Không được thờ cúng liệt sỹ chỉ vì…thiếu giấy ủy quyền.

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1944, hiện đang ở tại phố Keo, đường 181 xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội), liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên (Ủy viên Ủy ban kháng chiến xã, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp) có vợ là cụ Nguyễn Thị Cải sinh ra được 02 người con là bà Nguyễn Thị Dưa (Nguyễn Thị Liên) và bà Nguyễn Thị Dừa. Cụ Nguyễn Thị Cải ở cùng với bà Liên đến tháng 06/2016 thì mất. Trước khi mất, cụ Cải có để lại di chúc cho bà Liên (di chúc được lập ngày 18/09/2015), có nội dung: “Sau này khi tôi qua đời thì con gái Nguyễn Thị Liên là người đứng ra lo hậu sự cho tôi và là người chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, ông bà và bố mẹ”.

Cùng với đó, trước thời điểm năm 2018, bà Liên vẫn được nhận chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sỹ của Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Nội (theo quyết định số 1054/QĐ- SLĐTBXH ngày 23/03/2017). Theo nội dung quyết định này, việc trợ cấp thờ cúng liệt sỹ được dành cho bà Nguyễn Thị Liên với mức trợ cấp là 500.000đồng/năm và được tính kể từ năm 2016.

Tuy nhiên vào khoảng tháng 03/2018, bà Liên bất ngờ nhận được Quyết định số 809/QĐ – SLĐTBXH ký ngày 27/02/2018 của Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Nội về việc tạm dùng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên đối với bà Nguyễn Thị Liên kể từ ngày 01/03/2018. Lý do của việc tạm dừng trợ cấp được nêu ra trong quyết định là: Gia đình liệt sỹ không thống nhất ủy quyền để bà Nguyễn Thị Liên tiếp tục thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên (01 con gái của liệt sỹ chưa ký vào biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sỹ).

Di ảnh Liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên – hy sinh trong kháng chiến chống Pháp

Người con gái của liệt sỹ chưa ký vào biên bản ủy quyền thờ cúng liệt sỹ mà trong quyết định này nhắc tới chính là bà Nguyễn Thị Dừa, một trong 02 người con gái của liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên, đồng thời chính là em gái ruột của bà Nguyễn Thị Liên.

Nói về em gái mình (là bà Nguyễn Thị Dừa), bà Liên cho biết: Mẹ của bà (cụ Nguyễn Thị Cải, vợ của liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên) sinh được hai người con là bà Liên (hồi bé gọi là Nguyễn thị Dưa) và bà Dừa. Cụ Cải khi còn sống đã ở cùng với bà Liên và bà Liên đã chăm sóc cụ Cải cho đến tận ngày cụ mất (tháng 06/2016). Do có những xích mích cá nhân giữa hai chị em mà bà Dừa không những không chăm sóc mẹ mình (cụ Cải) chu đáo mà ngay cả khi cụ Cải mất thì bà Dừa cũng không chịu về nhà chịu tang mà chỉ đứng ở bên ngoài nhà và gây rối mất trật tự, UBND xã Kim Sơn phải cử 02 công an đến để giữ trật tự.

Họ hàng nhà bà Liên phải tổ chức một cuộc họp về hành vi của bà Dừa. Tại cuộc họp gia tộc được tổ chức vào ngày 19/09/2016, mọi người đã thống nhất việc đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết để bà Liên được hưởng trợ cấp một lần và được thờ cúng liệt sỹ, không cần phải được sự ủy quyền của bà Dừa. Biên bản cuộc họp này đã được lập với chữ ký của hơn 20 người trong nội tộc. Về phần bà Liên, với mong muốn tiếp tục làm tròn đạo hiếu với ông bà tổ tiên, tiếp tục được hương khói cho bố mình là liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên, bà Liên đã làm đơn khiếu nại đối với Quyết định “ngừng thờ cúng” của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội.

Trong văn bản số 437/QĐ – LĐTBXH do Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh ký ngày 18/05/2018 trả lời khiếu nại của bà Nguyễn Thị Liên về vấn đề này đã dựa trên những nội dung khiếu nại để xác minh thông tin. Những thông tin được Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Nội tập trung xác minh bao gồm: Hồ sơ lý lịch của liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên, di chúc của cụ Nguyễn Thị Cải lập ngày 18/9/2015, đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Liên đề nghị được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ, biên bản họp ngày 25/10/2016 của Hội đồng chính sách người có công (UBND xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) đề nghị giải quyết tiền mai táng phí, trợ cấp một lần và thờ cúng liệt sỹ. Ngoài ra còn có công văn số 920/UBND ngày 14/11/2016 của UBND xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp một lần và thờ cúng liệt sỹ. Trong đó, tại di chúc của cụ Nguyễn Thị Cải được lập ngày 18/09/2015 có nội dung: “Con gái Nguyễn Thị Liên đang ở với tôi, là người có công làm thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu liệt sỹ cho bố, có công trong việc đưa hài cốt bố về nghĩa trang quê nhà, chăm sóc phụng dưỡng mẹ chu đáo, có trách nhiệm trong việc thờ cúng tổ tiên, ông bà và bố là liệt sỹ. Sau này khi tôi qua đời thì con gái Nguyễn Thị Liên là người đứng ra lo hậu sự cho tôi và là người chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ”.

Căn cứ vào việc xác minh những thông tin trên, ngày 14/09/2017, Sở Lao động – Thương binh và xã hội thành phố Hà Nội có công văn số 42/SLĐTBXH – NCC xin ý kiến Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Cục Người có công về trường hợp giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sỹ cho bà Nguyễn Thị Liên. Ngày 22/01/2018, Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) đã ra văn bản số 205/NCC-CS1 để phản hồi, trong đó có ghi “ …hiện 02 con của liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên (bà Nguyễn Thị Liên và bà Nguyễn Thị Dừa) chưa thống nhất được người thờ cúng, do đó chưa đủ cơ sở để xem xét giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ theo quy định. Pháp luật về Người có công với Cách mạng không quy định việc thừa kế hưởng chế độ ưu đãi. Do đó, không căn cứ vào bản di chúc của thân nhân liệt sỹ đã được hưởng chế độ ưu đãi để xem xét, giải quyết trợ cấp cho người thừa kế”. Việc trả lời này dựa trên căn cứ tại điều 10, điều 11, Thông tư số 05/2013/TT- BLĐTBXH ngày 15/05/2013 của Bộ LĐTBXH quy định: hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ, trong đó việc giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ phải có biên bản ủy quyền của gia đình, họ tộc giao cho một người đại diện nhận trợ cấp thờ cúng.

Quyết định về việc tạm dừng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ của Sở LĐTBXH Hà Nội

Như vậy có thể thấy nguyên nhân chính của việc tạm dừng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ nêu ra trong Quyết định 809/QĐ- SLĐTBXH của Sở LĐ- TBXH Hà Nội là do bà Nguyễn Thị Dừa không chịu ký vào biên bản ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Liên thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên (đồng thời cũng là cha chung của hai bà).

Các cơ quan chức năng nói gì?

Có thể nói Quyết định số 809/QĐ – SLĐTBXH ký ngày 27/02/2018 của Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Nội về việc tạm dùng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên đối với bà Nguyễn Thị Liên kể từ ngày 01/03/2018 đã ra một cú sốc tâm lý đối với bà Liên bởi từ trước đến nay bà vẫn là người trực tiếp hương khói cho bố mình là liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên.

Với quyết định này thì việc hương khói cho bố bà buộc phải tạm dừng mặc dù trên bàn thờ chính đặt tại gia đình bà vẫn còn di ảnh Liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên cùng tấm bằng Tổ Quốc ghi công. Không đành lòng với cảnh để cha mình “hương tàn khói lạnh”, bà Liên đã gõ cửa đến mọi cơ quan chức năng mong được sự trợ giúp. Tại các biên bản làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội (ngày 15/05/2018), với thanh tra Thành phố Hà Nội (vào các ngày 05/09/2018 và 10/12/2018) và với phòng LĐ- TB XH huyện Gia Lâm cùng đại diện chính quyền địa phương (ngày 10/01/2020) bà Liên đều đề xuất nguyện vọng tha thiết của mình là tiếp tục được thực hiện công việc hương khói thờ cúng liệt sỹ cho cha của mình là liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên để trọn đạo hiếu đối với bậc sinh thành.

Tuy nhiên, tại các văn bản trả lời của cơ quan chức năng, cụ thể là tại Quyết định số 437/QĐ- SLĐTBXH ngày 18/05/2018 của Sở LĐ- TBXH Hà Nội trả lời khiếu nại của bà Nguyễn Thị Liên nêu rõ “Việc bà Nguyễn Thị Liên hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ theo hồ sơ quyết định số 1054/QĐ- SLĐTBXH ngày 24/03/2017 của Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội là không đúng do liệt sỹ còn một người con gái không ủy quyền theo quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/04/2013 của Chính phủ, thông tư 05/2013/TT- BLĐTBXH ngày 15/05/2013.Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/07/2014 của Bộ lao động thương binh và Xã hội. Giữ nguyên quyết định số 809/QĐ- SLĐTBXH ngày 27/02/2018 của Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội việc tạm dừng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ đối với bà Nguyễn Thị Liên”.

Trong quyết định này, Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Nội cũng cho biết: Sau khi bà Nguyễn Thị Liên được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên, bà Nguyễn Thị Dừa – em ruột của bà Liên nhiều lần đến Sở Lao động thương binh và Xã hội kiến nghị việc Sở cho bà Nguyễn Thị Liên hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ vì bà là con gái của liệt sỹ không đồng ý ủy quyền cho bà Liên hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ.

Bà Nguyễn Thị Liên với tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của cha mình là Liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên

Cũng liên quan đến việc trả lời khiếu nại của bà Liên, ngày 08/01/2019 UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 132/QĐ- UBND do Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý ký trong đó nêu rõ “Quyết đinh số 809/QĐ – SLĐTBXH ký ngày 27/02/2018 của Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Nội về việc tạm dùng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên đối với bà Nguyễn Thị Liên là đúng với quy định pháp luật”. Đồng thời tại quyết định này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cũng đã chỉ đạo: giao cho Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Kim Sơn tổ chức tuyên truyền hòa giải giữa gia đình bà Nguyễn Thị Liên và bà Nguyễn Thị Dừa để hoàn thiện hồ sơ trợ cấp thờ cúng liệt sỹ theo đúng quy định.

Cần sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng

Tiếp chúng tôi trong một căn nhà tuềnh toàng cũ kỹ nằm bên cạnh con đường cát bụi mù mịt, bà Nguyễn Thị Liên không giấu được nỗi buồn trên gương mặt khắc khổ của mình. Là một cựu thanh niên xung phong đã từng lăn lộn trên các chiến trường ác liệt thời kỳ đánh Mỹ tại các khu vực trọng điểm như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong giai đoạn 1965 – 1972, bà đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mang trên mình thương tích 21% nên cho đến tận bây giờ bà vẫn sống cô độc một mình không người thân thích bên cạnh, đặc biệt vào những khi thời tiết “trái gió trở trời”. Với khoản lương hưu và trợ cấp ít ỏi của mình bà vẫn miệt mài và cần mẫn làm trọn phận sự của một người con hiếu thảo. Việc ngừng trợ cấp chế độ thờ cúng liệt sỹ đối với cha bà thực sự đã làm tổn thương đến bà trước anh linh của người cha yêu quý đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Nói về nguyên nhân vì sao em gái mình là bà Nguyễn Thị Dừa không đồng ý ký ủy quyền cho bà để được hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sỹ, bà kể: mọi chuyện có lẽ bắt nguồn từ việc tranh chấp đất đai giữa em gái bà và bà ngay tại mảnh đất mà bà đang được mẹ mình là cụ Nguyễn Thị Cải (vợ liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên) để lại. Hiện vụ việc tranh chấp này đang được Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm thụ lý giải quyết. Hơn nữa, cũng theo bà Liên, từ trước đến nay việc bà thờ cúng cha mình là liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên đều được chính quyền địa phương, hàng xóm láng giềng và nội tộc đồng lòng ủng hộ và công nhận đây là việc làm hợp tình người và theo đúng theo đạo lý.

Bà Nguyễn Thị Liên đang trình bày sự việc

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vốn luôn là đạo lý, là lẽ sống và là nền tảng của chuẩn mực đạo đức xã hội của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân dựng nước, những anh hùng liệt sỹ không tiếc thân mình đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và nền độc lập tự do cho dân tộc. Tháng bảy hàng năm với ngày 27/7 là dịp để toàn dân tộc thắp những ngọn nến tri ân tưởng nhớ đến công ơn các anh hùng liệt sỹ. Vậy mà chỉ vì một chút lợi ích cá nhân mà một số người sẵn sàng làm những điều trái đạo lý, làm tổn thương đến anh linh của những người đã khuất.

Trong vụ việc này, hành vi của bà Nguyễn Thị Dừa thật đáng lên án khi đã ngăn quyền thờ cúng cha mình một cách hợp pháp đối với bà Nguyễn Thị Liên, người đồng thời cũng là chị ruột của mình. Liệu dưới suối vàng kia anh linh liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên có được an lòng nhắm mắt?

Ngày 27/7, Ngày Thương binh liệt sỹ năm nay đang đến rất gần. Quyền được thờ cúng cha mình – một liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước sao lại vấp phải những khó khăn “lạ kì” đến thế? Bao nhiêu cấp, bao nhiêu nhân chứng đã công nhận và ủng hộ, tại sao bà Liên vẫn không được hưởng quyền hương khói cho chính cha của mình? Liệt sỹ Nguyễn Mậu Uyên sẽ phải chịu cảnh “hương tàn khói lạnh” đến bao giờ?

Trong đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, bà Liên mong muốn nhận được những hướng dẫn tháo gỡ cho tình huống này một cách thấu tình đạt lý. Rất mong UBND TP Hà Nội, Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP Hà Nội, cùng phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Gia Lâm cùng phối hợp để có hướng dẫn hoặc có chính sách, giải pháp phù hợp và kịp thời để thân nhân những gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng như bà Nguyễn Thị Liên và những gia đình có hoàn cảnh tương tự được hưởng quyền lợi chính đáng trong việc thờ cúng liệt sỹ. Đó cũng chính là cách thiết thực nhất để tưởng nhớ và tri ân đến những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, đặc biệt là trong những ngày tháng bảy đáng nhớ này.

TRƯỜNG MINH