Bản tin kinh tế - tài chính ngày 6/12: FLC có chủ tịch mới, bà Bùi Hải Huyền trở lại "ghế nóng"
FLC có chủ tịch mới, bà Bùi Hải Huyền trở lại "ghế nóng"
CTCP Tập đoàn FLC (FLC) vừa công bố thông tin, ông Lê Bá Nguyên thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT và ông Lê Tiến Dũng thôi giữ chức Tổng giám đốc, kể từ ngày 5/12.
Thay thế vị trí của ông Nguyên là ông Vũ Anh Tuân, Thành viên HĐQT. Ông Vũ Anh Tuân gia nhập FLC từ năm 2022 và đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao tại FLC cũng như các đơn vị thành viên. Ông Tuân được bầu là Thành viên HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 12/11.
Bà Bùi Hải Huyền, Trợ lý HĐQT, giữ chức Tổng giám đốc. Bà Bùi Hải Huyền từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Tập đoàn FLC.
Dưới thời chủ tịch Trịnh Văn Quyết, bà từng là Tổng giám đốc và Phó Chủ tịch thường trực HĐQT. Tháng 2/2023, bà Bùi Hải Huyền xin từ nhiệm Tổng Giám đốc lẫn Phó chủ tịch HĐQT.
Sau khi rời FLC, bà Huyền giữ chức Phó tổng giám đốc Dabaco từ tháng 8/2023 và thôi giữ chức vụ này từ đầu tháng 2 năm nay.
Tại ĐHĐCĐ bất thường mới đây, lãnh đạo FLC cho biết, doanh nghiệp khởi động lại nhiều dự án trọng điểm. FLC đang quản lý danh mục 54 dự án tại 14 tỉnh thành trên cả nước. Tập đoàn đang tích cực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý và tài chính cho các dự án, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm đối tác có tiềm lực để hợp tác đầu tư, nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án.
Bắc Ninh đôn đốc thẩm định 3 dự án của Vingroup, Sun Group
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cùng các đơn vị liên quan để đôn đốc ý kiến thẩm định Hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị mới. Công văn nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung, khẩn trương thực hiện.
Các dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh đề cập gồm Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) do Vingroup đề xuất cùng 2 dự án Khu đô thị mới, du lịch, sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn do Sun Group đề xuất
Công văn cho biết hiện một số cơ quan, đơn vị chậm gửi ý kiến thẩm định Hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 3 dự án trên. Các dự án này nằm trong kế hoạch thu hút đầu tư, phát triển đô thị hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2027.
Liên quan đến 3 dự án do Vingroup và Sun Group đề xuất, tháng 11, UBND tỉnh Bắc Ninh đã gửi văn bản lấy ý kiến Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để xác định các dự án thuộc hay không khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong đó, dự án Khu đô thị mới phía Tây Bắc (Khu 1) thuộc địa bàn phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh có tổng vốn dự kiến hơn 44.500 tỷ đồngdo Tập đoàn Vingroup đề xuất. Khu đô thị hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai trong 10 năm.
Dự án Khu đô thị mới, du lịch, sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du có quy mô khoảng 296 ha do Sun Group đề xuất, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 17.180 tỷ đồng.
Còn dự án Khu đô thị mới, du lịch, sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại phường Tam Sơn và phương Tương Giang, thành phố Từ Sơn cũng do Sun Group đề xuất, có quy mô gần 192 ha. Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 11.091 tỷ đồng.
2 dự án do Sun Group đề xuất đều có thời hạn hoạt động 50 năm, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025-2030.
BIDV sắp phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu chia cổ tức tỷ lệ 21%
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, MCK: BID, sàn HoSE) vừa công bố thông tin Nghị quyết Hội đồng quản trị số 1326/NQ-BIDV ngày 3/12/2024 về việc phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022.
Theo đó, BIDV dự kiến phát hành tối đa gần 1,2 tỷ cổ phiếu phổ thông để chi trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ thực hiện 21% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến phát hành trong quý IV/2024 đến quý I/2025.
Đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách cổ đông của BIDV tại thời điểm chốt quyền được nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo phương án tăng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị thông qua và theo quy định của pháp luật.
Nếu phát hành thành công, mức vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm tối đa hơn 11.970,9 tỷ đồng, từ gần 57.004,4 tỷ đồng lên gần 68.975,3 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng từ hơn 5,7 tỷ cổ phiếu lên gần 6,9 tỷ cổ phiếu BID.
Theo cơ cấu cổ đông hiện tại của BIDV, cổ đông Nhà nước đang nắm giữ hơn 4,6 tỷ cổ phiếu, tương đương sở hữu 80,99% vốn điều lệ của ngân hàng; Nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ gần 966,8 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 16,96% vốn.
Số cổ phần dự kiến sau khi tăng vốn điêu lệ của cổ đông Nhà nước là gần 5,6 tỷ cổ phiếu BID, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu không thay đổi.
Với số vốn điều lệ tăng thêm BIDV dự kiến sẽ dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông.
Cụ thể, vốn điều lệ tăng thêm được sử dụng vào các hoạt động tín dụng; đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, ngân hàng số, chuyển đổi hoạt động; hoạt động đầu tư; nâng cao năm lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh.
Tiến độ sử dụng vốn điều lệ tăng thêm để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh phù hợp theo tiến độ tăng vốn điều lệ và tình hình thị trường, do Hội đồng quản trị (hoặc cấp được Hội đồng quản trị phân cấp, ủy quyền), xem xét, quyết định phù hợp với quy định của pháp luật và của BIDV.
Quỹ từ Trung Quốc nắm bao nhiêu cổ phiếu Sacombank?
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) vừa công bố thông tin cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ trở lên theo yêu cầu mới của Luật Các tổ chức tín dụng.
Danh sách công bố bao gồm 5 cổ đông, trong đó có 4 tổ chức và 1 cá nhân. Các cổ đông này sở hữu hơn 267,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 14,2% vốn Sacombank.
Trong đó, cổ đông cá nhân duy nhất có tên trong danh sách không ai khác chính là ông Dương Công Minh - chủ tịch STB, với số lượng cổ phiếu hơn 62,56 triệu, tương ứng tỉ lệ sở hữu 3,32%.
Người liên quan ông Minh cũng nắm hơn 11,85 triệu cổ phiếu STB - tương ứng 0,63% vốn. Theo báo cáo quản trị, người có liên quan này chính là bà Dương Thị Liêm, em gái của ông Minh.
Trong danh sách, cổ đông tổ chức nắm nhiều cổ phần Sacombank nhất chính là Pyn Elite Fund với hơn 125,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,68% vốn điều lệ ngân hàng.
Báo cáo mới đây của Pyn Elite Fund cũng cho thấy trong top 10 danh mục của quỹ thì cổ phiếu STB của Sacombank chiếm 1/5 danh mục, tương đương tỉ trọng 20%.
Cổ đông tổ chức lớn tiếp theo là Tianhong Vietnam Thematic Fund (QDII) với việc nắm hơn 32,24 triệu cổ phiếu, tương đương 1,71% vốn.
Tianhong Vietnam thuộc Tianhong Asset Management (Tianhong AM) là một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Trung Quốc.
Còn SCB Vietnam Alpha Fund Not For Retail Investors sở hữu hơn 25,54 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,36% vốn Sacombank. Trong khi đó, Norges Bank nắm 20,4 triệu cổ phiếu, tương đương 1,13% vốn của Sacombank./.
- Bản tin kinh tế - tài chính ngày 5/12: Temu tạm dừng bán hàng tại Việt Nam
- Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng vượt dự toán, đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng
- Giá xăng về sát 20.500 đồng/lít trong phiên điều hành chiều nay (5/12)