ISSN-2815-5823
Thiên Anh
Thứ hai, 11h29 26/05/2025

Báo chí Việt Nam bước vào kỷ nguyên số: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

(KDPT) - Trong bối cảnh toàn cầu hoá và cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, báo chí Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng chuyển đổi này. Từ một lĩnh vực vốn mang tính truyền thống, báo chí đang dần bước vào kỷ nguyên số với nhiều kỳ vọng lớn lao, song cũng đối diện với không ít thách thức.

Cơ hội định hình lại vai trò và sức ảnh hưởng

Chuyển đổi số đang mở ra một “cánh cửa vàng” để báo chí Việt Nam tái định vị vai trò – không chỉ là người đưa tin, mà là lực lượng dẫn dắt thông tin, hình thành nhận thức xã hội và kiến tạo giá trị trong không gian công cộng số. Trong kỷ nguyên mà bất kỳ ai cũng có thể phát ngôn, lan truyền thông tin, thì chính báo chí chuyên nghiệp mới là “người giữ lửa niềm tin” bằng sự kiểm chứng, chính xác và đạo đức nghề nghiệp.

Công nghệ không làm lu mờ vai trò của báo chí chính thống. Ngược lại, nó trở thành công cụ khuếch đại sức ảnh hưởng, tăng tốc độ lan tỏa, mở rộng không gian hiện diện và đa dạng hóa hình thức tiếp cận độc giả. Thay vì bị giới hạn bởi bản in hay khung giờ phát sóng, báo chí giờ đây có thể tương tác theo thời gian thực, đo lường mức độ tiếp nhận và phản hồi, thậm chí cá nhân hóa nội dung theo từng nhóm độc giả cụ thể.

Báo chí đang bứt tốc trên hành trình chuyển đổi số, mở rộng không gian hiện diện và tăng tốc độ lan tỏa thông tin. (Ảnh minh họa)
Báo chí đang bứt tốc trên hành trình chuyển đổi số, mở rộng không gian hiện diện và tăng tốc độ lan tỏa thông tin. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội: “Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên chuyển đổi số, nơi công nghệ số trở thành nền tảng của phát triển. Trong bối cảnh đó, báo chí cách mạng cần không ngừng đổi mới, thích ứng, tận dụng cơ hội để khẳng định vai trò, phát huy sứ mệnh trong tình hình mới. Chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là cơ hội để nâng cao hiệu quả truyền thông, tăng sức lan tỏa và giữ vững vai trò định hướng dư luận”.

Các nền tảng số hiện đại đã xóa nhòa ranh giới không gian và thời gian trong hoạt động báo chí. Một bài viết có thể tiếp cận hàng triệu người đọc chỉ trong vài phút, một bản tin video có thể lan tỏa xuyên biên giới mà không cần cơ sở hạ tầng truyền thống. Không chỉ vậy, dữ liệu và công nghệ số giúp các tòa soạn “đọc” được độc giả, từ đó tối ưu hóa nội dung, nâng cao trải nghiệm người dùng và giữ chân công chúng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội.

Thực tế hiện nay cho thấy, trong khi thị phần báo in ngày càng thu hẹp, thì báo chí số lại bùng nổ về quy mô, định dạng và khả năng tác động. Những hình thức thể hiện mới như podcast, bản tin ngắn video (short-form news), đồ họa tương tác (infographic), kể chuyện dữ liệu (data storytelling)... đang giúp báo chí trở nên linh hoạt, gần gũi và sinh động hơn bao giờ hết.

Chuyển đổi số đang mở ra một môi trường truyền thông hoàn toàn mới, cho phép các cơ quan báo chí mở rộng phạm vi và nâng cao khả năng tiếp cận độc giả, thông tin có thể được truyền tải tức thời, rộng khắp và đến đúng đối tượng người đọc, bất kể họ ở đâu.

Điều này đặc biệt ý nghĩa với những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi việc tiếp cận báo chí truyền thống vốn gặp nhiều khó khăn. Nhờ nền tảng số, người dân tại những địa bàn khó khăn vẫn có thể cập nhật tin tức một cách kịp thời, chính xác. Đồng thời, các công cụ hiện đại như blog, podcast, video trực tuyến… đã trao cho nhà báo không gian sáng tạo rộng mở hơn, linh hoạt trong cách thể hiện nội dung và kết nối trực tiếp với người đọc ở nhiều nền tảng khác nhau.

PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

“Một trong những lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong hoạt động báo chí là tăng tính tương tác giữa nhà báo và công chúng. Trước đây, công chúng hưởng lợi từ thông tin và tiếp nhận thông tin một chiều được đăng tải trên các loại hình báo chí truyền thống.

Tuy nhiên, với sự phát triển của các nền tảng truyền thông số, họ ngày càng trở thành một phần quan trọng trong quy trình, hệ thống sản xuất và tiếp nhận thông tin. Họ có thể tương tác trực tiếp thông qua việc sáng tạo, bình luận, chia sẻ và hơn hết họ có thể chủ động nêu ra ý kiến và quan điểm cá nhân. Điều này tạo ra một môi trường thông tin phong phú hơn, mọi người có cái nhìn đa chiều và cũng là nơi công chúng có thể thảo luận, chia sẻ ý kiến và tham gia vào các cuộc tranh luận quan trọng”, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh.

Thách thức từ công nghệ, nguồn lực và đạo đức báo chí

Không ít các cơ quan báo chí hiện nay vẫn loay hoay trong bài toán chuyển đổi số, đặc biệt ở khâu đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực và xây dựng mô hình nội dung sao cho phù hợp. Thực tế việc nâng cấp đội ngũ phóng viên, biên tập viên để thích ứng với môi trường số diễn ra chậm hơn nhiều so với tốc độ phát triển của công nghệ.

Trong khi một số toà soạn lớn đã chủ động thiết lập phòng công nghệ thông tin thì phần lớn vẫn đang phụ thuộc vào mô hình vận hành truyền thống. Thiếu chiến lược nội dung số bài bản, thiếu nhân lực chuyên sâu… đây là những yếu tố khiến nhiều cơ quan báo chí đang đứng trước nguy cơ tụt lại trong cuộc đua số hóa toàn ngành.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số là nói đến con người chứ không đơn giản chỉ là nói đến công nghệ. Chuyển đổi số, trước hết phải nghĩ đến yếu tố con người. Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng nó.

“Con người là yếu tố quan trọng nhất và cần phải đầu tư một cách có chọn lọc những người có khả năng thích nghi với những kỹ năng, ham học hỏi và linh hoạt”, nhà báo Lê Quốc Minh nhận định.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang cũng cho rằng, ngoài nền tảng công nghệ thì đích đến cuối cùng của chuyển đổi số trong báo chí, truyền thông đa phương tiện phải là một đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhà báo, phóng viên, kỹ thuật viên... hướng tới “chuyển đổi số toàn diện”.

Bài toán nan giải đối với nhiều tòa soạn địa phương và cơ quan báo chí hiện nay chính là vấn đề nguồn lực. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là chuyện trang bị công nghệ, mà là quá trình tái cấu trúc toàn diện hệ sinh thái báo chí, bao gồm kỹ thuật, nhân sự, quản trị và tư duy làm nghề. Không có sự đồng bộ giữa các yếu tố này, chuyển đổi số sẽ chỉ dừng lại ở hình thức.

Một vấn đề khác đáng lo ngại là sự cạnh tranh dữ dội từ mạng xã hội và nền tảng chia sẻ nội dung. Nhiều người dùng đang dần chuyển sang tiêu thụ thông tin từ các kênh như Facebook, YouTube, TikTok, khiến báo chí chính thống phải thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận và định dạng nội dung.

Nhà báo Lê Quốc Minh thẳng thắn nhìn nhận, xu thế chiếm lĩnh thông tin của mạng xã hội là điều không thể phủ nhận, và việc kỳ vọng báo chí chính thống phải cạnh tranh ngang ngửa hay vượt mặt mạng xã hội là điều không thực tế. Tuy nhiên, theo ông, báo chí không thể và không nên chạy theo mạng xã hội.

“Làm thế nào để có nội dung hay, công nghệ tốt, tạo bản sắc riêng cho mỗi tờ báo là điều cơ quan báo chí nào cũng đều rất cần”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp trong môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức. Khi tốc độ đưa tin được ưu tiên, nguy cơ lan truyền tin giả, sai sự thật ngày càng cao. Việc chuyển đổi số không chỉ là số hóa quy trình, mà còn là làm chủ nền tảng, kiểm soát thông tin và đảm bảo chất lượng, đạo đức nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo: "Người làm nghề báo chí cần phân biệt được đâu là tốt và đâu là không tốt, nhưng nhiều khi lại bị chi phối bởi những xu hướng nhất thời trên không gian mạng và điều này ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá, cũng như cách làm nghề. Đây là một thách thức mà những người làm nghề và những người quản lý phải vượt qua”.

Việc giám sát thông tin trong thời đại số cũng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi người dùng có xu hướng tiếp nhận thông tin nhanh, ngắn và thiếu kiểm chứng. Trong bối cảnh ấy, sự phân biệt giữa báo chí chính thống và các kênh thông tin phi chính thức trở nên mờ nhạt nếu không có sự đồng thuận về chất lượng, uy tín và minh bạch trong cách làm báo.

Cần sự dẫn dắt và hỗ trợ chính sách

Từ góc độ quản lý, việc xây dựng một hệ sinh thái báo chí số toàn diện đòi hỏi sự chung tay từ cả Nhà nước, doanh nghiệp công nghệ và các cơ quan báo chí. Các chuyên gia cho rằng, định hướng phát triển báo chí số Việt Nam phải đi kèm chiến lược dài hạn, trong đó ưu tiên chuyển đổi số các cơ quan báo chí chủ lực, hỗ trợ kỹ thuật, chính sách và tài chính đối với các đơn vị còn yếu.

Chia sẻ tại một toạ đàm mới đây, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, Luật Báo chí (sửa đổi) cần tháo gỡ các "điểm nghẽn", đặc biệt là về kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí, để thực sự mở đường cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.

Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển báo chí số, bảo đảm tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật, bảo vệ nhà báo và thúc đẩy trách nhiệm xã hội.

Để báo chí Việt Nam bước vào kỷ nguyên số một cách hiệu quả, cần xác định rõ rằng đây không chỉ là câu chuyện của từng toà soạn riêng lẻ, mà là cuộc cách mạng toàn ngành. Việc xây dựng các trung tâm đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu và hình thành cộng đồng các cơ quan báo chí số để học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, chính sách quản lý cũng cần được cập nhật phù hợp với thực tiễn mới, từ quản lý nền tảng, bảo vệ quyền tác giả đến cơ chế thu phí nội dung và quảng cáo số.

Chính sách quản lý là chìa khóa để báo chí Việt Nam bước vào kỷ nguyên số một cách bài bản và bền vững.
Chính sách quản lý là chìa khóa để báo chí Việt Nam bước vào kỷ nguyên số một cách bài bản và bền vững.

Hiện nay, Cục Báo chí và Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang và sẽ có những hoạt động hỗ trợ thiết thực trong việc thúc đẩy các cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo số.

Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí thuộc Cục Báo chí cũng thường xuyên triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng, cung cấp kiến thức về công nghệ mới, cách làm báo mới và xu hướng báo chí mới cho các cơ quan báo chí; tư vấn cụ thể về việc lựa chọn công nghệ và tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm công nghệ phù hợp cho báo chí (sẵn sàng làm “cầu nối” giữa các cơ quan báo chí với công ty công nghệ trong nước lẫn các công ty công nghệ ở nước ngoài)…

Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó phần lớn đã có phiên bản điện tử. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đủ năng lực để chuyển đổi số một cách căn cơ và bền vững. Sự phân hóa đang ngày càng rõ rệt giữa các tòa soạn có tiềm lực và nhóm còn gặp khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng, báo chí Việt Nam cần lấy công nghệ làm động lực đổi mới nhưng không được đánh mất sứ mệnh cốt lõi, nhất là việc cung cấp thông tin chính xác, trung thực, kịp thời và có định hướng. Đầu tư vào chuyển đổi số không chỉ là bắt kịp xu thế, mà là sự tồn tại lâu dài của nền báo chí quốc gia trong thế kỷ 21.

Đây được xem là thời điểm quyết định để báo chí Việt Nam xác lập vị thế mới – một nền báo chí số vừa chuyên nghiệp, hiện đại, vừa giữ vững bản sắc, đạo đức và trách nhiệm xã hội. Nếu vượt qua được giai đoạn thử thách này, báo chí Việt Nam không chỉ tồn tại, mà còn có thể trở thành lực lượng dẫn dắt dư luận trong một xã hội số đang phát triển nhanh chóng.

“Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong kỷ nguyên số, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là về nhận thức và cơ chế. Khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, báo chí cần tận dụng những lợi thế để nâng cao chất lượng nội dung. Ví dụ, trong lĩnh vực quản lý nhà nước, báo chí không chỉ phản ánh thực trạng mà còn phải đưa ra những giải pháp, giúp công chúng hiểu rõ hơn về chính sách. Một bài báo tốt không chỉ đưa tin mà còn giúp người đọc có cái nhìn sâu hơn về vấn đề”, ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/06/2025