ISSN-2815-5823
Mỹ Kim
Thứ ba, 21h47 12/11/2024

Người dân khó mua vàng, doanh nghiệp khó sản xuất

(KDPT) - Có lẽ chưa bao giờ, chuyện giá vàng tăng hoặc hạ và nỗi vất vả khi mua vàng lại được người dân quan tâm nhiều đến vậy. Đến bao giờ, việc mua bán vàng sẽ bớt khó?

Giá vàng trở thành nỗi quan tâm thường nhật

Trước kia, chuyện giá vàng lên hay xuống chỉ dành cho số ít người quan tâm, là những người cần mua hoặc bán vàng. Còn nhiều tháng nay, người người nhà nhà đều sốt theo giá vàng khi vàng tăng giá liên tục khiến ai nấy vội vã đi mua càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt vì sợ “đỉnh hôm nay là đáy của ngày mai”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chẳng cần chờ đến ngày vía thần Tài, người ta vẫn xếp hàng từ sáng sớm ngoài các tiệm vàng để chờ mua. Hôm nay chưa mua được thì ngày mai lại đến chờ chực. Không chỉ có người già, nhiều bạn trẻ cũng bắt đầu hình thành thói quen mua vàng để tích trữ, mỗi tháng trích một phần lương để mua vài phân vàng. Cả xã hội xôn xao với giá vàng, chuyện giá vàng vì sao cứ tăng, mua vàng tại sao vẫn khó còn xuất hiện cả trong phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội.

Phải thừa nhận Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp kịp thời khi thấy giá vàng tăng nóng và người dân đổ xô đi mua. Những biện pháp như mở phiên đấu thầu, bán vàng miếng qua các ngân hàng quốc doanh và công ty SJC đã giúp giá vàng hạ nhiệt, rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá quốc tế. Nhưng muốn ổn định thị trường vàng lâu dài, vẫn cần tăng được nguồn cung để có thể đáp ứng được lượng cầu vẫn rất lớn trong dân.

Đã đến lúc để các doanh nghiệp mạnh được nhập khẩu vàng

Nhiều người lo ngại rằng nếu để các doanh nghiệp nhập khẩu vàng, sẽ tiêu tốn một lượng ngoại tệ lớn. Nhưng thực ra, khoản ngoại tệ này không lớn so với lượng tiền chi cho những mặt hàng khác. Chẳng hạn 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu gần 320 tỷ đô-la hàng hóa, kể cả trang thiết bị phục vụ kinh doanh sản xuất đến hàng tiêu dùng. Chưa kể vàng lại là tài sản tích lũy chứ không phải tiêu sản như nhiều hàng hóa khác, nên lượng ngoại tệ không bị mất đi, chỉ chuyển sang dạng khác mà thôi.

Khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tham gia quản lý, điều tiết việc xuất nhập khẩu vàng, áp dụng chính sách thuế chặt chẽ thì Việt Nam cũng thu được lợi ích kinh tế. Còn hiện tại, tình hình buôn lậu vàng vẫn đang diễn ra và chỉ có kẻ buôn lậu, đầu cơ hưởng lợi trong khi Nhà nước thất thu thuế. Nếu Ngân hàng Nhà nước cấp quota để 2, 3 công ty lớn có tiềm lực về vốn, có hệ thống kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng đáp ứng nhu cầu người dân, thị trường vàng sẽ dần ổn định.

Khi vàng không còn khan hiếm, giá vàng không còn trồi sụt thất thường thì người dân cũng sẽ hạn chế đổ xô mua vàng tích trữ. Trước năm 2021, khi giá vàng ổn định thì người dân không có tình trạng tranh nhau mua vàng như bây giờ. Ngược lại, vàng càng khó mua thì người dân lại càng muốn sở hữu như một kênh tích trữ hoặc đầu tư. Khi mọi người nhận ra rằng ngoài vàng, còn rất nhiều phương thức đầu tư hấp dẫn khác thì họ sẽ tự động chia nhỏ tài sản ra nhiều kênh khác nhau. Khi người dân thấy được đồng tiền Việt Nam không mất giá, có lợi khi gửi tiết kiệm trong ngân hàng thì họ cũng không muốn rút tiết kiệm ra mua vàng như thời gian gần đây./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine