ISSN-2815-5823

Sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh đang được kinh doanh, quảng cáo bán hàng như thế nào?

(KDPT) -  Dù chỉ là thực phẩm chức năng, nhưng sản phẩm sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh vẫn được nhiều trang mạng, một số cơ sở phân phối kinh doanh, ngang nhiên quảng cáo bán hàng trên không gian mạng như thần dược, dễ khiến hiểu lầm như dạng thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lập lờ đánh lận con đen, đánh lừa người tiêu dùng...

LTS: Cố tình nói quá công dụng của thực phẩm chức năng, dùng người nổi tiếng, người bệnh giả, thậm chí là những người đang công tác trong lĩnh vực y tế qua chiếc áo blouse, mượn hình ảnh những diễn viên, người mẫu, người nổi tiếng... để quảng cáo nhằm tăng sức thuyết phục… là các “chiêu thức” tồn tại nhiều năm qua được các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng ngang nhiên lừa dối người tiêu dùng, khiến không ít người tiền mất tật mang, nguy hại sức khỏe và tính mạng.

Trên diễn đàn quốc hội, để góp phần siết chặt hơn hoạt động quảng cáo trên mạng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bổ sung thêm một số quy định về quảng cáo trên mạng; bổ sung trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng... Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, mặc dù đã có quy định xử phạt các hành vi quảng cáo thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo nhưng việc áp dụng chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe.

Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, và từ thực tiễn, Ban biên tập Tạp chí điện tử Kinh doanh và phát triển đăng tải tuyến bài viết chuyên sâu để làm rõ những nhãn hàng đang lợi dụng và lách kẽ hở của pháp luật và đặc biệt là các chiêu thức quảng cáo, cách thức quảng cáo, các ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực y tế, các ĐBQH và các đại diện cơ quan quản lý các Bộ, Ban, Ngành.... nhằm cho người tiêu dùng nhận biết, nhìn nhận rõ nét hơn về các cách thức quảng cáo, bán hàng của nhiều sản phẩm đang được tung hô như "thần dược" trên không gian mạng internet hiện nay, khi nhiều đơn vị đang lợi dụng vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của người dân...

Nhận diện

Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh là sản phẩm do Công ty TNHH Tuệ Linh (địa chỉ tầng 5 tòa nhà 29T1 đường Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng và phân phối sản phẩm. Đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Dược phẩm Usapha (địa chỉ đường TS11, Khu công nghiệp Tiên Sơn, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Sản phẩm này có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7853/2018/ĐKSP ngày 2/10/2018. Văn bản này ghi rõ: Sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng).

Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh.
Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh.

Theo ghi nhận, khảo sát, các website có tên miền "https://www.samtonu.com", "https://www.roiloannoitiet.vn","https://www.samnhungtonu.vn/chinh-hang"… đều có nội dung quảng cáo Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh như thuốc điều trị có hiệu quả theo ngày.

Cụ thể, sản phẩm này được giới thiệu công dụng không khác gì thuốc như sau: "7-10 ngày, cơ thể hưng phấn, hết khô hạn và đau rát khi quan hệ. Sau 15-20 ngày, cảm giác thèm yêu, dịch nhờn tiết ra nhiều hơn khi được kích thích… 1 tháng, da căng sáng, các vết nám sạm hết hẳn; vóc dáng săn chắc, nhu cầu sinh lý rõ rệt”.

Phía cuối website quảng cáo có nhiều bình luận từ các tài khoản có tên "Diễn viên Hương Giang", "Nghệ sỹ Xuân Lan", "Uyển Nhi"… cùng nhau tung hô Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh. Các tài khoản này liên tục dùng những mỹ từ như: "Dùng 1 tháng thấy da dẻ căng sáng, các vết nám mờ, chuyện vợ chồng cũng cải thiện hơn”, "Bạn mách dùng Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh, cũng không kỳ vọng gì đâu, nhưng mà sau khi dùng thì thấy thích thật. Người khỏe hẳn lên, hết sạch mệt mỏi”.

Ngoài ra, Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh còn đang được quảng cáo bằng cách thức liệt kê ra chức năng của từng thành phần: Sâm tố nữ có tác dụng tăng ham muốn, tiết dịch mạnh, đẹp da… ; Nữ lang có tác dụng giúp ngủ ngon, chống bốc hỏa, chống trầm cảm; Hồng sâm thì giảm căng thẳng mệt mỏi, chống oxy hóa; Nhung hươu lại có tác dụng bồi bổ khí huyết, trẻ hóa cơ thể, tăng tái tạo tế bào.

Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh được quảng cáo trên website
Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh được quảng cáo trên website "roiloannoitiet.vn".

Trên Kênh Youtube “Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh” đăng tải hàng loạt video có hình ảnh của các nghệ sĩ, khách hàng, chuyên gia để “quảng cáo” cho sản phẩm… Các video được đăng tải với những nội dung định hướng như: "Bảo bối hồi xuân cho chị em", "bí quyết hack tuổi", "thực hư loài sâm lạ khiến chị em cải lão hoàn đồng"...

Ngoài ra, để khách hàng tăng thêm niềm tin khi xuống tiền mua sản phẩm, đơn vị quảng cáo còn viết "cam kết sẽ hoàn tiền 100% nếu không hiệu quả".

Cách thức quảng cáo "thổi" công dụng, tung hô sản phẩm đều được đơn vị đứng sau vận hành khá chuyên nghiệp và hầu hết cùng dẫn đến hotline liên hệ mua hàng là 18001190.

Sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh đang được kinh doanh, quảng cáo bán hàng như thế nào? - ảnh 3

Điều trùng hợp, số điện thoại liên hệ đường dây nóng 18001190 lại trùng với số hotline ở website tuelinh.vn (là website chính thức của Công ty TNHH Tuệ Linh khi được hiển thị trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương - online.gov.vn).

Việc sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh được quảng cáo rầm rộ với số điện thoại liên hệ trùng với số hotline trên trang website chính của Công ty TNHH Tuệ Linh, thì câu hỏi được đặt ra, ai sẽ là người hưởng lợi khi người tiêu dùng vì nghe những lời quảng cáo mà “xuống tiền”?

Nhiều chuyên gia và các cơ quan quản lý đều có chung nhận định: Thực trạng hiện nay cho thấy, để quảng cáo sản phẩm, các đơn vị phân phối thường lập ra nhiều trang thông tin điện tử. Khi bị phát hiện, đơn vị này chỉ cần “phủi tay” về những thông tin quảng cáo về chính sản phẩm của họ, cho rằng việc quảng cáo là do ai đó… mạo danh.

Như đã đề cập đầu bài viết, sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh là thực phẩm chức năng, không phải thuốc và không có tác dụng chữa bệnh. Do đó, đương nhiên không được miêu tả sản phẩm có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc và cũng không được sử dụng hình ảnh, ý kiến của bác sĩ khác để quảng cáo cho sản phẩm. Trong khi đó, Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: “Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Các chuyên gia, cơ quan quản lý lên án

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, thời gian qua, cơ quan này đã liên tục ra các quyết định xử phạt do quảng cáo không đúng nội dung cấp phép và cảnh báo tới người dùng về một số sản phẩm TPCN sử dụng hình ảnh bác sĩ, lấy ý kiến bệnh nhân mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh để quảng cáo sản phẩm. Thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam chỉ ra rằng, có tới 80% quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là trá hình TPCN. Năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm. Chỉ tính riêng quý I/2024 đã phát hiện gần 200 sản phẩm vi phạm.

Ngày 11/6/2024, tờ báo Người lao động dẫn lời PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, đã xử lý nhiều vụ quảng cáo gian dối, sai sự thật về TPCN, đặc biệt trên mạng xã hội. Một số doanh nghiệp thậm chí giả mạo đài truyền hình và lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai. Nhiều trường hợp còn giả mạo bác sĩ, lương y để tư vấn TPCN như thuốc chữa bệnh. Điển hình là trường hợp một bệnh nhân nam bị biến chứng nặng, chỉ số đường huyết tăng cao và sụt 10kg sau khi mua thuốc trị đái tháo đường quảng cáo trên mạng xã hội. Bệnh nhân này đã mua TPCN từ một trang Facebook giả danh bác sĩ Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, thực trạng nhức nhối trong ngành TPCN hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo TPCN không chỉ gây hậu quả "tiền mất tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành TPCN, lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả. Theo các chuyên gia, tới đây khi hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế (như kinh doanh online, văn phòng ảo...) để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, có nhiều cách để nhận diện những sản phẩm kém chất lượng, vi phạm quy định về quảng cáo, trong đó dấu hiệu đầu tiên là những sản phẩm quảng cáo thổi phồng công dụng thật sự của sản phẩm. Thực chất TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể của con người, có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. TPCN không có tác dụng chữa bệnh và không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh. Trong khi thực tế, nhiều quảng cáo sử dụng những từ ngữ như "cam kết chữa khỏi", "cam kết không tái phát", "chữa dứt điểm đau xương khớp", "xua tan nỗi lo bệnh tiểu đường", sản phảm "số 1", "tốt nhất", "cứu tinh", "thần dược"… chắc chắn là lừa dối người tiêu dùng. Ngoài ra, TPCN cũng không được dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y để quảng cáo chữa khỏi bệnh; không dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo TPCN. Việc quảng cáo mập mờ khiến nhiều người nhầm tưởng TPCN có tác dụng chữa bệnh, gây tốn kém và ảnh hưởng đến thời gian điều trị.

Vị nguyên lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, hiện nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là những quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube... Một số doanh nghiệp đăng ký một đằng nhưng sản xuất một nẻo, thậm chí vì lợi nhuận còn thêm chất cấm, chất độc hại vào TPCN, gây nguy hiểm đến sức khỏe người dùng. Mặc dù đã có chế tài đầy đủ để xử phạt vi phạm quảng cáo nhưng việc thực thi còn gặp khó khăn do nơi phát hành quảng cáo thường có máy chủ ở nước ngoài. Khi được mời lên làm việc, các doanh nghiệp thường không thừa nhận quảng cáo là của họ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xử phạt.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, mức phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) trái quy định như sau: 

Phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng, gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” khi quảng cáo TPCN trên báo nói, báo hình.

Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tác dụng chính và phụ đối với TPCN; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Mức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo TPCN dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.

Mời độc giả đón đọc kỳ 2: Ma trận quảng cáo Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh và sự giúp sức từ nghệ sĩ...



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine