ISSN-2815-5823
Đỗ Linh
Chủ nhật, 09h39 14/04/2024

Báo động thiếu hụt nhân lực chất lượng cao ngành du lịch

(KDPT) - Vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay” do Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam (HHDL Việt Nam) và các đơn vị liên quan tổ chức trong  khuôn  khổ  Hội  chợ  Du  lịch quốc  tế - VITM 2024.

GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.
GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia.... Hiện nay, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài.

Hiện trạng đào tạo còn nhiều bất cập

Theo thông tin từ hội thảo, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ VHTTDL); 71 trường trung cấp; và 04 trung tâm đào tạo nghề. Có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp là Trường Cao đẳng nghề khách sạn du lịch quốc tế Imperial đào tạo theo mô hình Hotel Coglec và Trường Trung cấp du lịch - khách sạn Saigontourist của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.

Các cơ sở đào tạo du lịch hiện nay theo các loại hình sở hữu có: Công lập và ngoài công lập, đầu tư trong nước và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài; Hình thức tổ chức đào tạo chính quy và không chính quy, các hệ ngắn hạn và dài hạn. Với số lượng các chương trình đào tạo gồm: 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch. Các cơ sở đào tạo du lịch trong toàn quốc đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Về lực lượng giảng viên, hiện nay cả nước có khoảng trên 2.000 giáo viên, giảng viên du lịch và cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp (giáo viên, giảng viên du lịch chiếm khoảng 73%, cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo chiếm khoảng 27%) và 2.579 đào tạo viên du lịch (đã có chứng chỉ đào tạo của Hội đồng cấp chứng chỉ du lịch Việt Nam). Giảng viên, giáo viên cơ hữu là 1.400 người, chiếm khoảng 70% và giảng viên thỉnh giảng là 600 lượt người, chiếm 30%. Giáo viên, giảng viên ở độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm khoảng 29% và ở độ tuổi từ 31-50 tuổi chiếm 60%.

Hầu hết các giảng viên, giáo viên đều biết ngoại ngữ (có khoảng 100 người biết 2 ngoại ngữ trở lên) và tin học. Trong số giảng viên, giáo viên du lịch có 2 giáo sư, 11 phó giáo sư, 36 tiến sĩ, 210 thạc sĩ và 5 chuyên gia, nghệ nhân. Các cơ sở đào tạo du lịch trong toàn quốc đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo phục vụ nhu cầu thực tiễn.

Hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng.

Đánh giá về nguồn nhân lực du lịch hiện nay, GS.TS Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam nhìn nhận, nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp.

“Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, GS.TS Đào Mạnh Hùng khẳng định.

Phân tích những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xu hướng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế tại Việt Nam, PGS.TS Dương Đức Thắng - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cho biết: Công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành Du lịch. Nhân lực du lịch hiện nay không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài”.

Cần có tổ chức quốc gia kiểm định chất lượng

Trước các vấn đề còn bất cập của nguồn nhân lực du lịch, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) đã đề nghị các chuyên gia đã thảo luận về du lịch trong bối cảnh hiện tại và vấn đề đặt ra đối với ngành Du lịch; hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch tại Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực Du lịch chất lượng cao, triển khai tốt nghị quyết số 08 của Đảng về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác đào tạo nguồn nhân lực Du lịch, các đại biệu tham dự hội thảo nhất trí cần chú ý một số điểm sau. Đó là cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh. Xây dựng khung chương trình đào tạo tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Đội ngũ giảng viên Du lịch cần phải có chế độ bồi dưỡng nâng cao tay nghề, trình độ sư phạm, kỹ năng thực hành, giao tiếp học hỏi các cơ sở đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước, có sự trao đổi lựa chọn lực lượng giảng viên giữa các cơ sở đào tạo với nhau thông qua Hội đồng hiệu trưởng.

Hàng năm cần tổ chức Hội thi Sinh viên Du lịch toàn quốc, tiến tới Hội thi tay nghề Du lịch ASEAN từ đó tìm ra được những tài năng của sinh viên và giảng viên các cơ sở đào tạo, từ Hội thi có thể tìm ra những tài năng, những kinh nghiệm quý giá trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực Du lịch du lịch, lựa chọn bổ sung cho đội ngũ giảng viên có tay nghề cao của các Trường đào tạo Du lịch.

GS.TS Đào Mạnh Hùng đưa ra một đề xuất đáng chú ý đó là, cần thành lập tổ chức quốc gia kiểm định chất lượng và cấp chứng chỉ nghề cho lao động ngành Du lịch để trên cơ sở đó sắp xếp đúng vị trí công việc và mọi chế độ cho người lao động.

Để giải quyết thiếu hụt lao động chất lượng cao hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh thỏa thuận tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch, Việt Nam cần linh hoạt cho phép dịch chuyển lao động trong ngành du lịch thuộc khối ASEAN. Một người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN, trong khi đó, Việt Nam cũng có thể thu hút các lao động có trình độ để đáp ứng được các vị trí đòi hỏi trình độ cao đang bị thiếu hụt nhân lực./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/05/2024