chính tiên tiến đã mở ra nhiều cơ hội mới, định hình “con đường đột phá” giúp doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả hơn với các đối tượng thuộc tài chính vi mô. Đây không chỉ là một hướng đi tiềm năng mà còn là xu thế của thời đại.

Xu thế tất yếu

Hướng tới tài chính toàn diện đang trở thành xu thế tất yếu trong thập niên thứ hai và thứ ba của thế kỷ XXI, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, an toàn, thuận tiện, trách nhiệm và bền vững. Hòa chung dòng chảy của thế giới, Việt Nam đã sớm hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, đồng thời được chọn là một trong 25 quốc gia ưu tiên phát triển tài chính toàn diện trong khuôn khổ Sáng kiến phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020.

Đột phá tài chính vi mô: Công nghệ dẫn lối tăng trưởng bền vững - ảnh 1

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTg). Chiến lược đặt mục tiêu quan trọng: mở rộng tối đa khả năng tiếp cận và sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, chi phí hợp lý, do các tổ chức hợp pháp cung cấp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, thúc đẩy tài chính toàn diện là một trọng tâm lớn mà Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm. Ngành Ngân hàng không ngừng tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa và các nhóm yếu thế có thể nâng cao hiểu biết tài chính và tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách bình đẳng. Ông cũng khẳng định, tài chính toàn diện là chìa khóa quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia, từ giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, nông thôn đến xây dựng nông thôn mới.

Thực tế cho thấy, các quốc gia đang phát triển muốn nhanh chóng và hiệu quả mở rộng phạm vi bao phủ của các dịch vụ tài chính chính thức cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa hệ thống cung ứng dịch vụ.

Việt Nam, với gần 100 triệu dân và tiềm năng thị trường lớn, đang đối mặt với thách thức tăng tốc nếu thiếu các giải pháp đột phá và việc áp dụng công nghệ mạnh mẽ. Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, bức tranh thực tế về khả năng tiếp cận dịch vụ vẫn còn nhiều không gian để cải thiện.

Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) phân tích, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công nghệ có thể giúp các dịch vụ tài chính - ngân hàng được cung cấp tới mọi nơi, kể cả những khu vực không có sự hiện diện trực tiếp của ngân hàng. Điều này góp phần loại bỏ những rào cản lớn như thu nhập thấp, chi phí cao và khoảng cách địa lý, mang lại cơ hội tiếp cận tài chính cho cả những nhóm yếu thế, người thu nhập thấp, những đối tượng vốn chưa từng được hưởng lợi từ các dịch vụ tài chính trước đây.

ThS. Đoàn Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng IDS cho biết, kết quả nghiên cứu về tài chính toàn diện cho thấy nhiều xu hướng tích cực. Việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính của người dân, đảm bảo tính thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các nhóm thu nhập vẫn rất đáng chú ý, đặc biệt là ở nhóm thu nhập thấp nhất. Cụ thể, trong năm 2022, chỉ 25,1% người trưởng thành ở nhóm thu nhập thấp nhất có tài khoản ngân hàng, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 67,9% của nhóm thu nhập cao nhất. Đáng lưu ý, mức độ cải thiện của nhóm thu nhập thấp nhất cũng rất hạn chế, chỉ tăng 6% trong 5 năm, trong khi các nhóm thu nhập cao hơn đạt được sự tăng trưởng vượt trội.

Đối với hoạt động gửi tiết kiệm, nhóm thu nhập thấp nhất gần như không tham gia đáng kể vào các tổ chức tài chính hoặc sử dụng dịch vụ mobile money. Tỷ lệ người gửi tiết kiệm trong nhóm này chỉ đạt 5,8% vào năm 2022, tăng không đáng kể so với 5,6% năm 2017, phản ánh khoảng cách lớn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính giữa các nhóm thu nhập.

Về hoạt động thanh toán, nhóm thu nhập thấp nhất vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày. Chỉ 2,9% trong nhóm này thanh toán hóa đơn qua tài khoản, trong khi 51,2% vẫn ưu tiên dùng tiền mặt. Điều này cho thấy mức độ sử dụng các kênh thanh toán kỹ thuật số của nhóm thu nhập thấp còn rất hạn chế so với các nhóm thu nhập cao hơn.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp. Qua thời gian, khả năng sở hữu tài khoản ở cả ba nhóm quy mô doanh nghiệp (nhỏ, vừa, lớn) đều có dấu hiệu giảm sút, đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp nhỏ. Khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ tài chính ngày càng rộng, tạo ra bất lợi lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đáng chú ý, với khoảng 5-6 triệu hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, việc tiếp cận tín dụng chính thức vẫn rất hạn chế, gây cản trở cho quá trình phát triển bền vững của họ.

Công nghệ dẫn lối

Theo các chuyên gia, giải pháp đột phá, mở rộng khả năng phục vụ từ vùng rừng núi đến biển khơi, từ làng quê nghèo đến đô thị sầm uất, góp phần hiệu quả vào việc hiện thực hóa mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia chính là tài chính số. Nhờ xóa bỏ những rào cản truyền thống như thu nhập thấp, chi phí cao và khoảng cách địa lý, tài chính số không chỉ hỗ trợ người dân mà còn tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp.

Đột phá tài chính vi mô: Công nghệ dẫn lối tăng trưởng bền vững - ảnh 2

Nghiên cứu từ IDS cho thấy, rào cản lớn nhất hiện nay chính là khung pháp lý cho các doanh nghiệp fintech. Nhóm này sở hữu tiềm năng lớn nhờ công nghệ hiện đại, dữ liệu phong phú, chi phí vận hành thấp và khả năng tạo cơ hội kinh doanh, nhưng lại thiếu sự hỗ trợ phù hợp để phát huy hết vai trò của mình.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Khoa học IDS, các rủi ro trong lĩnh vực này hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua hợp tác giữa các tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống và các công ty fintech. Thay vì cạnh tranh, các bên cần phối hợp chặt chẽ để lấp đầy những khoảng trống trên thị trường, hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện hơn.

Các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại đã mở ra những hướng đi mới, kiến tạo “con đường đột phá” giúp doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả các đối tượng thuộc tài chính vi mô. Đây là xu thế mang tính thời đại, nơi công nghệ số, kho dữ liệu lớn và nền tảng công nghệ hiện đại trở thành nền tảng chủ đạo.

Tài chính toàn diện không chỉ tạo điều kiện cho các nhóm yếu thế và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận dịch vụ tài chính, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Điều này góp phần giúp Việt Nam tiến xa hơn trên con đường hội nhập quốc tế và phát triển toàn diện.

Với các giải pháp được đề xuất, tài chính toàn diện tại Việt Nam hứa hẹn tiếp tục bứt phá, xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế công bằng, bền vững và bao trùm. Đây sẽ là nơi mà mọi người dân và doanh nghiệp, bất kể quy mô hay điều kiện, đều có thể tiếp cận và tận dụng các dịch vụ tài chính một cách hiệu quả, hướng tới sự phát triển thịnh vượng chung.

ThS. Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội phân tích, với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, nhất là fintech, lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói chung và tài chính vi mô đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trên thế giới, tài chính vi mô đang áp dụng các mô hình ngày càng phát triển hiện đại hơn khi đứng trong bối cảnh thay đổi của thị trường tài chính và kinh tế. Tương lai của tài chính vi mô được nhận định là nằm ở các mô hình mới, pha trộn giữa các dịch vụ tài chính kĩ thuật số, giúp giảm chi phí với các tương tác trực tiếp truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro thông qua dữ liệu và các thuật toán, đồng thời tăng cường tiếp cận đến khách hàng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, một số tổ chức tài chính vi mô đã ngày càng chú trọng tới ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Trong bối cảnh fintech ngày càng phát triển mạnh mẽ, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho nâng cao năng lực của tổ chức tài chính vi mô; thiết lập hệ thống kênh, đại lý phân phối các sản phẩm, dịch vụ tài chính số cho các tổ chức tài chính vi mô phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, hội nhập tài chính vi mô vào hệ thống các tổ chức tài chính - ngân hàng chính thức”, ThS. Nguyễn Trần Minh Trí nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/11/2024